Đạo diễn sân khấu trẻ:

Đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai: Muốn được tin tưởng, phải có tài

Thứ Hai, 09/03/2009, 15:45
Các đạo diễn trẻ theo tôi không nên kêu ca rằng họ không có đất để thể hiện mình. Bởi muốn được thể hiện mình, họ phải chứng minh họ là ai trước đã. Chỉ có tài năng mới thuyết phục được niềm tin ở người khác mà thôi.

-Theo chị, các đạo diễn sân khấu trẻ đã được nhìn nhận đúng với tài năng của mình và được tin tưởng trao các vở diễn để thử sức chưa?

+ Nói về chính mình thì tôi tự thấy tôi đang nhận được sự ưu ái của công chúng và nhất là các vị lãnh đạo, quản lý, đơn vị nơi tôi công tác. Sau khi giành giải Vàng Liên hoan tài năng sân khấu trẻ, các vị quản lý đã rất tin tưởng giao kịch bản cho tôi. Hiện tại tôi đang dựng vở mới của tác giả Hoàng Công Khanh để chuẩn bị đi hội diễn chuyên nghiệp.

Chưa hoàn thiện vở này tôi lại đã tiếp tục được gọi để giao vở mới. Có nghĩa là năm nay tôi làm không hết việc. Từ việc này tôi rút ra một điều rằng, nếu những đạo diễn trẻ như mình gây dựng được lòng tin với nhà quản lý thì chắc chắn mình sẽ có cơ hội thử sức.

- Nhưng trường hợp may mắn như chị không nhiều. Đa số các đơn vị nghệ thuật, khi nhận được một kịch bản, họ thường nghĩ ngay đến các đạo diễn già, có tên tuổi mà ít khi dũng cảm trao số phận vở diễn cho một người làm nghề trẻ, nhiệt huyết...

+ Tôi cho rằng về điều này chúng ta phải thông cảm. Ai cũng biết là một đơn vị nghệ thuật sân khấu mỗi năm chỉ dựng một vài vở diễn thôi. Vì rất ít nên họ phải chọn giải pháp an toàn là trao đứa con ấy cho một bà đỡ có kinh nghiệm lâu năm.

Một vở diễn và công sức của cả một tập thể đông đúc có khi hàng trăm người, và với số tiền lớn bỏ ra, nếu thất bại, nếu không ăn khách thì làm sao các nghệ sĩ có thể tồn tại với nghề?

Đạo diễn trẻ phải chấp nhận sự lựa chọn khắc nghiệt ấy. Anh phải kiên nhẫn lao động để chứng tỏ mình, để một ngày nhận được sự tin tưởng của mọi người.

Tất nhiên tôi cũng mong rằng các nhà quản lý hãy có con mắt xanh trong nhìn nhận, đánh giá các đạo diễn trẻ, và dũng cảm đặt niềm tin vào họ, cho họ cơ hội thể hiện tài năng và kiến thức của mình...

- Nhìn nhận một cách công bằng, chị thấy đâu là nhược điểm lớn nhất của các đạo diễn sân khấu trẻ?

+ Đạo diễn sân khấu, theo trải nghiệm của cá nhân tôi, là nghề vô cùng khó khăn. Đó là công việc đòi hỏi con người ta phải có sự hiểu biết sâu rộng, khái quát, toàn diện, phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Và đặc biệt phải có tình yêu nghề sâu đậm, phải dám sống chết và trả giá đắt thì mới mong có ngày thành công.

Điều này giải thích có rất nhiều người buổi đầu đến với nghề, được học tập, đào tạo đàng hoàng, nhưng còn tồn tại lâu dài trong đời sống sân khấu thì rất ít.

Vì nó quá khó khăn, nó đào thải khốc liệt. Nhất là trong tình hình sân khấu thưa vắng khán giả hiện nay thì đòi hỏi người đạo diễn trẻ phải dám dấn thân, hy sinh nhiều hơn nữa. Thiếu phẩm chất dấn thân, nhiều người sẽ chùn gối trước khó khăn, nản lòng khi phải kiên nhẫn chờ đợi.

Các đạo diễn trẻ theo tôi không nên kêu ca rằng họ không có đất để thể hiện mình. Bởi muốn được thể hiện mình, họ phải chứng minh họ là ai trước đã. Chỉ có tài năng mới thuyết phục được niềm tin ở người khác mà thôi.

Tôi cũng khát khao rằng khán giả mỗi ngày hãy trở lại nhiều hơn với sân khấu. Vì họ chính là sức mạnh tiếp thêm niềm tin cho các đạo diễn trẻ chúng tôi thêm yêu và sinh tử với nghề.

- Nhìn sang lĩnh vực điện ảnh, có thể thấy các đạo diễn trẻ thuận lợi hơn nhiều. Tác phẩm của họ có nhiều khán giả, lại có cơ hội được mang tác phẩm đi giới thiệu, giao lưu với bạn bè quốc tế. Trong khi đó, các tác phẩm sân khấu thì chỉ loanh quanh trong nước, ít khi được đi cọ xát với khán giả quốc tế. Vậy, các đạo diễn sân khấu trẻ sẽ hội nhập với thế giới ra sao, thưa chị?

+ Trong trường hợp này, ta phải phân biệt rõ ràng hai công việc rất khác nhau của đạo diễn sân khấu và đạo diễn điện ảnh. Với đặc thù của mình, tác phẩm điện ảnh rất dễ để có được nhiều công chúng, và cơ hội đi giao lưu quốc tế cũng nhiều hơn, dễ dàng hơn.

Đạo diễn sân khấu chúng tôi muốn hội nhập, không gì khác là phải học nhiều, đọc nhiều, nghiên cứu nhiều. Và sự học quan trọng nhất là học ngay từ khán giả của mình, xem họ cần gì, muốn gì, để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của họ. Đến gần với khán giả hôm nay cũng chính là đang sống với thời đại của mình, và đang hội nhập với thế giới vậy

- Xin cảm ơn đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai!

Thành Duy (thực hiện)
.
.