Dán nhãn phân loại phim không có nghĩa là được thoải mái dựng cảnh nóng, bạo lực

Thứ Bảy, 21/01/2017, 08:00
Quy định dán nhãn phân loại phim điện ảnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 khiến lắm người mừng nhưng không ít kẻ lo. Mừng vì quy định giúp cởi trói sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Lo vì quy định này có nguy cơ bị các nhà làm phim kém tài lạm dụng để rộng đường trưng trổ nhiều cảnh nóng, bạo lực hòng câu khách.


Bảng Tiêu chí phân loại phim vừa được Cục Điện ảnh ban hành để phổ biến theo lứa tuổi được chia làm bốn mức: P (được phép phổ biến rộng rãi), C13 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18).

So với Bảng Tiêu chí phân loại phim cũ (chỉ phân loại ở mức P và C16), Bảng phân loại mới cũng dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh. Song các quy định mới chi tiết hơn.

Cụ thể, ở hạng mục C18, chủ đề của phim phải phù hợp với khán giả ở lứa tuổi trên 18. Nội dung phim phản ánh những vấn đề của người trưởng thành, như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm tình dục nhưng phù hợp với nhận thức, tâm lý, sinh lý của khán giả trên 18 tuổi. Hạng mục này chấp nhận cảnh khỏa thân, tình dục và cảnh bạo lực tình dục.

Phim C18 cũng chấp nhận các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu. Ngoài ra, ngôn ngữ thô tục, ngôn ngữ nhạy cảm như lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện.

Đồng thời, những bộ phim ở hạng mục C18 còn cấm mọi hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy và các chất kích thích gây nghiện, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh ngôn ngữ đó phù hợp nội dung phim hoặc nhằm mục đích phản đối lên án những hành vi nêu trên nhưng không miêu tả chi tiết hoặc kéo dài về thời lượng.

Phim "Quyên" có nhiều cảnh nóng của hai diễn viên chính Vũ Ngọc Anh và Trần Bảo Sơn.

Dựa vào các tiêu chí trên, các phim C16, C13 và P có mức độ mô tả bạo lực, tình dục, kinh dị, chất kích thích và gây nghiện, ngôn ngữ tục tĩu phản cảm giảm dần. Riêng phim ở hạng mục P thì không được có cảnh bạo lực, cảnh khỏa thân, quan hệ tình dục, cảnh về sử dụng hoặc sản xuất chất kích thích, ma túy hoặc cảnh kinh dị gây sợ hãi cho trẻ em. Đại diện Cục Điện ảnh cho hay, Bảng phân loại mới này được xây dựng dựa trên cách phân loại, dán nhãn phim của Singapore - quốc gia có nhiều điểm tương đồng văn hóa với Việt Nam - và một số nước khác như Anh, Mỹ, Australia…

Bảng phân loại mới nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới làm phim cũng như khán giả. Đây vốn là mong mỏi của giới làm phim Việt bấy lâu nay. Bởi việc cắt duyệt một cách gắt gao những cảnh nhạy cảm như bạo lực, cảnh nóng… bị ví như sợi dây trói buộc khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, làm giảm nội dung, ý đồ nghệ thuật của bộ phim.

Bảng phân loại phim cũ không đáp ứng đủ nhu cầu đó. Tình trạng này từng xảy ra với bộ phim "Bi, đừng sợ", "Cánh đồng bất tận", "Bụi đời Chợ Lớn" và nhiều bộ phim Việt khác. Dù ở các sân chơi quốc tế, "Bi, đừng sợ" được giới chuyên môn đánh giá cao, gặt hái nhiều giải thưởng nhưng về Việt Nam, nhiều người lại chê phim quá tệ.

Nguyên nhân cũng bởi những cảnh ân ái bị lưỡi kéo kiểm duyệt cắt không thương tiếc khiến mạch phim bị gãy. "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm ra rạp vì bị hội đồng duyệt phim cho rằng có quá nhiều canh máu me, đâm chém. Ngay cả phim nước ngoài như "50 sắc thái" cũng chịu cảnh cắt duyệt tương tự.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: "Trước đây, do không phân loại khán giả rõ ràng nên nếu cảnh nào bị yêu cầu cắt thì phải cắt mới được chiếu. Còn bây giờ, phim được dán nhãn phân loại độ tuổi khán giả phù hợp thì người sáng tạo sẽ yên tâm, tự do, thoải mái khai thác các bộ phim có cảnh nhạy cảm, truyền đạt sâu nội dung tư tưởng".

Đạo diễn Phạm Huy Thục, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh phân tích: "Đề tài tình dục, bạo lực, ma quỷ là đề tài hấp dẫn với mọi loại hình nghệ thuật. Phim khai thác đề tài tình yêu không thể thiếu cảnh nóng để đẩy câu chuyện lên cao trào. Phim kinh dị phải có những pha nhát ma, hình ảnh, âm thanh rùng rợn. Do đó, để khai thác các đề tài này một cách "đã tay" mà không cần dè dặt, sợ công chúng phản ứng, "ném đá", dán nhãn cấm là cách làm khôn ngoan và văn minh".

Đồng ý với quan điểm trên, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng nhờ vậy khán giả sẽ được thưởng thức tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước một cách trọn vẹn bởi tình cảnh cắt xén sẽ không còn ám ảnh. Ngoài ra, nó còn tránh ảnh hưởng không tốt đối với đối tượng có tuổi không phù hợp với nội dung phim. "Đây là cách làm sòng phẳng, rõ ràng với khán giả. Người ta sẽ biết được phim nào có nội dung phù hợp với mình để chủ động chọn lựa và cân nhắc có nên cho trẻ em xem hay không" - ông nói.

Thế nhưng quy định này cũng khiến các phim bị bó buộc trong một đối tượng khán giả nhất định chứ không ra đại trà như trước đây. Trước phim chỉ phải qua "hàng rào" C16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) thì nay phải đối mặt với ba "hàng rào" là C13, C16 và C18. Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu. Để giải bài toán kinh tế, rõ ràng nhà sản xuất sẽ phải cân nhắc có nên quay những cảnh nhạy cảm hay không.

Cũng bởi bài toán này, luồng ý kiến khác lại lo lắng rằng nhiều phim sẽ khai thác ồ ạt cảnh nóng, bao lực, kinh dị rùng rợn… với độ "ép phê" ngày càng tăng để hút khách. Nhãn 18+ hạn chế khán giả dưới 18 tuổi nhưng sự nới rộng việc kiểm duyệt của nó sẽ trở thành "bùa hộ mệnh" để họ tha hồ làm mưa làm gió. Xét cho cùng, những cảnh này dễ gây tò mò nhất thời cho khán giả, trở thành chiêu PR hiệu quả.

Phim "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu vì khai thác nhiều cảnh bạo lực.

Hiểu được chiêu làm phim này, đạo diễn Huy Thục cảnh báo: "Dán nhãn không có nghĩa là anh tha hồ làm cảnh phản cảm, sex hay kinh dị, bạo lực để đáp ứng nhu cầu nhất thời của khán giả hay để nguyên những cảnh không phù hợp với văn hóa Á Đông.

Đa phần khán giả Việt Nam vẫn chưa có bộ lọc tốt để tránh những thứ phi nghệ thuật, giật gân như khán giả phương Tây. Đồng ý rằng tình dục, bạo lực… là chuyện bình thường trong cuộc sống, là đề tài hay nhưng phải được khai thác theo một hình thức nghệ thuật tinh tế, đẹp chứ không phải quằn quại, trần trụi ".

Đạo diễn của "Bi, đừng sợ" - đạo diễn Phan Đăng Di tin rằng việc câu khách bằng sốc, sex… không mấy phát huy tác dụng khi giờ đây ai muốn xem phim gợi dục, giật gân thì trên mạng đầy rẫy, thậm chí còn táo bạo hơn. Theo anh, thay vì tập trung tăng cường những cảnh này một cách không cần thiết, nhà làm phim hãy tập trung thực hiện một tác phẩm đầy nhân văn và giàu tính nghệ thuật.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng mọi người không nên lo lắng chuyện lạm dụng cảnh nhạy cảm ở rạp phim. Bởi phim điện ảnh dù có gắn mác giới hạn độ tuổi khán giả vẫn được các cơ quan quản lý giám sát.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi vì nếu đọc kỹ lại bảng phân loại sẽ thấy ghi rõ: "Cảnh khỏa thân và cảnh bạo lực tình dục trong phim C18 phải phù hợp với nội dung tác phẩm, không được kéo dài hoặc lặp lại quá đà" hoặc "Phim C18 chấp nhận các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh tác phẩm". 

Tuy nhiên, giới chuyên môn mong muốn những tiêu chí này sớm được cụ thể hóa, chi tiết hơn nữa để người làm phim dễ bề "liệu cơm gắp mắm" chứ không thể khiến họ hoang mang trong cụm từ chung chung, mơ hồ như: "phù hợp", "thuần phong mỹ tục", "phản cảm"… Song, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật, việc cắt nghĩa, quy định khô khan dễ đưa nó vào con đường cụt. Thiết nghĩ, nhà làm phim phải tự hiểu được trách nhiệm và vai trò của mình, hòa cùng niềm đam mê nghệ thuật để phụng hiến tác phẩm để đời.

Phan Thi Uyên
.
.