Trao đổi

Có thật Hoàng Cao Khải là con rơi của Cao Bá Quát?

Thứ Ba, 21/05/2013, 08:00
Đọc bài viết của nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu với nhan đề "Phải chăng Chu Thần Cao Bá Quát là cha đẻ phó vương Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải?" được đăng trên trang mạng trannhuong.com, tôi thật sự ngỡ ngàng....

Ngỡ ngàng và cả có thêm phần… vui sướng nữa. Là bởi vì một lẽ đơn giản, rằng một thiên tài trác việt như Chu Thần họ Cao, bị nhà Nguyễn tru di tam tộc, vẫn may mắn còn sót lại giọt máu trên đời là ông Hoàng Cao Khải, Phó vương Bắc Kỳ triều Nguyễn, rất có tài, mà tội ác với dân cũng không phải là ít, nhất là với nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy! Tuy nhiên, những kiến giải của nhà nghiên cứu Thái Doãn Hiểu vẫn còn làm tôi chưa tin. Chưa tin, bởi lý do chủ yếu sau đây:

1. Khi làm cuốn "Thi hào Cao Bá Quát, tinh tuyển và bình giải" (Giai phẩm với lời bình tập 4), tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn về thơ Cao Chu Thần, từ đó, lần tìm theo dấu chân Cao mà suy đoán ra một số địa chỉ trong thơ Cao, hiểu thêm về cuộc đời chìm nổi của Cao, dẫu chưa phải là tất cả. Nhà nghiên cứu Thái Doãn Hiểu bảo rằng từ năm 1848 đến năm 1853, Cao qua lại chỗ ông anh là Cao Bá Nhạ làm tri huyện Nông Cống Thanh Hóa, rồi có mối tình trên kia với vợ ông Hoàng Văn Đồng, sinh ra Hoàng Cao Khải. Tôi ngờ rằng không có căn cứ xác thực. Tôi biết các quan nhà Nguyễn, khi đã nhận lệnh vua đi làm việc gì đó, ngay cả khi đi nhậm chức mới, đều phải tức tốc lên đường, đến nơi phải đúng ngày giờ quy định, ai liều lĩnh du di là mất mạng như chơi, tâm trạng đâu mà "sướng" với chả "họa"? Quan dù to đến chức thượng thư, nhưng hễ có tội là cách luôn, hoặc bị giết. Làm đến thượng thư, đại tướng quân, như các ông Nguyễn Công Trứ, Lê Đại Cang…cũng bị cách xuống làm lính khiêng võng, thậm chí tù mọt gông, ai dám liều? Thế nên câu chuyện ông Thái Doãn Hiểu kể trên, với Cao Bá Quát, rất khó có thể xảy ra. Nguyễn Công Trứ khi làm quan Dinh điền sứ ở Thái Bình, Ninh Bình, có điều kiện vật chất đầy đủ, sức khỏe sung mãn, lại có quyền lực, ăn chơi là chuyện dễ hiểu. Nhưng với Cao Bá Quát, hãy đọc thơ của Cao, thấy ông chỉ ốm yếu quanh năm, lao tâm khổ tứ về chuyện tù đày, mất tự do, rồi chuyện gia đình, con chết, đói khát khổ cực vô cùng, làm gì có thì giờ để yêu đương lăng nhăng đâu? Ngay cả khi làm quan ở Huế, lương không đủ uống rượu, ông cũng phải mang chiếc áo đi cầm cố mới có tiền mua rượu, sung sướng cái nỗi gì? Đọc thơ Cao, chỉ thấy ông sướng họa với ông trưởng phái đoàn đi Hạ Châu, khi lênh đênh trên biển, với ông Đông tác tuần phủ và một số bạn bè ở Huế, ở Hà Nội (khi bị đuổi về quê)…chứ chả thấy ông có bài nào sướng họa với bà vợ ông Hoàng Văn Đồng ở Thanh Hóa cả!

2. Trong tình cảm riêng tư, đọc thơ Cao, chỉ thấy ông thương nhớ quê hương và đặc biệt là người vợ tần tảo suốt đời hy sinh vì chồng con, khi ở trong tù, cũng như khi phải đi đày, cả khi đi "lập công chuộc tội" ở nước ngoài…chứ không hề thấy trong thơ ông một mối tình nào khác. Bài thơ "Thập nhất dạ thừa nguyệt, tẩu bút ký hữu nhân" (Đêm mười bảy dưới ánh trăng, phóng bút gửi bạn) là di cảo của Cao Bá Quát, là thơ Cao Bá Quát, khi ông viết ở Huế. Nó nằm trong hệ thống một số bài thơ Cao gửi bạn bè, trong đó có cả ông Tùng Thiện Vương khi ông ấy tặng quà cho Cao lúc Cao ốm nặng. Rất nhiều bài thơ Cao đều "phóng bút" như thế, chứ không chỉ một bài. Sao lại có thể là thơ của vợ ông Hoàng Văn Đồng nào đó, tình nhân của Cao? Chúng tôi đã phân tích kỹ bài này trong cuốn sách viết về Cao nói trên. Vì hoàn cảnh khó ngặt lúc bấy giờ, nên trong thơ Cao thấy ông dùng rất nhiều hình tượng ẩn dụ. Người đẹp trong thơ ở đây, chính là Cao đấy! Khuất Nguyên bên Tàu xưa cũng thế. Với Cao là cả một hệ ý thức thẩm mĩ trong thơ, chứ không phải là ai khác, không phải là cái gì khác. Nhà nghiên cứu Thái Doãn Hiểu liệu có nhầm chăng?

Hà Nội, 13/4/2013

Vũ Bình Lục
.
.