Sân khấu kịch Hà Nội 2014:

Đang được "hâm nóng"?

Thứ Năm, 20/11/2014, 08:00
Trong năm 2014 này, không khí ảm đạm của sân khấu kịch Thủ đô dường như đã và đang được "hâm nóng" với khá nhiều hoạt động. Bên cạnh những vở kịch mới được dàn dựng, các nhà hát cũng chú trọng việc khôi phục những vở diễn nổi tiếng từng có sức sống mạnh mẽ trong lòng khán giả một thời. Tuy lượng khán giả đến với các đêm diễn còn khá khiêm tốn, song có thể nói đó là những tín hiệu đáng mừng, đem lại niềm vui và sự hy vọng cho không ít nghệ sĩ vẫn đang âm thầm theo đuổi sự nghiệp sân khấu.

"Tín hiệu" vui mới nhất vừa được phát đi từ Nhà hát Tuổi trẻ - một đơn vị nghệ thuật công lập luôn được đánh giá là năng động và trẻ trung đúng như tên gọi của nó. Có thể nói, năm 2014 này là một năm thực sự sôi động với Nhà hát Tuổi trẻ với nhiều dự án nghệ thuật nối tiếp. Cuối tháng 10 vừa qua, nhà hát đã có buổi gặp gỡ báo chí công bố các vở kịch đã và sẽ khởi dựng trong tháng 10 và 11 này: "Thủ phạm là ai" (Kịch bản: Lưu Quang Vũ - Đạo diễn: NSƯT Chí Trung); "Tấm gương" (Kịch bản: Chu Thơm; Đạo diễn: NSƯT Anh Tú) và "Công lý không thể gục ngã" (Kịch bản: Lê Chí Trung; Đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang). Cũng nhân dịp này, nhà hát cũng công bố thông tin về hai chương trình sẽ được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, đó là: Chương trình nghệ thuật sử thi "Nghĩa tình Tây Bắc" sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV ngày 5/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự quy tụ của 100 diễn viên và nhiều ca sĩ được khán giả mến mộ trong chương trình biểu diễn như: Tân Nhàn, Việt Hoàn, Vi Hoa… và Chương trình nghệ thuật đặc biệt tưởng niệm những nạn nhân tai nạn giao thông mang tên "Lời sám hối" do NSƯT Chí Trung làm tổng đạo diễn, quy tụ 120 nghệ sĩ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV ngày 16/11 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội.

Một trong những hoạt động được chú ý của Nhà hát Tuổi trẻ, đó là từ 21 đến 29/10, nhà hát cũng đã cử NSND Lan Hương và 5 nghệ sĩ đoàn kịch thể nghiệm mang vở thể nghiệm "Nhật nguyệt thực" và 2 tiểu phẩm kịch hình thể sang Hàn Quốc tham dự "Liên hoan sân khấu nhỏ Daejone". Đây là Festival nghệ thuật thường niên do nhà hát Giấc Mơ Nhỏ của Hàn Quốc phối hợp thực hiện và đây là lần thứ 2, đoàn của Nhà hát Tuổi trẻ tham dự Festival này. Ngoài ra, nhà hát còn công bố dự án "Nhà hát truyền hình" do NSƯT Chí Trung điều hành. Đây là sân chơi mới cho sân khấu hài kịch có tên "Xóm hóng" hiện diện các nhân vật ông Hóng, bà Hớt, người buôn chuyện… Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ Chí Trung, Minh Hằng, Vân Dung, Đức Khuê, Thu Hương và nhiều cây bút viết tiểu phẩm hài quen thuộc như "giáo sư" Cù Trọng Xoay, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn, "bác sĩ hoa súng" Hoàng Nhuận Cầm…

Năm 2014 cũng ghi dấu sự kiện lần đầu tiên Liên hoan sân khấu Thủ đô được tổ chức chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Liên hoan quy tụ được 9 vở diễn của các nhà hát trên địa bàn Thủ đô ở các thể loại: kịch nói, chèo, tuồng, cải lương như: "Những đứa con Hà Nội" (Nhà hát Kịch Hà Nội; Kịch bản: Phạm Văn Quý; Đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang), "Cánh chim trắng trong đêm" (Nhà hát Chèo Hà Nội; Kịch bản: Đăng Chương; Đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang), "Bản danh sách điệp viên" (Đoàn Kịch nói Công an nhân dân; Kịch bản: cố tác giả Văn Báu; Đạo diễn: NSND Lê Hùng), "Nhà có ba chị em gái" (Nhà hát Tuổi trẻ; Kịch bản: Thu Phương; Đạo diễn: NSND Xuân Huyền), "Lời nói dối cuối cùng" (Nhà hát Chèo Việt Nam; Kịch bản: cố tác giả Lưu Quang Vũ; Đạo diễn: NSND Chu Văn Thức), "Đường đua trong bóng tối" (Nhà hát Cải lương Hà Nội; Kịch bản: Đăng Chương, NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương; Đạo diễn: NSƯT Thanh Vân), "Hà Nội gió mùa" (Nhà hát Cải lương Việt Nam; Kịch bản: Nguyễn Thị Minh Thái; Đạo diễn: Hoàng Quỳnh Mai)... Tuy 9 đêm diễn của liên hoan, khán giả chủ yếu là... khách mời (vé cũng được phát miễn phí tại các nhà hát có vở tham gia liên hoan), nhưng sự đông đúc, nhộn nhịp của các đêm diễn cũng cho thấy, khán giả Thủ đô chưa hẳn đã quay lưng lại với sân khấu. Bằng chứng là sau đêm diễn tham gia liên hoan, đa số các nhà hát kể trên đã có những buổi công diễn bán vé tại các rạp trên địa bán Thủ đô và đi lưu diễn ở các tỉnh, đã có khá đông khán giả đến xem.

Những vở chèo mang màu sắc dân gian vẫn có sức hấp dẫn khán giả (Cảnh trong vở "Lời nói dối cuối cùng" của Nhà hát Chèo Việt Nam).

Tối 20/10 vừa qua, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân cũng có đêm diễn vở "Bản danh sách điệp viên" và theo quan sát của phóng viên, Nhà hát Âu Cơ đã kín chỗ cùng với nhiều tràng pháo tay hưởng ứng cổ vũ cho các màn diễn. Điều đó chứng tỏ rằng, khi sân khấu Thủ đô được "hâm nóng" bởi các hoạt động có tính hệ thống, xâu chuỗi và được báo chí ủng hộ bằng cách liên tục cập nhật các thông tin liên quan tới vở diễn, diễn viên, lịch diễn... thì đã có hiệu ứng rất tốt từ phía khán giả. Nó cũng chứng minh một điều rằng, nếu các nhà hát trên địa bàn Thủ đô cứ âm thầm dựng vở mà vẫn tiếp tục không chú ý đúng mức tới công tác truyền thông, quảng bá vở diễn thì sẽ phải "chung thân" với cảnh vở diễn dựng xong, diễn báo cáo rồi... đắp chiếu.

Cuối tháng 8 vừa qua, tưởng nhớ 26 năm ngày mất của cố soạn giả Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh, Công ty cổ phần Giới thiệu văn hóa nghệ thuật Đông Đô đã phối hợp với 3 nhà hát trên địa bàn Thủ đô là Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Chèo Hà Nội tổ chức một "liveshow" 5 đêm kịch Lưu Quang Vũ tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô. 5 đêm diễn liên tục từ ngày 28 đến 1-9 đã đem đến cho khán giả Thủ đô cơ hội được thưởng thức các vở kịch nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ như: "Bệnh sĩ", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (Nhà hát Kịch Việt Nam); "Lời thề thứ 9", "Mùa hạ cuối cùng" (Nhà hát Tuổi trẻ); "Nàng Sita" (Nhà hát Chèo Việt Nam). Tuy 5 vở diễn kể trên đều là những vở diễn "tủ" của các nhà hát, được dựng đi dựng lại nhiều lần, công diễn nhiều lần, song một "liveshow kịch" được định hình và tổ chức có tính "thời sự" như vậy cũng thu hút sự quan tâm của khá đông công chúng, với mức giá khá mềm: 1-200 ngàn đồng/đôi. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên, một "liveshow chính kịch" có sự tham gia của một đơn vị tổ chức biểu diễn có tiếng, chuyên nghiệp, khâu PR được làm khá bài bản nên đã tạo được sự chú ý của công chúng. Nhiều người quan tâm đến sân khấu Thủ đô hy vọng rằng, nếu sân khấu Hà Nội có được sự tham gia tích cực của tư nhân trong các khâu quảng bá, truyền thông như ở TP Hồ Chí Minh..., thì sân khấu kịch Hà Nội sẽ có thêm động lực, tự tin và có "lửa" để tiếp cận sâu rộng hơn với khán giả Thủ đô.

Theo thông tin từ Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh, trong tháng 11 và 12 này, nhà hát sẽ đem vở diễn "Lâu đài cát" đi diễn xuyên Việt. Vở "Lâu đài cát" là vở diễn có đề tài về gia đình, được Nhà hát Kịch Việt Nam chú trọng dàn dựng nhân "Năm gia đình Việt Nam 2014", đã được nhà hát công diễn trên 10 buổi ở địa bàn Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên... Tới đây, nhà hát sẽ đem "Lâu đài cát" đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả lãnh địa sân khấu là TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thế Vinh cho biết: "Với 25 đêm diễn, nhà hát được Bộ hỗ trợ 500 triệu đồng, có nghĩa là trung bình mỗi đêm diễn nhà hát được hỗ trợ 20 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ tiền thuê rạp, đi lại, vì thế tại các địa phương, chúng tôi đều phải kết hợp bán vé thì mới đủ kinh phí trang trải các phụ phí cũng như có tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ, diễn viên. Tuy số tiền thù lao không cao, chỉ 200 ngàn/đêm nhưng đối với chuyên ngành sân khấu cũng là sự nỗ lực đáng kể rồi. Đặc biệt anh chị em trong nhà hát đều rất hào hứng, bởi với họ, ngoài chuyện cơm áo gạo tiền mà ai cũng phải lo toan, thì đây còn là "nhiệm vụ chính trị" và việc được làm nghề, được diễn, được giao lưu với khán giả luôn là điều nghệ sĩ nào cũng đều mong muốn!".

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh cũng cho biết thêm, trong năm 2014 này, nhà hát đã lập một kỷ lục mới về số vở diễn được dàn dựng trong năm. Vở "Bệnh sĩ" (Kịch bản: cố soạn giả Lưu Quang Vũ; Đạo diễn NSƯT Tuấn Hải) do nhà hát dàn dựng hồi đầu năm đã nhận được hiệu ứng tốt từ phía khán giả. Nhà hát cũng đã hoàn thiện vở kịch về đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an trong vở "Trong mưa giông thấy nắng" (Kịch bản: Lê Chí Trung; Đạo diễn NSƯT Anh Tú). Đây sẽ là vở diễn mà Nhà hát Kịch Việt Nam dự kiến sẽ tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an năm 2014 của Bộ Công an. Không dừng ở đó, giám đốc nhà hát còn tiết lộ, từ giờ cho đến cuối năm, nhà hát sẽ tiếp tục khởi công vở "Dư chấn" (Kịch bản: Xuân Đức)

Hà Anh
.
.