Đạo diễn –NSND Trần Phương: Nên hạn chế những bản nhạc “liên hệ giả vờ” với phim

Thứ Ba, 02/12/2008, 14:45
Tôi cho rằng, nếu đánh giá một cách công bằng thì vai trò âm nhạc chiếm tới 50-60% sự thành công của một bộ phim, đặc biệt là phim truyện nhựa. Với đặc thù công việc sản xuất ra một bộ phim, người đạo diễn luôn giữ vai trò chủ đạo, giống như tâm của hình tròn.

Xung quanh anh ta là chằng chịt những mối quan hệ với diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, người làm ánh sáng, phục trang... Đạo diễn có tài là người biết quy tụ những thành phần ấy vào quỹ đạo công việc của mình, cùng góp sức thể hiện tốt nhất thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải tới công chúng.

Nói về âm nhạc trong phim, tôi xin kể lại kỷ niệm ngày tôi là đạo diễn phim "Tội lỗi cuối cùng". Tôi đã mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc và làm nhạc cho phim này. Ngày ấy, Trịnh Công Sơn đã rất nổi tiếng và các ca khúc của ông được đông đảo khán giả yêu mến.

Vốn quen biết nhau trước nên Trịnh Công Sơn nhận lời ngay và không quên dặn tôi gửi cho tập kịch bản. Dù rất bận rộn nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng diễn viên Phương Thanh (vai Hiền "cá sấu") và đoàn làm phim đi thực tế hàng tháng trời tại Trại giam Long Thành, cách thành phố Hồ Chí Minh vài chục kilomét.

Tôi vẫn còn nhớ, Trịnh Công Sơn đã dành rất nhiều thời gian để trò chuyện cùng các tù nhân, đặc biệt các nữ tử tù. Trong những lần trò chuyện đó, không ít các nữ tù nhân thường than thở (mà sau này Sơn kể lại cho tôi): "Nhớ cuộc đời quá anh Sơn ạ".

Có lẽ đó là cái tứ để sau lần thâm nhập thực tế ấy, Trịnh Công Sơn viết ca khúc "Đời gọi em biết bao lần" với những ca từ da diết như: "Đi về đâu hỡi em khi trong lòng không chút nắng...". Tôi nhớ, Trịnh Công Sơn đã viết trong khoảng thời gian rất nhanh và ngay từ lần đầu tiên, tôi đã rất ưng ý.

Khi bộ phim được trình chiếu, tạo được cơn sốt trong khán giả thì đồng thời trên các sân khấu ca nhạc bấy giờ, ca khúc "Đời gọi em biết bao lần" cũng thường xuyên được khán giả yêu cầu. Và cho đến ngày hôm nay, ca khúc ấy đã vượt ra khỏi bộ phim, có được chỗ đứng riêng trong lòng khán giả.

Sau này, trong giai đoạn phim "mì ăn liền", chúng tôi được đặt hàng làm phim, tôi lại mời Trịnh Công Sơn hợp tác. Dù phim được sản xuất rất nhanh nhưng Trịnh Công Sơn vẫn rất chỉn chu, cẩn thận cho từng nốt nhạc. Thậm chí, tên ca khúc của phim còn được đặt luôn thành tên phim vì nó lãng mạn và phù hợp như: "Tình ngỡ đã phôi pha"...

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất để có một sản phẩm âm nhạc trong phim hay, ấn tượng, nhạc sĩ phải hiểu sâu sắc và đồng cảm được với nội dung mà phim muốn truyền tải. Nguyên nhân của tình trạng hiện nay có rất nhiều bộ phim mà phần âm nhạc lại nhạt nhòa là do đạo diễn làm qua loa, không mời được nhạc sĩ tâm huyết. Nhưng quan trọng hơn, các nhạc sĩ chạy theo số lượng, viết ào ào. Có nhạc sĩ viết nhạc cho phim mà chưa một lần sờ tay vào kịch bản, chỉ nghe đạo diễn kể sơ lược rồi viết. Các nhạc sĩ ấy thường tư duy: Phim nào mà chả có tình yêu nên viết nhạc phim cũng thế, có tí tình yêu, anh anh, em em thế là xong.

Tôi gọi những ca khúc, bản nhạc ấy có mối "liên hệ giả vờ" với bộ phim. Tức là có cũng được nhưng bảo sâu sắc và thể hiện được thông điệp của phim thì không. Tôi cũng đã từng gặp phải một vài nhạc sĩ như thế, một lần hợp tác rồi thôi ngay, không bao giờ có chuyện gặp lại lần nữa.

Tôi cho rằng, tùy theo từng chất liệu bộ phim để người đạo diễn, nhạc sĩ bàn bạc để có được phần âm nhạc phù hợp. Nếu đã làm thì làm thật hay. Còn nếu không, có thể không cần. Nhiều phim của các nước Anh, Mỹ không hề sử dụng chút âm nhạc nào mà vẫn rất nghệ thuật. Tôi đã từng thể nghiệm điều này khi làm phim "Hy vọng cuối cùng".

Tất cả chỉ là những âm thanh sống động của cuộc sống. Tôi quan niệm, bản thân cuộc sống với những thanh âm thường nhật của nó đã là bản nhạc hay rồi. Nếu biết sử dụng thì những âm thanh ấy đã có sức truyền tải mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, gần đây đã có một số nhạc sĩ bỏ nhiều công sức để có được những sản phẩm âm nhạc cho phim ấn tượng như Đặng Hữu Phúc, Trọng Đài, Đức Trí...

Khánh Thảo (ghi)
.
.