Dễ quá "hóa" không ổn!

Thứ Năm, 13/12/2018, 09:00
Tháng 12 này, tất cả các đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước đều phải lấy nhận xét 2 chiều thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị về "Đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú". Làm sao để việc nhận xét này là thực chất vẫn là câu hỏi dành cho cấp uỷ đảng nơi đảng viên công tác và nơi đảng viên cư trú.
Một thực tế cho thấy, không ít đảng viên mang giấy giới thiệu sinh hoạt đảng nộp tại cấp ủy nơi sinh sống, nhưng sau đó không thấy tham gia các hoạt động của tổ dân phố cũng như của chi bộ. Cuối năm, cần giấy xin xác nhận sinh hoạt đảng 2 chiều để nộp về cơ quan thì xách theo cân chè Thái Nguyên, gói thuốc lá, tờ lịch năm mới… tới nhà đồng chí Bí thư Chi bộ nói khó: Nào là vì phải dành phần lớn thời gian cho công việc; phải đi công tác liên miên nên chưa gặp mặt để chào hỏi, giao lưu với chi bộ được.

Năm nay, do nhiệt tình cống hiến nên đã được anh em trong đơn vị bình bầu và đề nghị cấp trên công nhận "Chiến sĩ Thi đua", còn đơn vị xin được "Cờ Thi đua của Bộ", bây giờ chỉ chờ nhận xét của cấp ủy đảng nơi cư trú và cuộc họp của đảng ủy cấp trên là sẽ có quyết định… tha thiết mong chi bộ thông cảm và tạo điều kiện…

Thường thì các đồng chí Bí thư Chi bộ cũng là những cán bộ đã công tác lâu năm, nay đã nghỉ hưu nên cũng dễ thông cảm và bỏ qua để xác nhận vào phiếu nhận xét. Có rất ít trường hợp nhận xét đúng thực chất về đảng viên đó.

Sinh hoạt đảng viên nơi cư trú phải thực chất hơn nữa. Trong ảnh: Chi ủy khóm 5 tỉnh Đồng Tháp họp xét đánh giá đảng viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Quy định đã rõ rồi, nhưng vì cái tình, chẳng ai lại đánh giá "Chưa liên hệ với chi ủy đảng nơi cư trú lần nào. Chưa thật sự quan hệ, gắn bó mật thiết với quần chúng, nhân dân nơi cư trú". Qua 18 năm thực hiện Quy định 76, nhưng việc lấy phiếu nhận xét, đánh giá đảng viên 2 chiều này nói chung vẫn rất hình thức.

Có nhiều đảng viên khi đến nơi cư trú mới mang giấy giới thiệu sinh hoạt đảng nộp cho chi bộ, nhưng khi họ chuyển đi nơi khác thì âm thầm, lặng lẽ chẳng ai biết họ ra đi từ lúc nào và cũng chẳng thèm báo với chi bộ lấy một tiếng.

Quy định 76 nêu rất rõ "Đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi uỷ, đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú", nhằm tăng cường quản lý đảng viên trong tình hình mới, gắn bó mật thiết với nhân dân, là điều kiện để nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra hoạt động và các quan hệ xã hội của đảng viên, đóng góp ý kiến xây dựng cho đội ngũ đảng viên đang công tác nói riêng và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, qua đó giúp đảng viên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Tuy nhiên, việc nhận xét đảng viên nơi cư trú như thế nào để cho người ta cảm thấy thuyết phục là điều đáng bàn. Chúng ta đều biết, cán bộ, đảng viên làm trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thì quyền lợi, nghĩa vụ phụ thuộc vào cơ quan chuyên môn, vào thủ trưởng nơi công tác. Do đó, họ phải tập trung phấn đấu, giữ gìn, tạo mối quan hệ gắn kết với mọi người trong cơ quan mà ít quan hệ mật thiết với cộng đồng nơi cư trú là lẽ đương nhiên.

 Đây là một "lỗ hổng" trong việc quản lý, giám sát đảng viên, nhất là trong tình hình nhiều biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra khá phổ biến, phức tạp, khó kiểm soát như hiện nay.

Bao năm nay cấp ủy ở cơ quan, đơn vị nơi đảng viên đương chức công tác thường chỉ làm thủ tục hành chính, giới thiệu đảng viên sinh hoạt với nơi cư trú, gần như không có mối quan hệ phối hợp nào với cấp ủy cơ sở; thiếu sâu sát, kiểm tra, thẩm định ý kiến nhận xét.

Tiếng là "đầy tớ của nhân dân", nhưng họ có nhiều nhà cửa, cư trú ở nhiều nơi mà cấp ủy, hàng xóm cũng không biết. Có người chỉ khi bị truy tố do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cấp ủy, hàng xóm của đảng viên đó mới biết về lai lịch của người đó. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, cách quản lý đảng viên đương chức theo Quy định nói trên vẫn còn nhiều kẽ hở, trong đó thiếu sự phối hợp giữa cấp ủy nơi đảng viên công tác với cấp ủy nơi đảng viên cư trú đã tạo ra lỗ hổng lớn trong quản lý đảng viên hiện nay.

Nói chung, việc để cho đảng viên đương chức tự  liên hệ, lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú chỉ có thể quản lý được những đảng viên gương mẫu chấp hành tốt quy định của Đảng, còn đối với những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có một trong số 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra thì đó như hình thức "đười ươi giữ ống". Vì những đảng viên như thế có đủ mánh khóe, thủ đoạn để che đậy khuyết điểm, qua mắt mọi người, dễ dàng vượt qua "rào cản" ở nơi cư trú.

Trung ương cần cải tiến cách đánh giá, nhận xét đảng viên đương chức cuối năm. Trước tiên, đảng viên đương chức buộc phải tự phê bình, báo cáo trước chi ủy, ban công tác mặt trận, đại diện nhân dân ở nơi cư trú để được phê bình, góp ý; chuyển phiếu nhận xét sinh hoạt hai chiều qua đường công văn, không để tự đảng viên xin nhận xét rồi tự chuyển về nơi công tác.

Tổ chức đảng, chi ủy nơi đảng viên công tác cần phối hợp với chi ủy nơi đảng viên cư trú công khai bản kê khai tài sản, thu nhập để các tổ chức, người dân nơi cư trú biết, giám sát, phát hiện, tố giác sự chưa đầy đủ, thiếu trung thực khi kê khai. Đây là cách để giám sát toàn diện hoạt động của đảng viên, giúp tổ chức Đảng có cơ sở đánh giá đúng về đảng viên, góp phần trực tiếp trong việc xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

Cù Tất Dũng
.
.