Dấu ấn Đỗ Chu trong "Thăm thẳm bóng người"

Thứ Ba, 11/03/2008, 10:30

Có thể nói, cái thể tài tùy bút rất thuận cho việc chuyển tải vốn sống và vốn tri thức tích tụ mấy mươi năm của một con người ưa hoạt náo như Đỗ Chu. Rất tự nhiên, nó có thể "chuyện nọ xọ chuyện kia", giúp nhà văn "tạt ngang tạt ngửa" mỗi nơi một tí. Tùy bút "Thăm thẳm bóng người" của Đỗ Chu cũng có cách cấu trúc tương tự.

"Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời"- Nhà thơ Nga Eptusenkô đã viết như vậy. Quả thực, trong tâm hồn mỗi con người, nhất là những người có cuộc sống trải nghiệm phong phú, thì dường như đều ẩn chứa những "mỏ quặng". Vấn đề là người đó có phát hiện ra và có "công nghệ" khai thác không mà thôi.

Thế giới chẳng từng đã có những nhà văn, tài thì rất tài, song vì khởi đầu không nắm bắt được trúng sở trường của mình, thành thử đường văn nghiệp phải loay hoay mất một số năm (như trường hợp nhà văn Nga Alếcxây Tônxtôi. Khởi đầu, ông làm thơ, và phải tới khi chuyển sang viết văn xuôi, ông mới khẳng định được năng lực của mình).

Về đường sáng tác, Đỗ Chu là một nhà văn sớm thành danh. Khi mới 18, 19 tuổi, ông đã có những trang truyện gây dấu ấn sâu đậm trong ký ức độc giả, được bậc đàn anh Nguyễn Khải đến những ngày tháng cuối đời vẫn nắc nỏm ngợi khen. Những truyện đó đến nay đọc lại, người khó tính cũng phải thừa nhận là văn phong trang hoàng, có những đoạn đẹp đến chuẩn mực.

Có thể xếp Đỗ Chu vào hệ những nhà văn rất chú trọng tới vẻ đẹp của câu chữ, như các bậc tiền bối Thạch Lam, Hồ Dzếnh. Đặc điểm của tốp nhà văn này là bút lực không mấy khi dồi dào. Họ viết chậm và kỹ, câu văn nghiêng về cái đẹp mảnh mai, "kiêng khem" nhiều. Sự thật thì trong gần nửa thế kỷ qua, số đầu sách được xuất bản của Đỗ Chu cũng không nhiều.

Nhưng Đỗ Chu là một con người "bận rộn", bận rộn trong sự nhàn tản. Vốn dĩ ông là người chịu đọc, chịu ngẫm ngợi, ham la cà và cũng rất hay chuyện. Bởi vậy, cái vốn sống, vốn hiểu biết mà ông thu nạp được trong sự xô bồ của cuộc sống ấy, nếu không chuyển được vào truyện ngắn, ông biết chuyển vào đâu?

Như một hối thúc tự nhiên, Đỗ Chu tìm đến thể tài tùy bút, tản văn. Sau sự thành công của tập tùy bút "Tản mạn trước đèn" (Giải thưởng Hội Nhà văn, 2004), vào tháng 1/2008 này, với tinh thần "thừa thắng xông lên", ông đã lại cho ra mắt bạn đọc tập tùy bút "Thăm thẳm bóng người" có độ dày trên 300 trang, và số lượng in lên tới 2.500 cuốn - một con số mà nhiều tác giả văn học phải thèm khát.

Có thể nói, cái thể tài tùy bút rất thuận cho việc chuyển tải vốn sống và vốn tri thức tích tụ mấy mươi năm của một con người ưa hoạt náo như Đỗ Chu. Rất tự nhiên, nó có thể "chuyện nọ xọ chuyện kia", giúp nhà văn "tạt ngang tạt ngửa" mỗi nơi một tí.

Trước đây, nhà văn Nguyễn Công Hoan từng cho xuất bản tập sách "Nhớ gì ghi nấy" (mà ông gọi là tạp văn) với độ dày tới hơn 500 trang in và chia thành hàng trăm đoạn nhỏ, mỗi đoạn là một mẩu hồi ức. Với cách thức ấy, ông đã cung cấp cho bạn đọc rất nhiều tri thức đời sống.

Cuốn sách của Đỗ Chu cũng có cách cấu trúc tương tự, mặc dù quãng cách của từng đoạn có thưa hơn và ngoài việc cài cắm được nhiều thông tin văn hóa, xã hội…, ông còn chú trọng đến những khoảng lặng của cảm xúc và đặc biệt rất chăm chút đến vẻ đẹp và sức bật của câu văn.

Hơn nữa, có thể nói, "tạng cảm xúc" của Đỗ Chu cũng rất hợp với thể tài tùy bút, tản văn. Nó vừa trữ tình lại vừa hóm hỉnh. Giọng kể của tác giả sắc mà vẫn ngọt, có chỗ lem lém, cả cười nhưng cũng lắm chỗ trạnh buồn, chua chát. Nó như con người tác giả, rất hoạt khẩu, kết hợp được nhuần nhị cả chất văn lẫn chất báo. Âu cũng là lẽ hiển nhiên.

Bởi không vậy, làm sao tác giả có thể cuốn người đọc vào những "bài" tùy bút dài tới cả trăm trang (như tùy bút "Hoa bờ giậu" dài 127 trang, tùy bút "Thăm thẳm bóng người" dài 123 trang) thế kia, mà không tạo cho họ một sự đơn điệu, nhàm chán.

Sẽ là không đắc sách nếu như trong một bài báo ngắn chỉ chừng hơn nghìn chữ này tôi lại trích dẫn một số đoạn văn nhằm giới thiệu với bạn đọc dung mạo của một tập sách dài tới cả trăm ngàn chữ. Chỉ xin nói rằng, dường như đoạn văn nào của Đỗ Chu cũng đầy ắp chi tiết, phập phồng hơi thở đời sống.

Chốc chốc, tác giả lại chêm vào đó những cái nhìn sắc sảo, những câu đúc kết dẫu chưa phải hoàn toàn là chân lý thì cũng rất khoáng hoạt, độc đáo, mang đậm dấu ấn "madein Đỗ Chu". Đặc biệt là, dẫu chủ đề có lan man, song tiết tấu câu văn vẫn luôn rộn ràng, cuốn hút người đọc.

Như ở phần đầu bài đã nói, Đỗ Chu là người có cuộc sống giàu trải nghiệm và trong văn giới, ông cũng thuộc típ người chịu giao du. Ông cũng là người ham học (dù là học theo cách riêng của ông), cho nên trong tập sách, bạn đọc có thể tiếp xúc với nguồn tri thức cổ, kim, đông, tây kết hợp.

Và những nhân vật mà ông đề cập, nhấn nhá, nhắc nhớ và bình luận thì thật phong phú, đa dạng, từ vị Chủ tịch nước cho tới bác xích lô, từ các vị tướng khéo cầm quân đến những nhà văn giỏi cầm bút, và các vấn đề mà ông đưa ra bàn luận thì thật là vô thiên lủng: từ chính trị tới kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... đủ cả. Và tuy độ đậm nhạt của các mảng có khác nhau, song nghe Đỗ Chu trình bày, không ai có thể nghi ngờ về sự tâm huyết của nhà văn đối với những điều ông đề cập tới.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhịp sống bị dồn đẩy rất gấp gáp. Con người thích tìm đọc những loại sách có tính chuyên đề phục vụ cho sở thích riêng cũng như chuyên môn hẹp của mình. Trong bối cảnh ấy, những loại sách có chủ đề hơi hướng"bát ngát" và cách nhìn nhận, đánh giá phần nào mang dấu ấn chủ quan của tác giả như cuốn sách của nhà văn Đỗ Chu thoạt xem có vẻ như món quà hơi xa xỉ với một số người.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì đó thực sự lại là một loại sách hữu ích. Nó cung cấp cho người đọc - một cách khá tự nhiên - những tri thức đa dạng về muôn mặt cuộc sống. Và vì không gò bó trong chủ đề, trong thể loại nên nó cũng đem đến cho độc giả một cảm giác thoải mái trong tâm lý tiếp nhận với những pha "chuyển cảnh" khá ngoạn mục. Sự thực, đọc cuốn sách cũng là một cách "chơi mà học, học mà chơi...".

Nhà văn Đỗ Chu: "Dù được nhớ tới ở thể loại nào cũng là quý"

- Ở tên của tập tùy bút trước, ông nhấn mạnh hai chữ "trước đèn" (Tản mạn trước đèn), còn ở tập này, ông xoáy vào hai chữ "bóng người" (Thăm thẳm bóng người). Phải chăng, ông có ẩn ý về một sự kế tiếp: cuốn sách này kế tiếp dòng mạch của cuốn trước?

+ Cả hai tập sách giống nhau là tên sách đều giới thiệu cho người ta một cái gì cùng nhịp điệu và nội dung nặng về kỷ niệm, gợi những điều mình đã sống và nghe thấy. Thoạt đầu, cuốn tùy bút mới này tôi định đặt là "Miên man tùy bút".

Sau Hữu Việt làm báo Tiền phong bảo: "Chú phải thêm cho cháu vài cái tên. Bài in vài số không thể miên man". Tôi mới bảo: "Để tao nghĩ một tí". Cái tên "Thăm thẳm bóng người" ra đời. Trong "miên man" có thăm thẳm. Trong "thăm thẳm" có miên man. Miên man mà sâu sắc thành thăm thẳm. Không thì gọi là mơn man, tức là sờ soạng (cười).

- Ông nghĩ thế nào khi có người cho rằng, không chừng những cuốn tùy bút này mới là những cuốn "để đời" của Đỗ Chu. Họ viện dẫn trường hợp Pauxtốpxki. Truyện ngắn của ông nhà văn Nga này đành rằng hay, nhưng những cuốn tạp văn ông ấy viết về mảng đời sống, sáng tác của các văn nghệ sĩ như "Bông hồng vàng", "Một mình với mùa thu" lại được nhiều bạn đọc Việt Nam quan tâm hơn. Ông có ý kiến gì về việc này?

+ Họ muốn nhận xét về tôi thế nào thì tùy họ. Cũng tốt thôi. Với một nhà văn, dù là được nhớ tới ở thể loại nào cũng là quý. Tôi bây giờ không quan tâm tới hình thức khi viết. Ngay truyện ngắn tôi viết cũng đã thoát ra ngoài khuôn khổ. Vấn đề là viết thế nào. Nhà văn phải quan tâm tới việc ấy. Mácxen Prút viết tiểu thuyết mà cũng cứ miên man nghĩ, có sao đâu.

- Đọc "Thăm thẳm bóng người", tôi thấy ông rất yêu thơ, thuộc nhiều thơ, hiểu các nhà thơ và cách diễn đạt của ông lắm chỗ cũng… thơ. Xin hỏi nhà văn Đỗ Chu, trong đời đã có bao giờ ông từng làm thơ?

+ Ban đầu tôi cũng có làm thơ. Tôi phục các nhà thơ lắm, thích thơ lắm, nhưng rồi thấy làm thơ rất khó, mình không thể nhảy ùm xuống cái ao ấy được, đành chỉ lặng lẽ đứng ngắm nhìn mà thôi. Tuy vậy, cũng phải nói là có người nhảy xuống đó lại làm bẩn dòng nước.

- Đọc văn ông, ở đoạn nào dường như cũng có những chữ khiến người đọc phải tủm tỉm cười. Nhưng xem âm hưởng chung thì lại thấy tác giả có vẻ rất nghiêm túc. Có vẻ như ông không chủ ý mua vui mà do cách cảm thụ vấn đề giữa ông và người đọc có sự "kênh" nhau?

+ Nhà bác học Anhxtanh đã nói một câu: "Mọi việc nghiêm chỉnh ở đời đều giấu dưới nụ cười". Người nào không biết cười không nói sâu sắc được đâu. Nhưng cười không cẩn thận rất dễ nhạt. Có sự dí dỏm nhưng phải chừng mực, có văn hóa. Nếu không biết đùa, người ta vả vào miệng ấy chứ. Phải biết cười một cách ung dung, thư thái.

- Đọc sách của ông, ta rất hay gặp những câu khẳng định, nghe chắc như đinh đóng cột. Trong khi có những sự kiện, sự việc trong thực tế chỉ là việc ông nghe lại từ đâu đó. Có lúc nào ông nhầm lẫn giữa thể loại tư liệu và sáng tác không, nhất là khi viết chân dung nhà văn?

+ Cuộc đời có những cái ta chỉ có thể đặt giả thiết "có thể", hoặc "rất có thể như thế", chứ không khẳng định được. Nhưng điều đó với ông Chu không quan trọng. Vấn đề là cách diễn đạt. Nếu bài viết có tầm trí tuệ, thì việc có hay không có cũng không quan trọng. Bởi khi ấy người ta đã đọc và đã tin. Tôi muốn vượt lên trên. Cái thật - không thật mới chỉ là tầng thứ nhất. Tính triết học là ở chỗ ấy.

- Đọc cuốn sách, thấy ông như bị hối thúc trước việc ra đi của các đồng nghiệp, các bậc đàn anh trong nghề như cụ Kim Lân, ông Chính Hữu, ông Phạm Tiến Duật. Và viết về họ cũng là một cách ông viết cho mình?

+ Thì có những điều nhân dịp họ mất mới nói. Gọi là tặng bạn. Với ông Chu, không có gì đã chết cả. Nó đi cùng với ông ấy. Đó cũng chính là ông Chu.

- Xin cảm ơn ông.

Hà Khải Hưng (thực hiện)
.
.