Đã "nói đi" nên nghe "nói lại"

Thứ Sáu, 08/02/2013, 08:00

Suốt mấy tuần nay, trên nhiều trang mạng, tôi đã đọc được nhiều bài viết và lời bình luận xoay quanh cuốn "Bên thắng cuộc" của nhà báo Huy Đức. Sách gồm 2 tập, được phát hành trên internet từ trung tuần tháng 12/2012.

Cũng đã có không ít bài viết trên báo chí chính thống ở Việt Nam lên tiếng phê phán một số tình tiết trong cuốn sách, đặc biệt là về góc nhìn của tác giả Huy Đức khi anh đưa ra những câu chuyện được xem như "thảm cảnh" của những người thuộc đối tượng ngụy quân, ngụy quyền bị "phía cộng sản" đưa đi tập trung cải tạo sau 30/4/1975. Tất nhiên, phía tung hô cuốn sách có nhiều lý do để họ làm điều này. Và phía những người phản bác lại cũng không chỉ đơn thuần là những người "ăn cơm của chế độ" như ái đó qui chụp. Đã có những người lên tiếng vì trách nhiệm phải bảo vệ một lẽ phải, một thực tế cuộc sống mà họ từng chứng kiến và đối chiếu trên cả bề rộng lẫn bề sâu.

Dân gian ta có câu "Nói dễ làm khó". Một nhà thơ người Dagestan lại nói "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác". Giữa hai câu nói xem chừng chẳng có gì liên quan tới nhau này, cá nhân tôi lại thấy nó có một điểm chung: Nhắc nhở mọi người phải hết sức thận trọng khi nhìn nhận, đánh giá một sự việc nào đó, nhất là những sự việc xảy ra trong quá khứ, tránh đưa ra những cái nhìn thiếu biện chứng, mang tính chủ quan, áp đặt, không đặt sự việc trong bối cảnh và tình hình chung.

Ở đây, tôi xin không nói nhiều về cuốn sách của Huy Đức, bởi với một tác giả đã phải mất tới mấy chục năm sưu tầm tài liệu để thực hiện cuốn sách (như Huy Đức cho biết) thì để nói lại cho kỹ, cho đúng, cho "thỏa" cũng cần phải công phu. Tôi chỉ xin nói một điểm nhỏ: Ấy là cách nhìn nhận vấn đề của Huy Đức. Theo tôi, cách nhìn ấy có những chỗ chưa được thỏa đáng. Tôi còn nhớ, cách đây ít năm, cũng trên tờ VNCA này, tôi đã có đôi dòng trao đổi lại với Huy Đức nhân việc anh bình phẩm một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết trước Cách mạng Tháng Tám. Chẳng là, nhân sự kiện khánh thành nhà lưu niệm Tố Hữu, Huy Đức đã cho post lên blog của mình một bài v iết với một số tình tiết thiếu chân xác về cuộc đời và văn nghiệp của nhà thơ Tố Hữu, trong đó, Huy Đức còn tỏ ra miệt thị khi nhắc tới hai câu thơ: "Má thét lớn: Tụi bay đồ chó/ Cướp nước tao, cắt cổ dân tao" trong bài "Bà má Hậu Giang" của ông.

Tôi nhớ, bấy giờ tôi đã bình luận như thế này: "Sở dĩ, Huy Đức có thái độ trên bởi anh hoàn toàn tách bài thơ ra khỏi bối cảnh lịch sử, cắt hai câu thơ ra khỏi văn mạch chung của toàn bài. Bởi vậy, anh mới thấy cách đưa những chữ "đồ chó" vào trong thơ là… không lọt tai chăng? Là "viết huỵch toẹt" chăng? Cần nhớ, khi viết bài thơ này, Tố Hữu đang bị địch giam trong nhà lao Buôn Mê Thuột. Trong hồi ký "Nhớ lại một thời", nhà thơ cho biết: "Trong nhiều câu chuyện kể về quần chúng có một bà mẹ đã dũng cảm nấu cơm nuôi quân du kích, và bị địch giết, làm tôi rất xúc động" và "Bài ca này về sau, đến hoạt động nơi nào tôi cũng đọc. Bà con, nhất là các mẹ, các chị rất cảm động và càng tin yêu cán bộ chúng tôi trong thời kỳ bí mật". Sở dĩ bài thơ của Tố Hữu có sức chinh phục vậy, bởi ông đã dựng lên một hình tượng thơ rất đẹp, với những tình huống rất xúc động. Những người yêu bài thơ, hiểu quá khứ đau thương của dân tộc chắc không ai cảm thấy chối tai khi nghe bà má thét vào mặt quân xâm lược những lời đanh thép như vậy".

Chúng ta đều biết, trước một sự việc, một vấn đề, con người có thể có nhiều cách nhìn nhận, suy xét khác nhau. Nhất là với một vấn đề lớn, phức tạp như đời sống, sinh hoạt của người dân trong một chế độ, nếu ta không có cảm tình, ta hoàn toàn có thể tìm ra những dẫn chứng, và có cách xâu chuỗi để tạo cho người đọc - nhất là những người đọc ít có điều kiện kiểm chứng vì bối cảnh không gian, thời gian - một cái nhìn như ta muốn. Nhưng chân lý bao giờ cũng là khách quan, nó được suy xét cả ở bề rộng lẫn bề sâu của hiện tượng, sự việc. Không thể lấy chủ quan của mình, nhất là tư duy của ngày hôm nay mà áp đặt hoặc làm thay đổi tính chất vụ việc. Lại nhớ, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, cựu phi công từng bị giam tại Việt Nam trong những năm chiến tranh trước đây đã từng có lúc lên tiếng than phiền Việt Nam đã ngược đãi tù binh Mỹ. Đã có ý kiến nói lại, chứng minh cho vị cựu tù này biết trong thực tế, chế độ ăn uống, sinh hoạt mà chính phủ Việt Nam áp dụng cho các tù binh Mỹ lúc bấy giờ cao hơn rất nhiều so với những gì mà các cán bộ quản giáo của chúng ta được hưởng. Ngay sau đó, ông John McCain đã lên tiếng xin lỗi về những phát ngôn của mình. Không biết thực tâm ông nghĩ gì, nhưng bằng vào những việc làm, chúng ta có thể thấy trong vai trò của mình, John McCain đã có những hành xử được xem là khá thân thiện và tạo được những thuận lợi cho đất nước và con người Việt Nam.

Như ở đầu bài đã nói, đã có những ý kiến không phải không thuyết phục phản bác cách đưa dẫn thông tin và một số quan điểm, cách nhìn nhận của tác giả Huy Đức. Liệu đã lúc nào đọc những bài viết này, Huy Đức suy ngẫm lại cách nhìn có những chỗ thiên kiến của mình?

Viết đến đây, bất giác tôi nhớ tới một bài thơ của nhà thơ Dagestan Rasul Gamzatov. Bài thơ đại thể kể chuyện một người trước khi từ giã cõi đời đã kêu lên: "Đời thật tồi tệ". Cũng hôm ấy, ở bên kia quả đất, một người khác trước khi trút hơi thở cuối cùng lại thốt lên rằng: "Đời thật đáng yêu". Kết bài, Gamzatov yêu cầu: Cuộc đời có thế nào, hãy nói như thế. Tất nhiên, để làm được điều ấy, nghĩa là nói đúng được bản chất của sự việc, của vấn đề không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người ta phải có đầy đủ thông tin và có một cái nhìn thật bao quát, và đặc biệt không để len vào đó những cái nhìn mang nặng ý đồ chủ quan

Trần Thiên Lương
.
.