Coi chừng "dịch" sưu tầm

Thứ Ba, 31/03/2009, 08:00
Không, ở đây hoàn toàn tôi không có ý định phê phán gì các nhà dịch thuật - những người bằng vào vốn ngoại ngữ và học thức của mình, đã và đang góp phần quan trọng trong việc truyền tải các nguồn văn hóa nhân loại đến với bạn đọc chúng ta. Tôi chỉ nói đến vấn đề đang lây lan như một bệnh dịch - bệnh dịch thật sự, ấy là “dịch”... sưu tầm, tràn ngập trên báo chí hiện hành.

Và, để tránh cho bạn đọc khỏi hiểu lầm, tôi xin phân biệt hai loại: loại sưu tầm- tức là dịch giả phải qua các khâu tuyển lựa rồi dịch lại từ  các sách báo nước ngoài và loại sưu tầm là chép lại từ những quyển sách, những tờ báo đã được dịch in trong nước.

Bởi vì, theo tôi được biết, cũng như việc thiên hạ đổ xô đi tìm đá đỏ trước đây, số người lao vào việc này cũng khá nhiều. Thậm chí có người đã thẳng cánh tuyên bố: "Làm cái này ngon ăn hơn, chẳng mất vốn, mất lãi gì, chỉ cần phôtô lại ở một cuốn sách nào đó. Bố ai đọc hết mà phát hiện được".

Nói "chẳng mất vốn mất lãi gì" là anh ta có ý nhắc đến việc không phải cất công học ngoại ngữ của mình. Nếu làm con số thống kê những người không biết ngoại ngữ đang "hoạt động" trên lĩnh vực này, theo tôi không phải ít!

Vì sự thật, nhiều người khi "công bố" những bản "sưu tầm" ấy, đã tránh không cho bạn đọc biết mình đã "sưu tầm" ở nguồn nào, dịch từ đâu, tác giả của nó là ai. Hoặc nếu có thì thường là những chú thích rất tù mù, hoặc là "theo các sách báo nước ngoài", hoặc là "lượm lặt đó đây", mặc dù không ít độc giả phải ngạc nhiên: Gớm, chỉ có cái mẩu con con ấy, làm gì mà khoác cho nó cái mác lớn thế!

Tệ hại hơn nữa, là ngày càng phổ biến các cách "sưu tầm" từ tác phẩm của chính các tác giả trong nước. Thì "hết nạc vạc đến xương" mà!... Tôi có một anh bạn: bài của anh vừa in ở một tờ báo nọ, thì ít ngày sau thấy xuất hiện ở một tờ báo khác, với cái tên khác. Tất nhiên là anh khó có thể "kiện" được vì người làm việc đó đã rất cẩn thận đề dưới tên mình hai chữ "sưu tầm" nhỏ xíu (hiển nhiên là nhuận bút phải thuộc về người đó rồi).

Kể ra "sưu tầm" kiểu chép lại đó thì hay thật!... Mà, cũng "may" cho anh bạn tôi là họ còn chép "nguyên văn". Cũng như đứa con của mình, thôi thì họ có nhận là con của họ, cũng được, miễn là họ chăm sóc cho nó được chu đáo, chứ lại có trường hợp - để "phi tăm tích", khiến cho chủ nhân của nó khó nhận dạng, người ta lại bẻ chân, chọc mù mắt, vẩy axít vào mặt nó, thì thử hỏi, còn khổ nào bằng?

“Sưu tầm”, hay là “lượm lặt”, hay là “st”, hay là "theo các báo", hiện đang đặt ra trước mắt chúng ta một vấn đề không thể không giải quyết. Mà, trách nhiệm hơn ai hết là thuộc về những người biên tập, phụ trách mảng này, những người có trách nhiệm kiểm tra, chọn lựa kỹ lưỡng đội ngũ cộng tác viên vừa có tư cách vừa có trình độ nghiệp vụ...

Nguyễn Thế Năng
.
.