Dạy trẻ yêu nghệ thuật

Thứ Hai, 11/06/2018, 08:03
Quả thực, ở Việt Nam, hoạt động dạy và học nghệ thuật cho trẻ em chưa bao giờ được quan tâm đúng mức, kể cả trong hệ thống giáo dục chính thống của nhà trường cũng như tâm lý các phụ huynh...


"Trại hè nghệ thuật" cho thiếu nhi - tại sao không?

Hà Anh

Cứ mỗi mùa hè đến, nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh ở các thành phố lớn lại đau đầu với câu hỏi, làm thế nào để có thể vừa đi làm, vừa canh chừng con cái khi chúng không tới trường hàng ngày. Để đáp ứng nhu cầu khá bức thiết này, từ nhiều năm nay đã có nhiều hình thức trại hè được tổ chức như: trại hè tiếng Anh (trong nước và quốc tế), học kỳ quân đội, khóa tu - thiền...

Một số khác, thay vì để chúng ở nhà chúi mũi vào tivi, máy tính, điện thoại thì sẽ gửi đến các lớp học thêm Toán - Văn - Ngoại ngữ, rồi gửi đến các lớp học bơi, học vẽ, học đàn, học hát múa, học làm MC..., với mục tiêu chủ yếu là để... gửi trẻ.

Nhưng cũng từ dăm năm nay, nhiều mô hình CLB dạy nghệ thuật cho trẻ đã bắt đầu xuất hiện, trong đó chủ yếu là một số văn nghệ sĩ đứng ra thành lập, điều hành. Cũng từ mùa hè năm 2017, CLB Artstar do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức và họa sĩ Lê Tiến Vượng làm chủ nhiệm đã "chiêu sinh" các học viên nhí cho các lớp: Mỹ thuật ứng dụng, Văn và Báo chí, Nhiếp ảnh. CLB đã hoạt động sôi nổi suốt mùa hè và trong năm học được duy trì mỗi cuối tuần.

Mùa hè này, các bạn thiếu nhi có thể trải nghiệm "Một tuần nghệ sĩ" hay tham gia trại hè EcoCamp vốn rất chú trọng đến môn văn học của cô Thụy Anh. Vì thế, bên cạnh sự nở rộ của các trại hè tiếng Anh, học kỳ quân đội, việc xuất hiện những CLB dạy về nghệ thuật cho trẻ em trở thành một tín hiệu đáng mừng với nhiều người quan tâm đến nghệ thuật.

Các bạn nhỏ ở xưởng vẽ Takihana rất hào hứng mỗi khi hoàn thành một tácphẩm mới.

Quả thực, ở Việt Nam, hoạt động dạy và học nghệ thuật cho trẻ em chưa bao giờ được quan tâm đúng mức, kể cả trong hệ thống giáo dục chính thống của nhà trường cũng như tâm lý các phụ huynh. Trong nhà trường, các môn có liên quan đến nghệ thuật thường bị coi là môn phụ nên dạy rất sơ sài, rập khuôn máy móc.

Thậm chí nhiều em học sinh còn kể rằng, các tiết mỹ thuật, âm nhạc thường bị "xin giờ" để các cô dạy các môn chính như Toán, Tiếng Việt. Vì thế, trẻ em ở Việt Nam thường ít được phát hiện hay có cơ hội thể hiện năng khiếu nghệ thuật trong nhà trường mà chủ yếu là do các con yêu thích một cách tự nhiên như bản năng và đơn độc theo đuổi ước mơ của mình chứ không mấy khi có sự ủng hộ của cha mẹ.

Bởi vì cha mẹ Việt thường chỉ thích con mình học giỏi Toán - Văn - Ngoại ngữ để thi vào các trường đại học top đầu, hi vọng sau này con cái sẽ có thu nhập cao, có chỗ đứng trong xã hội. Còn lại, nếu có con trót yêu nghệ thuật, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra rất... khổ tâm, thất vọng và tìm mọi cách ngăn cản.

Thế nhưng, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc cho trẻ em tiếp cận sớm với các bộ môn nghệ thuật lại có lợi cho sự phát triển tư duy của trẻ. Khi được tiếp cận với nghệ thuật, bộ não trẻ được kích thích để phát triển tư duy, rèn luyện trí nhớ và rất có lợi cho trẻ trong quá trình tiếp cận với các môn học khác.

Đặc biệt, nghệ thuật thường là môn học có tính khơi mở, là cách tốt nhất để mỗi người khai thác tối đa năng lực của bản thân và vận dụng năng lực, năng lượng ấy để học tập, làm việc và đạt được thành công trong cuộc sống. Đó là những ưu việt tuyệt vời của những người được tiếp cận với nghệ thuật sớm hoặc có trong mình những khả năng thiên phú mà nhiều bậc phụ huynh vẫn hiểu nhầm, cứ lo sợ cho con cái theo học nghệ thuật là con mình sẽ có thể trở thành nghệ sĩ và nhiều khả năng sẽ có một đời sống bấp bênh, bất ổn.

Hiện nay, hệ thống các nhà văn hóa dành cho thiếu nhi từ cấp huyện trở lên và ngay cả ở một "địa chỉ đỏ" dành cho thiếu nhi như Cung Thiếu nhi Hà Nội đã xuống cấp với những mô hình giáo dục bắt đầu bộc lộ những yếu kém, lạc hậu, thì việc ngày càng có thêm nhiều CLB do các cá nhân mở ra như CLB Đọc sách cùng con của nhà thơ, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, CLB Artstar (Báo Thiếu niên Tiền phong) do họa sĩ Lê Tiến Vượng phụ trách hay một số CLB hội họa, âm nhạc đang nở rộ chính là những địa chỉ đi tiên phong trong việc dạy trẻ con tiếp cận và biết yêu nghệ thuật.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng chia sẻ rằng, việc thành lập và duy trì các lớp học nghệ thuật của CLB Artstar bước đầu cũng có những khó khăn nhất định. Song, với suy nghĩ đầy lạc quan rằng: "Nếu không đi không thể thành đường", họa sĩ Lê Tiến Vượng tin tưởng rằng, việc dạy và học nghệ thuật ở Việt Nam sẽ có những cải thiện đáng kể, trong đó những thay đổi bắt đầu từ chính tâm lý các phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng.

Lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành, cổ vũ và làm bạn với những ước mơ bay cao, bay xa của con, trong đó có những giấc mơ sáng tạo nghệ thuật là điều phụ huynh Việt nên làm một cách cởi mở hơn nữa.

Nhà thơ, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Đồng hành cùng giấc mơ con trẻ

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà thơ, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, sau 5 lần tổ chức, trại hè EcoCamp năm nay có gì khác biệt với những mùa trước? Những chủ đề chính nào sẽ được đưa vào nội dung của các hoạt động của EcoCamp năm nay?

+ Về nguyên tắc, EcoCamp vẫn trung thành với những tiêu chí ban đầu của mình, đó là xây dựng một sân chơi hấp dẫn, lành mạnh cho trẻ trong ngày hè. EcoCamp 2018 có nét mới là, khi thiết kế chương trình, tôi chú trọng đến việc tích hợp các kiến thức về xã hội trong chương trình phổ thông (Lịch sử, Địa lý, Văn học…) vận dụng vào các tình huống của trò chơi để các bạn nắm vững nhiều khái niệm tưởng rất khô khan trong sách giáo khoa mà lại rất thú vị, linh hoạt ở ngoài đời. Điều này đặc biệt hướng tới các Eco Teen (từ 10 đến 15 tuổi). Với chủ đề là "THẾ GIỚI TRONG BÀN TAY" - mỗi thành viên tham gia tự xây dựng, sắp xếp thế giới của mình, "quốc gia" nhỏ của mình và học cách khai thác những gì mình có, mình biết, mình cảm nhận về cuộc sống.

- Là một nhà nghiên cứu giáo dục đồng thời là một nhà thơ, các trại hè  EcoCamp với CLB Đọc sách cùng con do chị tổ chức thường dành thời gian như thế nào cho các chủ đề liên quan đến văn học? Các bạn nhỏ có hào hứng với các chủ đề này không?

+ Tôi nghĩ, đây có lẽ cũng là nét đặc biệt của EcoCamp do CLB Đọc sách cùng con tổ chức. Với "sứ mệnh" tự đặt ra cho mình là hỗ trợ việc đọc sách của các em, ở trại hè, chúng tôi luôn dành nhiều tình cảm nhất cho góc đọc. Đó là một thư viện nho nhỏ nhiều sách, được trang trí dễ chịu, có chỗ ngồi đọc, viết, ghi chép và không gian để tổ chức hoạt động đọc.

Trong tất cả các trại hè chúng tôi tổ chức 5 năm qua luôn có các buổi đọc sách lớn, nhỏ, các cuộc thi giới thiệu sách theo cách của mình, các cuộc giao lưu với các nhà văn, thầy cô giáo dạy Văn, các cuộc thi viết ngắn và thậm chí, các hội nghị nghiêm túc mà các nhà văn, nhà phê bình đến tham dự còn phải thốt lên: "Nghiêm túc không kém gì người lớn!".

Tôi nhớ năm 2016, Hội nghị "Đọc thì được không đọc thì thiệt" đã thu hút các bé tham gia rất đông, hào hứng chứng minh sự "được" và sự "thiệt" bằng một cuốn sách mình yêu thích. Chẳng hạn, trước các cuộc thi EcoChef (nấu ăn) của trại, chúng tôi thường trích đọc Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… theo chủ đề thi hôm đó.

Trong các buổi học về giao tiếp ứng xử, chúng tôi trích đọc các tác phẩm tản văn, truyện ngắn, truyện vừa của nhiều tác giả thiếu nhi khác như Xuân Quỳnh, Phong Thu, Lê Phương Liên, Võ Quảng, Nguyễn Nhật Ánh và các tác giả nước ngoài. Làm bánh thì đọc "Bột mì vĩnh cửu" (A. Belyaev), đan len may áo thì đọc "Gió lạnh đầu mùa" (Thạch Lam), "Những chiếc áo ấm" (Võ Quảng)…

- EcoCamp đã bao giờ tổ chức các cuộc thi viết văn, làm thơ trong khuôn khổ trại hè của mình không? Kết quả có khiến chị và BTC ngạc nhiên không?

+ Chúng tôi không tổ chức các cuộc thi mà khuyến khích các em sáng tác hoặc viết ngắn theo đề tài nho nhỏ, ví dụ: "Biển Đồ Sơn buổi sáng" hoặc "Niềm vui hôm nay của tôi"… Có những lần, chúng tôi đề nghị các em sáng tác câu chuyện nhỏ bằng cách đưa ra một tình huống để các bạn tiếp tục sáng tạo. Chẳng hạn, cô Thụy Anh đưa ra một hạt cà phê rất thơm, và thắc mắc, vì sao nó nằm trong túi của cô, nó đến từ đâu và câu chuyện của nó thế nào.

Tôi luôn rất vui vì các bạn trẻ hướng ứng nhiệt tình. Chúng đang không thi viết mà cố gắng giành được "quyền tham gia" - tham gia sáng tạo ra một thế giới của mình bằng câu chữ. Trò chơi này khiến các bạn tự tin và cố gắng hơn trong việc đọc, học tập các nhà văn và tích lũy vốn từ. Không chỉ việc đọc và viết, làm gì thì việc xây dựng một môi trường thân thiện, thoải mái, gây được cảm hứng với trẻ vẫn là điều kiện quan trọng nhất để có được thành công.

- Những năm gần đây, nhiều phụ huynh phàn nàn rằng, việc dạy văn trong nhà trường theo kiểu gò ép, khuôn mẫu với những bài văn rất giống nhau. Quan điểm của chị về việc dạy và học văn được thể hiện như thế nào qua các trại hè do chị tổ chức?

+ Như tôi đã kể ở trên, quan điểm của tôi là, dạy Văn hay dạy bất kỳ môn học nào khác, nhưng đặc biệt là Văn, việc đầu tiên là tạo được động lực học đối với trẻ. Trẻ thấy thích, thấy lạ, thấy hay hay, thấy tò mò, muốn tham gia, muốn thử sức… - đó là động lực ban đầu.

Sau đó mới đến cung cấp các kỹ năng để trẻ biết khai thác sách vở, biết quan sát cuộc sống, biết lắng nghe bản thân mình, các công cụ để trẻ thực hiện các thao tác tư duy khi tiếp cận văn bản, từ đó trẻ tự tạo động lực cho mình, tiếp tục đến với các tác phẩm văn học với sự yêu thích và nhu cầu tự thân của mình. Muốn vậy, ban đầu, chúng ta hãy hướng dẫn trẻ cách lắng nghe cảm xúc từ bên trong mà một đoạn văn, bài thơ gợi ra cho trẻ, học cách diễn đạt cảm xúc ấy và tin vào cảm nhận của mình.

Ở CLB Đọc sách cùng con, đôi khi có khoảng 10-15 phút, tôi chỉ trích đọc một đoạn văn, đọc một cách xúc động, tha thiết, nhìn vào mắt bọn trẻ. Tôi thích thú nhận thấy ánh mắt của một vài đứa trẻ long lanh, xúc động, hoặc ánh lên thú vị vì một phát hiện. Tôi cũng rất hạnh phúc khi mỗi lần đọc xong một bài thơ, nhiều bạn nhỏ đã vỗ tay… mà, đặc biệt là… thơ tình. Tôi đọc Pushkin, Lermontov, Szymborska, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Hoàng Nhuận Cầm… cho các bạn từ lớp 5 trở lên. Và những buổi học như thế, chúng nhớ rất lâu.

- Theo chị, việc để trẻ em có một mùa hè tiếp cận sâu với các bộ môn nghệ thuật như văn học, hội họa, âm nhạc... và duy trì sự quan tâm này trong suốt tuổi thơ sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với việc hình thành nhân cách của 1 đứa trẻ?

+ Những giá trị của văn học nghệ thuật luôn là nền tảng nhân văn tuyệt vời cho trẻ em trong suốt quá trình hình thành nhân cách. Bản thân các môn nghệ thuật ấy cũng đã kết tinh tinh hoa của nhân loại và giúp cho trẻ biết rung động với cái đẹp của cuộc sống.

Đôi khi tôi nghĩ, chẳng cần phải dạy gì nhiều, chỉ cần đọc cùng trẻ, nghe nhạc cùng trẻ, nghe trẻ đàn, vẽ cùng nhau… là ta đã có một môi trường giáo dục tuyệt vời rồi. Kể cả những đứa trẻ không có năng khiếu âm nhạc, hội họa hay viết văn thì trong chúng vẫn tiềm tàng một "người thưởng thức nghệ thuật" lớn. Hãy đánh thức con người thưởng thức ấy để chúng sớm được nhận những thông điệp tốt lành từ các tác phẩm nghệ thuật và chắc chắn, chúng sẽ hạnh phúc cùng quá trình đó…

- Xin cảm ơn những chia sẻ của nhà thơ, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh!

Thầy dạy đàn ghi ta Lê Hiếu: Tiếp cận với nghệ thuật càng sớm càng tốt

Linh Linh (ghi)

Dòng âm nhạc cổ điển với sự mực thước, nghiêm túc, chỉn chu, căn bản của nó luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc mở mang tri thức, phát triển trí não của trẻ và rèn luyện trí nhớ rất tốt. Còn dòng nhạc thị trường hay còn gọi là "nhạc thời trang" thường chỉ là xu thế nhất thời.

Trong cuộc đời dạy âm nhạc của mình, tôi được làm bạn với nhiều đứa trẻ và kinh nghiệm để thành công của tôi đó là đầu tiên phải xuất phát từ tình yêu thương dành cho trẻ em. Yêu các bạn ấy và làm cho các bạn ấy tin tưởng ở mình thì mình truyền đạt các bạn ấy mới nghe và việc học mới đem lại hiệu quả. Bây giờ nhiều khi ở các CLB cũng bị nghiêng về tính thương mại hơn là tính sư phạm. Nhưng với tôi luôn chỉ dạy một thầy một trò thôi, nên tôi luôn thích được làm bạn với trẻ con.

Với trẻ em, đến năm học lớp 8, 9 hoặc chậm nhất là đến cấp 3, nhu cầu thể hiện bản thân của các bạn ấy rất lớn, giống như cơm ăn nước uống hàng ngày. Vì thế, thường có 3 dạng thể hiện thường thấy ở con trẻ, đó là: Thể hiện bằng vật chất như điện thoại xịn, quần áo giày dép hàng hiệu, thậm chí là tiền rủng rỉnh trong túi để đến trường thể hiện với các bạn; Thể hiện sức mạnh bằng việc đánh lộn, gây gổ, xưng hùng xưng bá; Thể hiện bằng năng lực học tập, tài năng. Vì thế, nên cho trẻ tiếp cận với nghệ thuật sớm để các con có cơ hội được thể hiện mình một cách lành mạnh, đầy cá tính sáng tạo. Việc dạy trẻ biết yêu nghệ thuật sớm bên cạnh học văn hóa khiến một đứa trẻ phát triển toàn diện hơn, cân bằng hơn, vững chắc hơn giống như người ta bước đi bằng hai chân vậy...

Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Chủ nhiệm CLB Artstar (Báo Thiếu niên Tiền phong): Nghệ thuật là khơi mở, dạy trẻ về sự khác biệt

Cẩm Khê (thực hiện)

- Thưa họa sĩ Lê Tiến Vượng, tại sao anh lại quyết định thành lập CLB Artstar? Mục tiêu hướng tới của CLB là gì?

+ Bằng những gì tôi quan sát được, tôi thấy rằng trong nhiều chục năm qua, trẻ em lúc nào cũng phải học quá nhiều các môn Toán - Văn - Ngoại ngữ. Bố mẹ gửi con cái đến trường luôn đau đáu làm sao để con mình được học thật nhiều, được điểm cao rồi thi đỗ vào một trường đại học nào đấy có "tương lai".

Từ sáng đến tối lúc nào cũng thấy học, học bán trú ở trường rồi lại tất tả đi học thêm, tối về lại làm bài không có thời gian mà chơi bời, giải trí. Vì thế, tôi và một số đồng nghiệp đã quyết định thành lập CLB Artstar của Báo Thiếu niên Tiền phong được hơn 1 năm.

Ở đây, chúng tôi muốn gây dựng thành một địa chỉ tin cậy để bổ sung các kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, giúp các bạn học sinh tham gia sinh hoạt ngoài giờ các môn nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh, văn học... để làm quen với một ngôn ngữ đặc biệt, đó là ngôn ngữ của trái tim, của tâm hồn. Tôi mong muốn các em nhỏ khi đến đây sau những giờ học văn hóa căng thẳng ở trường sẽ có những khoảng thời gian "là chính mình" trong không gian của màu sắc, thơ ca, âm nhạc, vũ điệu. Qua đó, các tế bào não được kích thích, phát triển và sẽ giúp khai mở nhiều khả năng đặc biệt của mỗi người.

- Năm nay, CLB Artstar đang gây chú ý với các lớp "Một tuần nghệ sĩ". Anh có thể chia sẻ đôi nét về lớp học này?

+ Các lớp "Một tuần nghệ sĩ" sẽ giống như một trại hè, là nơi các bạn sẽ thoát ly khỏi gia đình. Mỗi ngày các thầy sẽ cho các em tiếp cận với một môn nghệ thuật vào buổi sáng với mục tiêu là "xóa mù nghệ thuật" như văn học, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, múa...

Chúng tôi mời những giảng viên là những người nổi tiếng, có những thành công đặc biệt đến nói chuyện với các em, để các em có kiến thức cơ bản về mỗi bộ môn và giúp các em tìm ra mình thích bộ môn nào. Còn buổi chiểu các em sẽ chơi thể thao với đủ các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội và có thi đấu. Buổi tối sẽ có các cuộc nói chuyện về kỹ năng sống như phòng chống xâm hại, bắt cóc, phòng chống cháy nổ, tôn giáo, tình yêu thương trong gia đình, cộng đồng...

- Trên thế giới, việc giáo dục thẩm mĩ, dạy trẻ em tiếp cận với các bộ môn nghệ thuật rất được coi trọng, nhưng ở Việt Nam dường như việc này bị xem nhẹ, thậm chí bị coi thường. Theo anh gốc rễ của vấn đề này là do đâu và chúng ta nên thay đổi như thế nào?

+ Như tôi đã từng nói, trẻ em một thời bị đè nặng bởi những khát khao, ước vọng và niềm tin vào con cái quá lớn, thậm chí đến mức áp đặt. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, việc học ở "trường học" không quan trọng bằng việc học ở "trường đời". Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng cứ học nhiều là cứu cánh, là có thể dùng chữ nghĩa bay lên, nhưng tôi nghiệm ra rằng, hầu hết các vĩ nhân, các chính trị gia, các doanh nhân thành đạt họ thường học ở trường đời nhiều hơn.

Ở họ, thường có phẩm chất nghệ sĩ lãng mạn, sáng tạo, đam mê và dám làm cái người bình thường không dám làm. Nói như thế để thấy rằng, học nghệ thuật không phải để thành nghệ sĩ, mà là học để có kỹ năng, có phẩm chất nghệ sĩ, có tầm nhìn xa trông rộng - một trong các yếu tố để trở thành người thành công. Ở Việt Nam, khái niệm này vẫn bị hiểu sai lệch, vì thế các bậc phụ huynh mới chỉ chú trọng các môn Toán - Văn - Ngoại ngữ, còn các môn nghệ thuật bị coi là môn phụ, vô bổ, xướng ca vô loài...

Theo tôi, sự thay đổi phải bắt đầu từ chính các phụ huynh, không nên chạy theo đám đông, chạy theo bệnh thành tích muốn con mình là học sinh giỏi xuất sắc mà không biết lắng nghe, thấu hiểu và đánh thức tiềm năng thực sự của con mình. Và cuối cùng là cho con một tuổi thơ đúng nghĩa, một tuổi thơ không bị "đánh cắp", "đánh tráo" bởi áp lực học hành mà được sống đúng với lứa tuổi, với khả năng và mơ ước của mình.

- Xin cảm ơn họa sĩ Lê Tiến Vượng!
PV
.
.