Sức sống của nhạc đỏ:

Có những bài ca không bao giờ quên

Thứ Sáu, 25/08/2006, 08:45

Sự lấp lánh trong vẻ đẹp của ca từ “nhạc đỏ” công bằng mà nói cũng không thua kém gì dòng nhạc tiền chiến, lãng mạn. Nhưng cái sức lay động của “nhạc đỏ” là đi từ cái cá thể đến đông đảo mọi người. Một sự lan tỏa, “chở sóng” vượt qua những số phận đơn lẻ, để nói lên một khát vọng chung, một tình yêu lớn hơn.

Đối với dòng ca khúc cách mạng, mà chúng ta hay gọi là “nhạc đỏ”, tôi trộm nghĩ, có lẽ không có cụm từ nào diễn tả nó chính xác hơn là “những bài ca không bao giờ quên”. Chắt lọc từ trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, thăng hoa trong tình cảm của một người chiến sĩ yêu quê hương; nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã sáng tác nên ca khúc “Bài ca không quên” đầy sức sống: “Có một bài ca không bao giờ quên. Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên. Có một bài ca không bao giờ quên. Là lời mẹ ru con đêm đêm…”.

Quả thật, đã có “một bài ca không quên”. Một bài ca trong những bài ca, một bài ca nói về những bài ca khác, hay đề cập đến muôn vẻ đẹp của tâm hồn người Việt Nam. Sự lấp lánh trong vẻ đẹp của ca từ “nhạc đỏ” công bằng mà nói cũng không thua kém gì dòng nhạc tiền chiến, lãng mạn. Nhưng cái sức lay động của “nhạc đỏ” là đi từ cái cá thể đến đông đảo mọi người. Một sự lan tỏa, “chở sóng” vượt qua những số phận đơn lẻ, để nói lên một khát vọng chung, một tình yêu lớn hơn.

Nền âm nhạc Việt Nam đã may mắn có được những tài năng lớn trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Không chỉ tài năng, mà đấy còn là những nhạc sĩ đầy nhân cách, luôn thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Do vậy mà cho đến bây giờ, tôi nghĩ chúng ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi nhiều bài hát cách mạng vẫn nằm trong “top ten” những bài hát được nhiều người yêu thích. Trước kia, chúng ta hát say sưa “Tình ca” của Hoàng Việt. Bây giờ chúng ta vẫn say sưa hát. Và, tôi tin rằng, sức sống của “Tình ca” vẫn còn đi xa mãi: “Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra…”.

Những lời từ trái tim sẽ gặp nhau ở trái tim, đó là một lôgích biện chứng, cũng là một lẽ hiển nhiên giản dị không cần phải bàn cãi. Tất nhiên, với âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung, thì việc “lao động” đòi hỏi người nhạc sĩ ngoài tâm hồn, còn cần phải có một “cái đầu”. Một cái đầu tài năng.

Khởi đi từ những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám (1945), dòng “nhạc đỏ” xuất hiện, cùng với những tài năng lớn, những tên tuổi khiến chúng ta phải nhắc đến một cách đầy trân trọng, như: Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Diệp Minh Tuyền, Phân Nhân, Lư Nhất Vũ, Xuân Hồng v.v… Mỗi người đều có cách “khởi động” con đường âm nhạc khác nhau, nhưng nhìn chung họ đều là những nhạc sĩ - chiến sĩ, học nhạc trước tiên bằng say mê sau đó tự nâng cao “đẳng cấp” của mình lên bằng việc học bạn, học thầy, học qua sách vở, các chuyên gia nước ngoài. Với những nhạc sĩ - chiến sĩ ấy, dù không trực tiếp cầm súng thì họ cũng sống trực tiếp sống trong chiến tranh, dưới mưa bom bão đạn. Không có một môi trường nào được thử thách bằng chiến tranh; ở đó, ý nghĩa cuộc sống được chiếu rọi một cách rõ nét, cận cảnh nhất. Dường như không có chỗ cho những tình cảm nhỏ bé, tẹp nhẹp. Mọi hành động đều ngân vang một ý nghĩa tích cực nào đó.

Âm nhạc là sự ngân vang, không chỉ một, mà là muôn ngàn cung bậc tình cảm, trí tuệ. Và, cũng có thể nói, có những nhạc sĩ, tuy chưa lãnh hội đủ yếu tố của một tài năng thực thụ, nhưng với tấm lòng của mình, bằng sự chân thành và tâm huyết cũng đã sáng tác nên những ca khúc đầy sức sống. Ví dụ như trường hợp sáng tác ca khúc “Bài ca may áo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Năm 1961, nhạc sĩ  Xuân Hồng trong một chuyến đi công tác vào chiến khu Dương Minh Châu đã tiếp cận một tổ quân trang. Từ “âm nhạc” của hàng chục chiếc máy may đang may áo cho chiến sĩ, ông đã viết nên tác phẩm “Bài ca may áo” giản dị, nhưng đầy xúc động: “Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng. Mưa rét run người nắng rám màu da. Tấm vải ta làm ra mảnh áo. Là chiến sĩ quyết tâm diệt thù. Áo may xong mùa đông đã đến. Gởi chút tình thương mến về anh. Áo xếp nhanh nhờ anh giải phóng. Lòng vui sướng, sướng vui dạt dào”…

Đi sâu vào tìm hiểu sức sống của dòng “nhạc đỏ”, tôi gặp nhiều chi tiết thú vị, hiểu thêm vì sao nhiều ca khúc lại mê hoặc người nghe đến như thế. Thì ra, một trong những điểm độc đáo của các ca khúc cách mạng là các tác giả vận dụng, đưa chất liệu dân gian như: dân ca, quan họ, trống quân, hò Huế v.v… vào trong tác phẩm rất nhuần nhuyễn.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói quá trình tự học cũng là một quá trình tự khám phá bản thân để tạo nên những dấn ấn nghệ thuật sâu sắc nhất. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng nói, người thầy dạy nhạc đầu tiên của ông không ai khác chính là người mẹ với những bài hát ru. Mẹ chính là “nghệ sĩ nhân dân”… không tên tuổi, nhưng đã tạo cho ông dưỡng chất tâm hồn phong phú. Như vậy, từ “Bài ca không quên” của mẹ, nhạc sĩ đã sáng tác nên những bài ca không quên trong mỗi chúng ta. Những bài ca thuộc về ký ức. Mãi mãi còn đó trong ký ức dân tộc hành khúc “Lên đàng”, “Tiến về Sài Gòn”, “Đoàn quân sông Lô”, v.v… của Lưu Hữu Phước; sẽ nhớ mãi: “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Cô gái vót chông”, “Lá đỏ” v.v… của Hoàng Hiệp; và còn khắc ghi dài lâu: “Người mẹ Bàn Cờ”, Hát trên đường tranh đấu”, “Người hát cho phận mình” v.v… của Trần Long Ẩn. Nhiều, còn nhiều nữa những bài ca không quên.

Sức sống của “nhạc đỏ” thật mãnh liệt. Tôi nghĩ điều đó như một lẽ hiển nhiên, giản dị; không có gì gọi là “lên gân” ở đây cả. Ở TP.HCM, nơi được xem là có nhiều tụ điểm, sân khấu ca nhạc nhất hiện nay; bên cạnh các sân khấu nhạc Trịnh, nhạc rock, nhạc tiền chiến, flamenco, v.v… thì “nhạc đỏ” vẫn có một chỗ đứng trang trọng. Người tạo nên sân chơi thú thị đó chính là ca sĩ Cao Minh. Đều đặn tối thứ ba hàng tuần, sân chơi do ca sĩ Cao Minh đảm trách thu hút hàng trăm người say mê “nhạc đỏ” đến thưởng thức và cùng tham gia ca hát. Ở TP.HCM, các ca sĩ “chuyên trị nhạc đỏ” như: Quang Lý, Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, v.v… cũng khá đắt sô và được khá nhiều người hâm mộ không kém gì các ngôi sao nhạc trẻ. Và các ca sĩ trẻ như: Mỹ Tâm, Đoan Trang, Đan Trường, v.v… mỗi khi xuất hiện trên sân khấu với một ca khúc cách mạng vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả và cả fans của họ. Đấy là một điều hết sức đặc biệt, xuất phát từ những tình cảm đẹp mà mọi người dành cho dòng “nhạc đỏ”.

Có những bài ca không bao giờ quên. Dù cho chúng ta có tách rời đời sống hôm nay ra khỏi những ký ức chiến tranh, thì tôi tin những bài ca đó vẫn sống mãi. Bởi nó đâu chỉ nói về chiến tranh, mà còn ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp thiên nhiên và biết bao cung bậc đời thường. “Nhạc đỏ” sống mãi trong trái tim người Việt Nam
Trần Nhã Thụy
.
.