Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18:

Còn nhiều nỗi lo...

Thứ Tư, 23/10/2013, 10:06

Cùng với tuần phim chào mừng Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và Tp HCM, mở màn cho chuỗi sự kiện trước thềm LHP thì việc Cục Điện ảnh vừa chính thức công bố danh sách thành viên Ban giám khảo ở các thể loại phim: phim truyện nhựa, phim tài liệu và khoa học, phim hoạt hình... cho thấy LHP đã sẵn sàng cho ngày khai mạc. Mặc dù, Ban tổ chức đã cố gắng để cho LHP rộn ràng, có thật nhiều sự kiện nhưng nhìn vào chất lượng các tác phẩm tham dự, chúng ta vẫn không khỏi chạnh buồn..

1. LHP Việt Nam lần thứ 18 sẽ được tổ chức từ ngày 11 đến 15 - 10 tại Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là sự kiện lớn nhất của điện ảnh Việt Nam trong năm 2013 và cũng được đánh giá là LHP có nhiều phim tham gia nhất từ trước đến nay, với 139 phim của 44 đơn vị sản xuất, trong đó có 23 phim điện ảnh, 6 phim truyện video, 10 phim tài liệu nhựa, 62 phim tài liệu video, 12 phim khoa học và 26 phim hoạt hình. Sau 3 kỳ LHP liên tiếp với khẩu hiệu: "Vì một nền điện ảnh đổi mới và phát triển", LHP lần thứ 18 có khẩu hiệu mới: "Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập".

Đây cũng là kỳ liên hoan đầu tiên Ban tổ chức quyết định LHP quốc gia sẽ diễn ra định kỳ 2 năm/ một lần vào các năm lẻ, xen kẽ với các kỳ LHP quốc tế Hà Nội diễn ra vào các năm chẵn. Hoạt động văn hóa này còn là dấu ấn kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam và kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh. Tại LHP lần này, ngoài việc trao giải thưởng riêng cho từng hạng mục như phim truyện nhựa, phim truyện video, phim tài liệu, phim hoạt hình… Ban tổ chức LHP sẽ tiến hành trao giải phim truyện điện ảnh yêu thích do khán giả bình chọn trong thời gian diễn ra LHP.

Về mặt tổ chức, LHP lần này được đánh giá là có nhiều sự kiện. Trước khi LHP chính thức diễn ra, đã có tuần phim chiếu tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và Tp HCM. Trong khuôn khổ LHP có một số tọa đàm và hội thảo với chủ đề "Quảng bá du lịch qua điện ảnh", "Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim", giao lưu giữa nghệ sĩ với công nhân, bộ đội, học sinh và sinh viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, triển lãm với chủ đề "Điện ảnh với Quảng Ninh trong phát triển du lịch"…

Phim truyện nhựa là lĩnh vực được khán giả quan tâm nhất. Số lượng phim đăng ký dự thi năm nay nhiều hơn so với kỳ liên hoan trước. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì chỉ một số ít phim được đánh giá là "xem được", còn lại số lượng không nhỏ các phim bị xếp vào diện nhảm nhí, "thảm họa" như "Đam mê", "Hello cô Ba", "Hiệp sĩ Guốc Vông"… Phim tham gia LHP lần này cũng thuộc nhiều thể loại khác nhau, có phim thuộc dòng phim nghệ thuật, nhà nước đặt hàng như "Những người viết huyền thoại", có phim thuộc dòng thị trường như "Lửa phật", "Đường đua"… Thậm chí, có những phim chưa từng được công chiếu trước đó như "Và anh sẽ trở lại", "Sau ánh hào quang", "Khùng"… nên rất khó đoán trước phim nào sẽ được vinh danh. Trong hoàn cảnh nền điện ảnh Việt Nam sản xuất chưa tới 20 phim mỗi năm, để có thể có được một mùa giải đông vui, Ban tổ chức buộc phải chấp nhận tất cả những phim có giấy phép phổ biến tính từ sau lần diễn ra LHP trước nên sự lộn xộn, "thập cẩm" ở các phim cũng là điều dễ hiểu. Trong số 23 phim truyện nhựa tham gia thì phim của các hãng phim tư nhân chiếm số lượng áp đảo (18/23 phim). Tuy nhiên, hầu hết các phim đều được sản xuất với mục tiêu làm phim để tìm kiếm doanh thu nên thật sự không có nhiều phim nổi bật để Ban giám khảo chọn trao giải, hy vọng khẳng định dấu ấn riêng cho LHP Việt Nam lần thứ 18.

“Những người viết huyền thoại” là một trong số ít phim về đề tài chiến tranh do Nhà nước đặt hàng sản xuất tham gia LHP.

2. Sự phong phú của các hoạt động, sự đa dạng của các phim tham gia LHP vẫn không mang lại cho chúng ta nhiều lạc quan vào tương lai của điện ảnh. Bởi nhìn vào chất lượng của các phim tham gia, rất ít sự vượt trội, đột phá. Bằng chứng là, gần đây nhất, khi Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật Điện ảnh Mỹ mời Việt Nam gửi phim truyện tham dự giải "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất" trong khuôn khổ Oscar lần thứ 86, chúng ta đã không có đại diện nào tham gia. Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết, đến ngày 4 - 9 là hạn cuối cùng nhận đơn đăng ký, chỉ có duy nhất "Thiên mệnh anh hùng" do Phương Nam film, Saiga film và Thanh niên film hợp tác sản xuất đăng ký. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu của điều lệ chọn phim, "Thiên mệnh anh hùng" đã không đáp ứng được điều kiện về thời gian phát hành.

Thực ra, nếu xét về thời gian và kỹ thuật, chúng ta có nhiều ứng cử viên. Nhưng điều quan trọng nhất là chất lượng phim còn yếu đã khiến các nhà sản xuất không tự tin đến với cuộc chơi này. Nhiều lần thất bại từ vòng loại nên các nhà làm điện ảnh Việt Nam không mặn mà với giải Oscar cũng là điều dễ hiểu. Rõ ràng, với yêu cầu của phim tham gia tranh giải Oscar là "Phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật. Ưu tiên cho những bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc" thì quả thật, rất khó để tìm được phim Việt Nam nào đáp ứng tiêu chí này.

Một cái khó nữa đối với thể loại phim truyện nhựa là một số ứng cử viên được khán giả đánh giá cao như "Chạm", "Bay vào cõi mộng", "Ngọc viễn đông".. lại vắng mặt tại LHP. Điều này đã phản ánh thực trạng từng diễn ra tại các kỳ LHP trước, đó là với các nhà sản xuất, việc đưa phim đi dự thi luôn được đưa lên bàn cân. Có những nhà sản xuất biết chắc tác phẩm của mình không hợp "gu" Ban tổ chức, khó có thể đoạt giải nên không tham dự để tránh lãng phí tiền của và bị "quê". Nhưng ngược lại, sự xuất hiện của nhiều phim thuộc diện "thảm họa" cho thấy có nhiều hãng phim sẵn sàng tham gia bất kỳ LHP nào với mục đích để quảng bá thương hiệu và gây ấn tượng với công chúng.

Một vấn đề của LHP được dư luận quan tâm, đó là thành phần Ban giám khảo. Muốn có những giải thưởng đột phá, phải có những thành viên Ban giám khảo cá tính, dám ủng hộ những cái mới, cái sáng tạo táo bạo. Tại LHP lần này, ở thể loại phim truyện nhựa, cùng với đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn ngồi ghế Chủ tịch Ban giám khảo thì NSND Lan Hương, nhà văn Chu Lai, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đạo diễn Hồ Quang Minh…là những thành viên.

Ở lĩnh vực phim tài liệu, khoa học có 7 thành viên Ban giám khảo, trong đó NSND, đạo diễn Đặng Xuân Hải làm chủ tịch. Ở hạng mục phim hoạt hình có 5 thành viên do NSND Phương Hoa làm chủ tịch. Dù trước đó, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng sẽ lựa chọn Ban giám khảo là những người uy tín, được đánh giá cao về nghề nghiệp, công minh chính đại, Ban tổ chức cũng sẽ cố gắng xen kẽ trong thành phần Ban giám khảo có thế hệ đi trước, có gương mặt hoạt động tích cực trong nghề, có gương mặt trẻ, song thực tế, chúng ta chưa nhìn thấy những gương mặt trẻ trong thành phần Ban giám khảo.

Không thể phủ nhận, các thành viên Ban giám khảo đều là những nghệ sĩ gạo cội, đại diện cho đầy đủ các thành phần làm nên một bộ phim. Nhưng nhìn chung Ban giám khảo LHP lần này bị đánh giá là "già", thiếu vắng những gương mặt trẻ tài năng, cá tính. Có những thành viên Ban giám khảo từng nhiều lần giữ vai trò này ở những kỳ LHP trước. Một trong những nguyên nhân khiến các gương mặt trẻ không có cơ hội ngồi ghế giám khảo tại LHP lần này là vì họ cũng có tác phẩm tham dự. Song, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là việc Ban tổ chức đề cao giải pháp an toàn. Điều này khó hy vọng có sự đột phá trong lĩnh vực giải thưởng. Trong khi điện ảnh đang hướng tới một nền công nghiệp điện ảnh chuyên nghiệp cao, nếu Ban tổ chức muốn có một sự trẻ hóa trong cách thẩm định phim thì nên chăng, cần mời thêm những đạo diễn trẻ có tài, nắm vững xu hướng điện ảnh và công nghệ làm phim tiên tiến trên thế giới.

Không quá kỳ vọng một LHP có thể xoay chuyển được tình thế để nền điện ảnh Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, nếu không bằng những thay đổi cụ thể, thiết thực ở từng thành phần, bộ phận thì tiêu chí chúng ta đặt ra cho điện ảnh vẫn mãi chỉ ở phương diện lý thuyết

K.T.
.
.