Giai điệu Hà Nội

Công chúng Hà Nội là công chúng đặc biệt

Thứ Ba, 07/09/2010, 10:31
Phỏng vấn Giáo sư Dương Viết Á.

- Thưa Giáo sư Dương Viết Á, được biết ông là người có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc Hà Nội. Ông có thể đánh giá những nét khái quát về đặc điểm riêng của âm nhạc Hà Nội so với các vùng đất khác?

+ Phải nói ngay rằng, dân tộc Việt Nam mình có truyền thống ca hát về quê hương, xứ sở của mình. Truyền thống này được tiếp nối trên nhiều mảnh đất khác nhau, chứ không riêng gì Hà Nội. Nếu nhìn vào lịch sử âm nhạc thì có thể thấy, phải đến khởi đầu thời kỳ tân nhạc những năm 30 của thế kỷ XX mới có những bài hát về chủ đề Hà Nội rõ ràng. Bài đầu tiên nói về chủ đề Hà Nội có thể kể đến là bài "Thăng Long hành khúc ca" của nhạc sĩ Văn Cao. Từ đó, đề tài Hà Nội được tiếp nối, được các nhạc sĩ sáng tác ngày càng nhiều, kể từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, sau giải phóng, và đặc biệt là đợt chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội này.

- Giáo sư đánh giá thế nào về số lượng cũng như chất lượng các tác phẩm âm nhạc về đề tài Hà Nội?

+ Phải thừa nhận các tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội vừa nhiều về số lượng lại vừa hay về chất lượng. Đây là đặc điểm riêng biệt nhất của âm nhạc Hà Nội, có thể cắt nghĩa bởi các yếu tố sau. Thứ nhất, điều này nằm trong truyền thống yêu quê hương từ xưa của người Việt. Thứ hai, quan trọng hơn là Thăng Long - Hà Nội trong tâm thức người Việt xưa nay vẫn là một địa danh thiêng liêng, một vùng đất thân thương chưa đến đã yêu, đã đến càng yêu, chưa xa đã nhớ... Vì tình cảm sẵn có ấy trong trái tim mỗi người dân Hà Nội mà những bài hát hay về thủ đô được phổ biến một cách dễ dàng, dễ chiếm được tình cảm của công chúng. Tôi thiết nghĩ, những bài hát về Hà Nội nổi tiếng được là nhờ tài năng của người nhạc sĩ nói riêng nhưng cũng có phần nhờ công chúng Hà Nội nói chung. Vì công chúng Hà Nội là những công chúng đặc biệt.

- Xin Giáo sư nói cụ thể hơn về sự đặc biệt của công chúng âm nhạc Hà Nội?

+ Nếu như công chúng âm nhạc các địa phương khác thường có tâm lý hào hứng với những tác phẩm âm nhạc viết về địa phương mình thì người Hà Nội hình như không có cái "tâm lý địa phương" ấy. Người Hà Nội thưởng thức âm nhạc bằng một tâm thức mở. Đến với họ, không phải cứ trình diễn bài hát về Hà Nội là được họ nghênh đón nồng nhiệt. Mà họ đề cao các tiêu chí nghệ thuật trước tiên. Một tiết mục âm nhạc có giá trị về giai điệu, ca từ, phong thái của nghệ sĩ mới thu hút được họ. Dễ hiểu vì sao nhiều bài hát tuy không nhắc một chữ nào về Hà Nội nhưng mang âm hưởng, tâm thế, tinh thần Hà Nội vẫn được công chúng yêu mến. Đặc điểm này trong tính cách người Hà Nội được kết tinh từ  lịch sử. Chúng ta giờ đây không thể trả lời được câu hỏi thế nào là người Hà Nội gốc. Người Hà Nội là người tứ chiếng, từ khắp mọi vùng đất đến đây và quy tụ lại. Hà Nội là nơi sinh nhai của họ, không phải là vùng đất quê hương với nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng như cây đa, bến nước, con đò... Họ hiểu rằng Hà Nội là của cả nước và họ tự hào về điều đó. Hai từ "Hà Nội" dường như lúc nào cũng hiện diện trong trái tim bất cứ người Việt Nam nào, dù họ là ai và họ ở đâu. Đó là một cơ sở tốt cho âm nhạc. Chỉ cần khi người nhạc sĩ viết lên một giai điệu nào đó, là "ngòi nổ" ấy đã được "châm", có thể bùng lên mạnh mẽ.

- Khi nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thực hiện tuyển tập 1.000 ca khúc Thăng Long - Hà Nội, Giáo sư đã đưa ra gợi ý nên chia theo các tuyến bài hát. Cụ thể là gì, thưa Giáo sư?

+ Ngay sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập đã có bài hát đầu tiên viết về Hồ Chủ tịch, đó là bài "Bác Hồ Chí Minh muôn năm" của Minh Tâm. Tôi hơi lạ là lâu lắm không thấy ai dàn dựng biểu diễn bài hát này. Sau Minh Tâm là một loạt tác giả viết về Bác và sau này phát triển thành một tuyến âm nhạc viết về lãnh tụ rất mạnh mẽ.

Một tuyến khác tôi gọi là hùng ca, bắt đầu từ ca khúc "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, tiếp đến là "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao, rất có giá trị và phổ cập trong công chúng. Những ca khúc có âm hưởng hùng ca sau phát triển thành một vệt dài, trong suốt chống Pháp và chống Mỹ, chỉ có điều càng về sau này càng trữ tình hơn.

Phải đến sau chống Mỹ chúng ta mới bắt đầu có những bài hát chủ đề Hà Nội, nhưng về tình yêu lứa đôi. Nói chính xác thì trước đó cũng có nhưng là kiểu tình yêu gắn liền với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đề tài ca ngợi công cuộc xây dựng đất nước cũng là một tuyến bài hát có sức nặng trong số rất nhiều những ca khúc viết về Hà Nội mà đỉnh cao là bài "Những ánh sao đêm" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Chia các tác phẩm âm nhạc về Hà Nội theo các tuyến như vậy để thấy rằng, Hà Nội đúng là có một cuốn biên niên sử bằng âm nhạc. Dường như trong mỗi thời kỳ, Hà Nội làm nhiệm vụ gì thì âm nhạc chứng kiến, ghi chép và thể hiện công việc đó.

- Giáo sư nhận xét gì về hình ảnh Hà Nội trong tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ hôm nay?

+ Tôi cho rằng có một hạn chế trong tác phẩm viết về âm nhạc của các nhạc sĩ trẻ hôm nay. Họ đề cao tiết tấu và coi nhẹ giai điệu. Tất nhiên thời đại cho phép họ sôi động nhưng sôi động đến náo nhiệt, đến "kích động" thì không còn là âm nhạc nữa, nhất là âm nhạc viết về Hà Nội. Theo tôi, viết về Hà Nội là phải đề cao yếu tố lịch lãm. Có nghĩa là ngoài sự duyên dáng bên ngoài còn phải có chất trí tuệ ở bên trong. Thành ra các tác phẩm viết hay về Hà Nội hiện nay, của các tác giả trẻ, là hiếm.

- Xin cảm ơn Giáo sư  Dương Viết Á

Thực hiện chuyên đề: Vũ Quỳnh Trang
.
.