"Giải thưởng" dành cho phim thảm họa:

Cuộc "bêu danh" cần thiết?

Thứ Tư, 19/03/2014, 09:00

Cánh diều vàng 2014 chuẩn bị bay lên trên bầu trời điện ảnh Việt vào ngày 15/3 tới. Nhưng liệu năm nay, diều có đón được gió lớn để bay cao hay không lại là một câu hỏi dám chắc đã có câu trả lời. Lướt qua danh sách 12 phim nhựa, có không ít phim từng bị thiên hạ đua nhau "ném đá" nhưng vẫn tham gia tranh tài. Chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" này khiến người ta chợt nảy ra sáng kiến: Nên có một giải thưởng dành cho phim thảm họa thay vì để chúng khập khiễng bước vào các sân chơi danh giá.

"Trái cóc xanh" cho phim thảm họa

Trong danh sách 12 phim điện ảnh tham gia tranh giải Cánh diều vàng 2014 có đến 9 phim giải trí gồm: "Săn đàn ông" (Võ Quốc Thành - Khánh Ly),  "Tèo Em" (Charlie Nguyễn), "Hiệp sĩ guốc vông" (Chánh Tín), "Gác kiếm" (Tạ Huy Cường), "Thần tượng" (Quang Huy), "Cô dâu đại chiến 2" (Victor Vũ)... Điều này khiến những ai trông đợi ở giải Cánh diều vàng năm nay không khỏi suy nghĩ. "Săn đàn ông" có lẽ là bộ phim tồi tệ nhất trong năm 2013 khi nó là phim bài tập của cậu sinh viên điện ảnh nhà giàu. Những chi tiết hời hợt, nội dung phim thiếu logic, thiếu nhân văn rất khó chấp nhận cho một bộ phim tâm lý xã hội pha lẫn hài hước. Những cô gái mới 25, 26 tuổi đã coi mình như bà cô ế không lấy nổi chồng, đến nỗi gặp đàn ông là "săn" cho bằng được. Bộ phim đã "thảm" từ khâu kịch bản, khi đến tay đạo diễn thì nó càng thảm hơn. "Gác kiếm" là bộ phim hành động kiểu xã hội đen vụng về thô sơ trong diễn xuất, cảnh dựng cẩu thả và "cố tỏ ra nguy hiểm" đến mức nực cười. Phim bắt chước theo kiểu hành động của Hồng Kông nhưng làm không tới và quá giản đơn. 

Khi dàn phim "siêu thảm" đàng hoàng bước vào giải Cánh diều vàng thì số phận của nó cũng đã định đoạt. Còn nhớ mùa giải năm 2013, "Mùa hè lạnh" của đạo diễn Ngô Quang Hải, "Cát nóng" của Lê Hoàng… không chỉ ra về trắng tay mà còn ê chề khi đứng cạnh viên ngọc sáng giá như "Thiên mệnh anh hùng" của Victor Vũ. Thế nhưng với cái tiếng là có mặt trong giải điện ảnh danh giá, những bộ phim này ít nhiều tranh thủ lấy danh cho mình. Phim thảm họa tham gia tranh giải cũng là vấn đề gây bàn cãi gay gắt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 diễn ra tại Quảng Ninh vào tháng 10 năm ngoái.

Nhiều người cho rằng đã đến lúc phải có giải "Trái cóc xanh" - giải dành riêng cho phim thảm họa chứ không thể để nó "cầu may" ở những giải thưởng danh giá. NSND Thế Anh bức xúc: "Lý ra một giải thưởng như Mâm xôi vàng của điện ảnh Việt Nam phải làm từ rất lâu rồi chứ không để đến bây giờ. Chúng ta đã cho phim thảm họa làm mưa làm gió quá nhiều, nó quá vớ vẩn mà doanh thu ngất ngưởng. Đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn thẳng, nói thẳng và làm thẳng chứ không phê phán một cách chung chung mù mờ như báo chí đã làm thời gian qua".

Theo NSND Thế Anh, giải thưởng này cần thực hiện đồng thời với giải Cánh diều vàng, bên cạnh việc tôn vinh phim hay thì cũng cần hội đồng giám khảo bầu chọn cho phim dở nhất.

Ngoài giải cho phim hay, nhiều người cho rằng cần có giải cho phim thảm họa. Trong ảnh: Lễ trao giải Cánh diều vàng 2013.

Một vị đạo diễn uy tín xin giấu tên đề xuất: "Ban giám khảo của giải này hoặc là những người có uy tín trong nghề hoặc Hội Nhà báo. Đồng thời có thể cho khán giả tham gia bầu chọn. Nếu có thể thì ngay trong giải Cánh diều vàng, bên cạnh việc chấm phim hay thì cũng chính hội đồng giám khảo đó nên chấm cho những phim dở chứ không cần lập hội đồng giám khảo riêng. Theo đó, có giải cho đạo diễn dở nhất; diễn viên nam, nữ đóng tệ nhất; nhạc phim tệ nhất… đến giải trái cóc xanh, trái cóc vàng… theo thứ tự phim dở ít và dở nhất. Sau khi trao giải xong phải có ý kiến đánh giá rút kinh nghiệm và họp báo. Ở Mỹ, "Mâm xôi vàng" được giới điện ảnh ủng hộ và người bị trao giải cũng vui vẻ khi nhận thì ở Việt Nam, chúng ta chỉ nên công bố giải thôi vì e rằng không có người đến nhận".

Riêng đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn lại tếu táo: "Bên cạnh Bông sen vàng, Cánh diều vàng, có thêm giải Trái cóc xanh sẽ tạo ra sự tương quan so sánh rất hay. Nó giúp cho giải điện ảnh của chúng ta hàng năm thêm thú vị. Nhưng tôi nghĩ đừng để tên là Trái cóc xanh vì trái cóc được nhiều cô gái và dân nhậu ưa thích. Còn phim thảm họa thì chẳng ai ưa nổi. Đặt tên như thế thì oan cho trái cóc quá!".

"Bêu danh" hay PR?

Không phải ai cũng ủng hộ giải thưởng độc đáo này. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng có thêm một giải thưởng chẳng khác nào có thêm một ban giám khảo, tốn kém thời gian, tiền bạc cũng như công sức, trí tuệ của những người chấm giải. Nhiều người cho rằng chấm giải cho phim dở còn dễ hơn chấm phim hay. Thiết nghĩ đó là ý kiến chủ quan. Bởi ở các kỳ liên hoan cũng như mùa giải trước, ban giám khảo phải kêu trời khi ngồi xem phim thảm họa mà không khác gì bị "tra tấn" thần kinh chứ chưa nói đến chuyện chấm.

"Nếu phim không hay thì đừng vì lý do gì mà cho nó giải. Có bêu danh cũng chẳng làm cho phim hay hơn được mà chỉ có tác dụng là để người xem tò mò đổ xô đi xem, xem nó thảm họa như thế nào". Điều đạo diễn Đặng Nhật Minh lo ngại không phải là vô căn cứ. Nhìn lại các bộ phim có doanh thu khủng gần đây, có thể thấy hầu hết chúng là phim nhảm, nội dung và cách diễn hời hợt. "Mỹ nhân kế" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng bị báo chí chê tơi tả, nhưng càng chê dân tình đi xem càng đông. Trong khi đó, "Những người viết huyền thoại" hoặc "Đường đua" được báo chí hết lời khen ngợi lại lỗ vốn nặng nề.

Thời đại của "tai tiếng" nhiều hơn "nổi tiếng, không khéo sau khi giải kết thúc, phim "bêu danh" được công chúng biết đến nhiều hơn phim "vinh danh". Và không chừng với cái giải "Phim dở nhất năm 2013", cơ hội kiếm chác của nó càng gấp bội cho việc phát hành đĩa. Điều này sẽ tạo thành một tiền lệ không tốt, tạo đà cho những nhà làm phim sản xuất hàng loạt phim "siêu thảm họa" và chạy chọt để có giải hòng thu về món lợi khổng lồ.

Vô tình hay hữu ý, chuyện "bêu danh" một cách công khai nhằm hạn chế phim thảm họa lại khiến nó sinh sôi, nảy nở như nấm mọc sau mưa. Mà nạn nhân của nó không ai khác ngoài khán giả. Trong khi đó, NSND Thế Anh nhìn nhận: "Đừng đánh giá thấp khán giả. Khán giả họ có trình độ. Nếu họ đi xem để coi sự lố bịch của nó như thế nào thì có thể do tò mò, nhưng lâu dần giá trị đích thực cũng trả về cho chính nó".

Đạo diễn Quốc Việt lại đưa ra quan điểm: "Chúng ta đang bắt chước phương Tây. Nhưng họ là đất nước phát triển, các nghệ sĩ có văn minh khi bị "trao giải" sẽ vui vẻ nhận và cảm thấy thấm thía để phấn đấu cho những bộ phim sau không bị dính giải. Còn ở ta, phim thảm họa liên tục ra rạp đã cho thấy tư cách của người làm nghề. Do đó, giải thưởng này chẳng khác gì một cách tiếp tay cho nó".

Một số ý kiến khác cho rằng giải này không cần thiết bởi suốt một năm qua, báo chí đã thay mặt giới chuyên môn và khán giả đánh giá phim nào hay, phim nào dở. Hễ cuối năm, hầu hết các báo (đặc biệt là báo mạng có lượng bạn đọc đông đảo) sẽ xếp hạng phim "thảm họa" nhất của năm. Do đó, không cần "chính thống hóa" bảng xếp hạng này, vì phim thảm họa không xứng đáng có một sân chơi tốn nhiều tiền của, công sức.

Khi "lạc" vào sân chơi danh giá như giải Cánh diều vàng hoặc Liên hoan phim Việt Nam thì bộ phim nhảm đó đã tự chuốc lấy đau thương. Oái ăm thay, lắm đạo diễn phim biết "thi là khổ" và "biết mình biết ta" hẳn hoi nhưng vẫn muốn góp mặt cho vui và để lấy oai. Trong khi đó, vì số lượng phim mỗi năm quá ít, chất lượng lại càng hiếm hoi nên ban tổ chức giải vẫn chọn phim theo kiểu vơ bèo vạt tép, càng đông càng vui. Song, nếu vẫn muốn giải trở nên xôm tụ và nâng tầm hơn mọi năm thì giải Trái cóc xanh là một ẩn số độc đáo thu hút khán giả. Nhưng giải này có thực hiện được hay không, cần sự phân tích thiệt hơn của các nhà chuyên môn để đừng biến cuộc "bêu danh" thành chiêu PR rầm rộ

N.T.
.
.