Ban hành Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú":

Đã có thêm công cụ "gỡ rối"

Thứ Hai, 20/10/2014, 08:00
Ngày 29/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 89/2014/NĐ-CP Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (dưới đây gọi tắt là NĐ89, NSND, NSƯT).

Từ mấy chục năm nay, cứ đến kỳ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là trong giới nghệ sĩ lại ồn lên những ì xèo, cãi vã, kiện tụng...về những việc liên quan đến việc xét tặng danh hiệu khiến không chỉ những người trong cuộc mà "các cấp hội đồng" cũng phải đau đầu. Vì thế, đây thực sự là một thông tin được giới nghệ sĩ trông chờ, hi vọng nó sẽ thực sự tạo ra một "hành lang pháp lý" cần thiết góp phần quan trọng vào việc "gỡ rối" những khúc mắc đã trở thành căn bệnh kinh niên trong giới nghệ sĩ.

NĐ89 gồm 4 chương, 18 điều và các phụ lục kèm theo, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2014. Đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo NĐ89 được quy định rõ ràng, chi tiết là các cá nhân hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở và các cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do bao gồm 7 nhóm:

1. Diễn viên: hát, múa, nhạc, sân khấu, điện ảnh, truyền hình thuộc các lĩnh vực: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch dân ca, Kịch nói, Kịch hình thể, Nhạc kịch, Nhạc Vũ kịch, Xiếc, Múa rối, Hát, Ngâm thơ, Điện ảnh, Truyền hình.

2. Đạo diễn tác phẩm thuộc các lĩnh vực: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch dân ca, Kịch nói, Kịch hình thể, Nhạc kịch, Kịch múa, Nhạc vũ kịch, Xiếc, Múa rối, Chương trình tổng hợp ca nhạc, Điện ảnh và truyền hình (các thể loại phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình), sân khấu truyền thanh, truyền hình.

3. Người làm âm thanh trong tác phẩm điện ảnh - truyền hình và sân khấu, người làm ánh sáng sân khấu và chương trình nghệ thuật tổng hợp.

4. Biên đạo múa, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch, chỉ đạo nghệ thuật.

5. Quay phim điện ảnh và truyền hình các thể loại; phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.

6. Họa sĩ: tạo hình con rối, động tác phim hoạt hình, thiết kế trang trí sân khấu, hóa trang, phục trang sân khấu - điện ảnh - truyền hình.

Đón nhận danh hiệu NSND không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân nghệ sĩ Lý Huỳnh mà còn là niềm tự hào của cả gia đình ông.

7. Phát thanh viên phát thanh và truyền hình hình hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Ngoài ra, NĐ89 cũng quy định thêm, các cá nhân thuộc các nhóm đối tượng trên đây, nếu do yêu cầu và nhiệm vụ được điều động làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật đủ tiêu chuẩn theo quy định tại NĐ này thì vẫn được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Một trong những điều khoản được đông đảo nghệ sĩ quan tâm đó là các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. NĐ89 đã dành riêng chương II để quy định về phần này dựa trên cơ sở các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản pháp quy trước đây. Theo đó, một số tiêu chuẩn bất cập từng gây ra nhiều tranh cãi và vốn được xem là "rào cản" không cần thiết để nghệ sĩ đến với danh hiệu, gây khó khăn, vướng mắc đã dần được loại bỏ.

Tại Thông tư 24/2007/TT-BVHTT Hướng dẫn về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã quy định: "Nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (đối với xiếc là 15 năm), đã được phong danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên, liên tục 5 năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến liền kề với năm xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, được tặng ít nhất 3 giải Vàng cấp quốc gia trở lên từ sau khi đạt danh hiệu NSƯT trong đó phải có 1 giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu...", thì đến Thông tư 06/2010/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, các điều kiện "5 năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến liền kề với năm xét tặng danh hiệu nghệ sĩ" và "phải có 1 giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu" đã bị loại bỏ. Đến NĐ 89, điều kiện "đã được phong danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên" cũng bị loại bỏ nốt. Những tiêu chí tương tự cũng đồng thời được loại bỏ đối với nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSƯT.

Chắc chắn sẽ có nhiều nghệ sĩ lấy làm vui mừng bởi tại NĐ89, một trong những  tiêu chuẩn trước đây được xem là... "đánh đố", làm khó nghệ sĩ một thời, đó là quy định về số giải Vàng/Bạc quốc gia đã được "hạ" xuống một bậc và quy định cụ thể về định lượng: Điều kiện cần và đủ để được xét danh hiệu NSND là 2 giải Vàng quốc gia từ sau khi được phong danh hiệu NSƯT và điều kiện để trở thành NSƯT là khi có 2 giải Vàng và 1 giải Bạc quốc gia.

Tuy có ý kiến cho rằng, việc "hạ tiêu chuẩn" xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ khiến cho số người được phong tặng danh hiệu này đông lên đáng kể, khiến danh hiệu này mất đi sự "danh giá" vốn có, song những điều chỉnh này được cho là cụ thể, sát thực tế và hạn chế được tiêu cực có thể phát sinh. Bởi lẽ, các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc của các loại hình nghệ thuật thông thường 4 năm mới tổ chức một lần, vì thế nếu một NSƯT muốn có đủ giải để được xét tặng danh hiệu NSND thì phải tham gia liên tục 3 kỳ liên hoan, hội diễn (tổng cộng là 12 năm) và đều được giải Vàng là điều quá khó đối với một nghệ sĩ không còn trẻ (sau khi đã phải đáp ứng yêu cầu có ít nhất 15 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp để được xét tặng danh hiệu NSƯT). Trước đây, các quy định chỉ nêu xiếc là môn nghệ thuật có yêu cầu về số năm công tác khi xét tặng danh hiệu ít hơn các bộ môn khác 5 năm, tại NĐ89 đã bổ sung múa trở thành bộ môn nghệ thuật mà các nghệ sĩ được hưởng ưu đãi này. NĐ89 không đề cập đến các trường hợp được xét đặc cách phong danh hiệu NSND, NSƯT.

Một trong những nội dung được nhiều nghệ sĩ quan tâm nữa đó là những vấn đề liên quan tới quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Thực tế, trước đây từng có lúc, mỗi nghệ sĩ sẽ phải hoàn thiện tới... 5 bộ hồ sơ, bao gồm Đơn đề nghị bản kê khai thành tích kèm theo các giấy tờ có chứng thực về giải thưởng... Điều này đã khiến một số nghệ sĩ ái ngại. Song, theo NĐ89, các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật trong các đơn vị nghệ thuật cơ sở chỉ phải có duy nhất một bộ hồ sơ gửi về nơi công tác (các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do thì gửi một bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch nơi cá nhân đó đăng ký hộ khẩu thường trú). Đây thực sự được xem là một bước cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu những phiền hà, tốn kém không cần thiết cho các nghệ sĩ.

Quy trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo NĐ89 sẽ được thực hiện theo 3 cấp tương ứng với 3 Hội đồng thay vì 5 cấp như trước đây là: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ, tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước. Riêng Hội đồng cấp Nhà nước được thực hiện qua 2 bước. Bước 1: Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch thành lập theo từng lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa, phát thanh - truyền hình. Bước 2: Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.

Như đã nói ở trên, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT luôn là một câu chuyện "nhạy cảm" trong giới nghệ sĩ nên việc khiếu nại về kết quả làm việc của các cấp Hội đồng vẫn thường xuyên xảy ra, vì thế ở NĐ89 đã kịp thời bổ sung các điều khoản mới quy định trách nhiệm của các cấp Hội đồng, trong đó nêu rõ việc phải thông báo công khai kết quả trong vòng từ 5-15 ngày, trong đó Hội đồng cấp Bộ, tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước phải thông báo kết quả công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Hội đồng các cấp phải tiếp nhận, xử lý các kiến nghị trong thời gian 20 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn xem xét, đánh giá hồ sơ. Đây được xem là những điểm thay đổi căn bản, mấu chốt, tăng tính công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các nghệ sĩ mà ở các văn bản pháp quy trước đây đã không quy định rõ điều này.

Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch gửi Thủ tướng Chính phủ, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã xét  tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 410 cá nhân. Song thực tế công tác xét tặng danh hiệu theo thống kê vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Chắc hẳn, với những quy định đã tương đối rõ ràng, cụ thể và nhiều nội dung đã được điều chỉnh sát với thực tế hơn, NĐ89 sẽ khiến công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT (từ nay sẽ được tổ chức 3 năm một lần) giảm bớt được nhiều tranh cãi không cần thiết

Hà Anh
.
.