Con đường để kịch hình thể đến với công chúng: Còn nhiều thách thức

Thứ Sáu, 28/12/2012, 09:00
Cho đến lúc này, kịch hình thể đương đại chưa thể là thể loại có người xem "đại trà". Có lẽ, trước mắt phải chọn những người xem là sinh viên, học sinh lớp lớn là chính nhưng lại phải ươm mầm những người xem trong tương lai từ những học sinh nhỏ tuổi hôm nay. Đừng bắt họ xem vội mà dẫn giải họ vào thế giới kỳ ảo của những động tác cơ thể biết nói, bằng các bài tập như kiểu tìm hiểu ngoại khóa của chương trình sân khấu học đường hoặc trong các Câu lạc bộ dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng...

Vừa qua, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đoàn kịch Hình thể thuộc Nhà hát Tuổi trẻ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức buổi Tọa đàm: "Kịch hình thể đương đại - Thực trạng và phát triển". Nhiều đại biểu đã tranh luận xung quanh những vấn đề liên quan đến kịch hình thể trong đời sống của sân khấu hiện nay như thực trạng, hướng đi cũng như các vấn đề lý luận khác. Song xem ra, sau hơn chục năm du nhập vào Việt Nam, kịch hình thể vẫn là một thách thức đối với chính những người đang làm nghề đầy nỗ lực, đam mê cũng như với khán giả Việt.

Để "hâm nóng" không khí, đêm trước ngày diễn ra cuộc Tọa đàm "Kịch hình thể đương đại - Thực trạng và phát triển", Đoàn kịch Hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn vở kịch hình thể "Nguyễn Du với Kiều" của đạo diễn - NSND Lan Hương. Vở "Nguyễn Du với Kiều" ra mắt lần đầu hồi tháng 3/2012 và ngay từ buổi ra mắt đầu tiên, nó đã gây ra những ý kiến khen chê trái chiều và tiếp tục là vấn đề gây tranh luận tại cuộc hội thảo. Người khen thì bảo hay, nhiều ý tưởng độc đáo, đổi mới táo bạo cần cổ vũ; người chê thì bảo nó quá rườm rà, nhiều lời, khó hiểu với thể loại kịch hình thể, chưa kể còn làm sai "Kiều", thậm chí là... hỏng cả "Kiều" với nguyên bản thơ vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Mới hay, mong muốn tạo được cho kịch hình thể Việt Nam một vị thế chính thức và chuyên nghiệp như chia sẻ của NSND Lan Hương, NSƯT Lê Chức, nghệ sĩ Như Lai vẫn còn... chông chênh lắm. Nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện cách đây nửa năm, việc sáp nhập Đoàn kịch Hình thể với Đoàn kịch Thiếu nhi từng được đề xuất và gây tranh cãi nảy lửa. Một trong những nguyên nhân được nêu ra, đó là kịch hình thể cho đến nay vẫn chưa thực sự phù hợp với thị hiếu của người Việt. Điều đó cho thấy, mặc dù đã qua chặng đường 10 năm, nhưng NSND Lan Hương và các đồng nghiệp của chị vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Cho đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước có Đoàn kịch Hình thể. Phải thừa nhận rằng, kịch hình thể đã mang đến một luồng sinh khí mới cho sân khấu kịch, nhất là trong bối cảnh đìu hiu của sân khấu kịch phía Bắc. Là người tâm huyết với loại hình này, NSND Lan Hương đã phải rất vất vả để xây dựng, chèo chống một Đoàn kịch Hình thể với đội ngũ trên 30 nghệ sĩ như hôm nay, nhưng chính chị cũng thừa nhận sự "kén" khán giả của loại hình nghệ thuật này. Với con số vở diễn kịch hình thể chính thức ra mắt khán giả đã lên tới trên 15 vở, có thể khẳng định hướng đi của loại hình kịch hình thể ở Việt Nam là hoàn toàn đúng và cần được sự ủng hộ của các nghệ sĩ, khán giả và các nhà quản lý văn hóa trong bối cảnh cả chính kịch và hài kịch đều chưa tìm được lối thoát. Thế nhưng, ngay cả vở kịch "hình thể nhất trong các vở kịch hình thể" từng được biết tới là "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử" được dàn dựng công phu, tốn kém, được các nhà chuyên môn đánh giá cao về tính thể nghiệm nhưng người xem  vẫn thưa vắng. 

Buổi tọa đàm “Kịch hình thể đương đại - thực trạng và phát triển”.

Trước "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử", Nhà hát Tuổi trẻ đã xây dựng một số vở như "Giấc mơ hạnh phúc", "Tiếng vọng hành tinh", "Nhật nguyệt thực", "Con bệnh bí hiểm" nhưng những vở diễn này chưa thực sự tạo nên dấu ấn đối với khán giả. Nhưng gần đây, một số vở diễn liên tục được dàn dựng như "Biến vĩ của tình yêu", "Ham-lét", "Khúc ngẫu hứng từ chuyện cô bé bán diêm" và "Stereo man", "Stereo woman", "Tâm linh Việt", "Nguyễn Du với Kiều", "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng"... kịch hình thể đã có hiệu ứng tốt hơn đối với khán giả. Đoàn kịch Hình thể hiện đang sở hữu một dàn diễn viên trẻ đẹp với những cái tên như Hoàng Tùng, Hoài Nam, Như Lai, Công Dũng, Hoài Nam, Như Quỳnh, Thu Hà..., nhưng để "làm nóng" sân khấu, khiến khán giả bỏ tiền ra mua vé xem  kịch hình thể không phải là công việc một sớm một chiều. Thực tế, hàng chục năm nay, đối với các vở diễn thể loại hình thể cho thấy, nếu không có được tài trợ để diễn miễn phí như trường hợp của "Stereo man",  "Stereo woman" thì vở diễn cũng chỉ được thực hiện vài buổi tại nhà hát và khán giả chủ yếu là khách mời, là "người trong nhà" xem với nhau. Ngay cả những vở có chất lượng, được các nhà phê bình đánh giá cao, được báo chí "ưu ái" như "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử", "Biến vĩ của tình yêu", "Ham-lét"... cũng chỉ "khấm khá" hơn một chút. Trong bối cảnh ấy, càng thấy trân trọng việc NSND Lan Hương cùng các nghệ sĩ trẻ của đoàn quyết tâm theo đuổi và nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt tình đối với một thể loại kịch dù đã đến Việt Nam khá nhiều năm nhưng vẫn còn là điều bỡ ngỡ với đa số khán giả.

Cách đây ít lâu, vở diễn "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" về chủ đề phòng chống bạo lực gia đình nhân ngày Thế giới phòng chống bạo lực gia đình đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Các nghệ sĩ muốn thông qua kịch hình thể góp phần thay đổi ý thức của cộng đồng về một vấn nạn xã hội cho đến nay vẫn còn nóng bỏng ở nhiều nước trên thế giới. Sự đón nhận đầy hào hứng của khán giả đối với "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" trong buổi diễn sắp đặt ngoài trời hay trước đây là các vở kịch ngắn "Stereo man", "Stereo woman"... dường như đã xác định cho kịch hình thể Việt Nam một hướng đi, đó là hướng tới các nhóm "khán giả ngoài trời" như học sinh các khối lớn, sinh viên các trường đại học, nhóm phụ nữ, trẻ em... chứ không nên chỉ bó hẹp trên sân khấu truyền thống. Và với cách làm này thì thực sự Đoàn kịch Hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ đã ít nhiều gặt hái được những thành công, được một số tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ về kinh phí nên cũng phần nào đỡ khó khăn hơn. Nhưng theo chia sẻ của nghệ sĩ Như Lai, anh vẫn phải "xoay xỏa" đủ kiểu để có thể thỏa mãn và nuôi dưỡng niềm đam mê của mình như dựng tiểu phẩm hài, dựng xiếc...

NSND Phạm Thị Thành: "Nên chú trọng vấn đề tìm khán giả"

Xem vở "Nguyễn Du với Kiều" do Lan Hương làm đạo diễn, nhiều người nói với tôi rằng nó khó hiểu quá, không hợp với nội dung vốn có của "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Nhưng tôi lại đánh giá cao sự mạnh mẽ tìm tòi và sáng tạo của Lan Hương. Tôi từng xem Lan Hương diễn "Giấc mơ hạnh phúc" khi cô ấy còn rất trẻ và thật mừng là sau này Lan Hương đã hoàn chỉnh nó, nâng nó lên thành một vở kịch hình thể và khi đem đi dự Liên hoan Sân khấu ở Sơn Đông (Trung Quốc) đã đoạt giải đặc biệt. Theo tôi, quan trọng nhất đối với kịch hình thể hiện nay là vấn đề tìm khán giả. Kịch hình thể nên đi diễn nhiều vào quần chúng, hướng đến các đối tượng là sinh viên, khách nước ngoài và trẻ em. Với "Tâm linh Việt" hay một số vở diễn của Như Lai mà gần đây hướng đến các nhóm cộng đồng như đối tượng đồng tính nam, đồng tính nữ hay vấn đề bạo hành đối với phụ nữ thì diễn ở các sân khấu ngoài trời chắc chắn là đông khán giả hơn trong khán phòng nhiều và chắc chắn nó sẽ đem lại thành công lớn hơn từ sự tương tác tốt với khán giả.

NSƯT Lê Chức: "Ngại gì mà không phá cách đi tìm tiếp?"

Cho đến lúc này, kịch hình thể đương đại chưa thể là thể loại có người xem "đại trà". Có lẽ, trước mắt phải chọn những người xem là sinh viên, học sinh lớp lớn là chính nhưng lại phải ươm mầm những người xem trong tương lai từ những học sinh nhỏ tuổi hôm nay. Đừng bắt họ xem vội mà dẫn giải họ vào thế giới kỳ ảo của những động tác cơ thể biết nói, bằng các bài tập như kiểu tìm hiểu ngoại khóa của chương trình sân khấu học đường hoặc trong các Câu lạc bộ dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Nếu dừng ở con số 10 năm để nhìn lại thì: Nỗi đam mê và cả sự hy sinh cho nghệ thuật kịch hình thể của Lan Hương và các cộng sự không nhỏ. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều người biết, hiểu và yêu kịch hình thể. Đã xác định thể loại này có cơ sở sáng tạo tự do hơn thì ngại gì mà không "phá cách" tìm tiếp? Đương nhiên, đoàn kịch hình thể và các nghệ sĩ cần có một chỗ dựa vững chắc là Nhà hát Tuổi trẻ với định hướng nghệ thuật của mình trong việc đi tìm các phong cách sáng tạo và ngôn ngữ nghệ thuật cho người xem hôm nay và tương lai - những khán giả thông minh và hiện đại hơn mỗi ngày.

N.H.
.
.