Văn học Việt Nam: Một bước ra với thế giới

Cửa đã mở cần một lối đi

Thứ Ba, 02/02/2010, 08:30
"Nhập siêu văn học" - cụm từ này được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những buổi hội thảo với bạn văn chương trong nước và quốc tế.

Một chấm rất nhỏ trên bản đồ văn học thế giới

 

Theo thống kê, cứ 100 cuốn sách văn học nằm trên quầy sách trong các cửa hàng thì có tới 25 cuốn là tác phẩm của tác giả nước ngoài được dịch ra tiếng Việt. Nhiều dịch giả đến từ các nước như Đức, Nga, Áo, Hà Lan nói rằng độc giả ở nước họ gần như không biết gì nhiều về văn học Việt Nam, hoặc là chỉ biết đến một vài tác phẩm viết về đề tài chiến tranh.

 

Cho đến nay mới có khoảng 570 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài. Con số này là quá nhỏ bé so với kho tàng văn học phong phú của chúng ta trong nhiều thế kỷ qua. Các tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài phần lớn vẫn là văn học cổ điển, rất ít tác phẩm đương đại. Sự thiếu hụt này khiến cho thế giới thiếu đi sự hình dung về một gương mặt hoàn chỉnh của văn hóa Việt Nam hôm nay.

Nhà nước, ngành Văn hóa và Hội Nhà văn đã nhìn nhận rõ sự cần thiết phải đẩy mạnh công việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới như một phần của hội nhập văn hóa, đúng như phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh: "Trước biết bao vấn đề đang đặt ra cho sự hợp tác và phát triển, một lần nữa chúng ta lại nghe vang lên câu hỏi: Cuối cùng thì con người đi về đâu. Câu trả lời là: Con người sẽ đi về miền cộng sinh các giá trị văn hóa. Đó là chân trời của đối thoại, tích hợp và giao lưu...".

Và sự có mặt của bạn bè quốc tế tại Hà Nội trong những ngày đầu tiên của năm mới  với cùng một mối quan tâm là đưa những tác phẩm Việt Nam ra ngoài lãnh thổ quốc gia, tiếp xúc với độc giả nhiều nơi trên thế giới là một tín hiệu tốt, một khởi đầu nhiều hy vọng, một minh chứng cho sự "cộng sinh văn hóa" ấy.

Tuy nhiên có một băn khoăn khi khép lại những ngày hội nghị là, thảm đỏ đã trải, các vị khách đã tới và chủ nhà nhấn mạnh rằng, hội nhập văn hóa bằng cách tích cực giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới là con đường tất yếu phải đi, nhưng đi lối nào và cách thức đi ra sao thì vẫn đang còn nhiều lúng túng. Rất nhiều nhà văn, dịch giả, Nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách đã trông đợi vào những trao đổi cụ thể, giải pháp cụ thể để đưa tác phẩm văn học ra thế giới, song hình như họ vẫn chưa tìm thấy câu trả lời thỏa đáng.

Các đại biểu dự hội nghị quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam thăm Phủ Thành Chương.Ảnh Nguyễn Đình Toán.

Chọn ai để dịch và dịch như thế nào?

Phần lớn các dịch giả nước ngoài đều chung một ý kiến là, hãy để các dịch giả chủ động trong việc lựa chọn tác phẩm để chuyển ngữ. Vì chỉ họ mới hiểu độc giả nước họ có nhu cầu đọc tác phẩm nào và quan tâm những vấn đề gì. Mọi sự giới thiệu chủ quan của "chủ nhà" chỉ nên xem là những gợi ý. Dịch giả Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu nhấn mạnh: "Chỉ khi dịch giả tâm đắc với một cuốn sách nào đó họ mới có cảm hứng và nhiệt tình để chuyển ngữ. Hãy cung cấp một cách khách quan cho họ những thông tin về từng tác giả, tác phẩm, họ sẽ tự tìm hiểu và lựa chọn".

Không phải ngẫu nhiên có nhiều ý kiến đại biểu gặp nhau ở quan điểm, là để có một bản dịch chất lượng, thì các dịch giả nên làm việc với nhau theo mô hình nhóm. Theo đó, một dịch giả người Việt và một dịch giả nước ngoài tương hợp về văn chương có thể cùng hỗ trợ nhau trong việc chuyển ngữ nghĩa tác phẩm và hiệu đính. Việc này càng đặc biệt cần trong dịch thơ, vì thơ Việt vốn đa nghĩa. Nói như nhà văn Mỹ Bruce Weigle thì "một nhà văn Việt Nam giỏi tiếng Mỹ hay một nhà văn Mỹ biết tiếng Việt vẫn là chưa đủ. Giữa hai ngôn ngữ không phải cuốn tự điển, mà là văn hóa.

Văn hóa chính là thách thức lớn nhất". Về chất lượng bản dịch, các dịch giả cũng nhấn mạnh đặc biệt vấn đề nhuận bút. Không có tiền, nghĩa là không có đầu tư thì cũng rất khó đưa tác phẩm văn học hay ra thế giới. Hiện nay nhuận bút trả cho những người làm công tác dịch thuật văn học còn quá thấp so với nhiều công việc dịch thuật khác. Một ý kiến nổi bật khác mà không ít dịch giả đề xuất, là việc những nhà văn giỏi ngoại ngữ hãy chủ động dịch tác phẩm của mình, vì không ai hiểu tác phẩm của họ bằng chính họ.

Cần những cá nhân giỏi và cần... tài trợ.

Bên cạnh việc phát hiện, tìm kiếm các dịch giả giỏi về ngôn ngữ và văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng cần phải nhấn mạnh vai trò của các Nhà xuất bản, vì chính họ mới là những nơi trực tiếp mang tác phẩm đến với độc giả. Nhưng công việc này tự thân các Nhà xuất bản của ta chưa đủ sức làm, vì rất tốn kém. Cần có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước vào những đầu việc cụ thể, với những lộ trình cụ thể. Dịch giả Đoàn Tử Huyến phát biểu: "Để có thể "xuất khẩu" văn học Việt Nam ra thế giới, Nhà nước cần đầu tư vào mọi khâu từ tuyển chọn đến in ấn, phát hành. Và phải có những dịch giả nước ngoài giỏi". Dịch giả Thúy Toàn khái quát: "Một sự đầu tư đúng đắn, thiết thực của Nhà nước sẽ tạo điều kiện để các dịch giả thế giới thể hiện nhiều hơn tình cảm của họ đối với văn học Việt Nam.

Như vậy là trong lĩnh vực dịch thuật, cánh cửa đã mở ra, chúng ta chỉ còn thiếu một lối đi hợp lý để tác phẩm trong nước đến với bạn bè thế giới". Thực tế, rất nhiều câu chuyện của bạn bè quốc tế đến từ các nước như Ba Lan, Thụy Điển, Đức, Bỉ, Áo... đều cho thấy rằng, ở đất nước của họ, việc giới thiệu văn học ra thế giới đã được Nhà nước bảo trợ... từ lâu, và rất hiệu quả.

Nhưng ngay cả khi đã tìm được một lối đi hợp lý thì điều cần nhất vẫn là phải có tác phẩm hay. Bởi vì tác phẩm văn học cũng giống như một loài hoa, khi mùi hương của nó đủ sức quyến rũ thì sẽ có nhiều người tìm đến chiêm ngưỡng, thưởng thức.

Trong lời đề dẫn tại Hội thảo dành cho Nhà văn Trẻ, nhà thơ Trần Đăng Khoa có chúc các nhà văn "một bước là ra được với thế giới", nhưng ông nói thêm: "Đến được với thế giới là cả một bí mật". "Bí mật" ở đây lại nằm trong mỗi cá nhân người cầm bút, là không ngừng sáng tạo ra tác phẩm hay. Bởi, tác phẩm hay chính là nòng cốt của mọi câu chuyện văn chương, mà nếu không có nó, mọi cố gắng khác đều trở thành vô nghĩa

Bình Nguyên Trang
.
.