Có nên đặt vấn đề như vậy?

Thứ Tư, 30/11/2011, 08:00
Ở Việt Nam ta, trong mấy tháng trở lại đây, có hai vụ việc xảy ra mà cái chết của các nạn nhân đã gây nên trong dư luận sự xót thương cao độ...

Có thể nhắc đến vụ án tên Lê Văn Luyện đột nhập và giết hại vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích cùng con nhỏ ở phố Sàn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) sáng ngày 24/8 và vụ nổ khí gas khiến bố mẹ phải nhập viện còn hai con nhỏ thì tử vong xảy ra tại số nhà 25 ngõ 22 Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sáng 3/11. Nhiều phóng viên báo chí đã tích cực đưa tin, bám sát từng di biến động của những sự cố đau lòng này và không thể phủ nhận rằng, chính báo chí đã góp phần kết nối tình cảm của hàng triệu người đọc với những nạn nhân xấu số. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là trong cách đưa tin, phản ảnh của báo chí không có vấn đề cần phải lưu ý, rút kinh nghiệm. Ở đây, tôi chỉ xin nêu một đôi ví dụ nhỏ:

Ai cũng thấy, qua vụ việc sát hại gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích, hung thủ Lê Văn Luyện đã thể hiện một sự tàn bạo tột cùng, đến độ có cán bộ tham gia phá án phải thốt lên rằng: Đây là vụ án dã man tàn bạo nhất xảy ra ở địa bàn Bắc Giang từ trước tới nay. Vì tính chất khốc liệt của vụ án: Các nhân chứng quan trọng nhất (vợ chồng chủ tiệm vàng) đều đã bị sát hại, gần như chỉ còn Lê Văn Luyện "độc diễn", cho nên khi tiếp nhận thông tin từ lời khai của Lê Văn Luyện, các phóng viên cần phải hết sức thận trọng, không nên thuật lại một cách đơn thuần nếu không có những suy xét, bình luận kín kẽ. Chẳng hạn, theo tôi, không nên đưa như một báo điện tử: "Theo lời khai của Luyện, anh Thành sau khi cướp được dao díp đã đâm lại Luyện nhưng không trúng, cùng lúc đó là tiếng kêu của chị Chín: Anh đâm trúng em rồi", dù rằng sau đấy, phóng viên có chua thêm một câu "Tuy nhiên, theo kết luận của cơ quan điều tra, việc đâm nhầm này chỉ gây vết thương nhẹ, còn vết thương chí mạng của Luyện vào hạ sườn trái và cổ mới gây nên cái chết của chị Chín". Thiết nghĩ, nỗi bất hạnh, mất mát của vợ chồng anh Thành - chủ tiệm vàng Ngọc Bích là quá lớn, quá xa xót, có nên xát muối thêm khi đưa ra rộng rãi trong công luận tình tiết anh Thành đâm nhầm vợ mình? Nếu ai cũng hình dung sự việc theo chiều hướng vậy thì càng thêm bi đát cho cái chết của vợ chồng họ. Vả chăng, nói "báo chí cần phải nêu ra hết sự thật, dù có cay đắng đến đâu chăng nữa" thì thử hỏi, những chi tiết xuất phát từ độc mỗi miệng của kẻ sát nhân đang loay hoay tìm mọi cách để giảm tội liệu đã thật sự là sự thật chưa? Ở đây, tôi tán thành ý kiến của Luật sư Phạm Văn Huỳnh (Trưởng Văn phòng luật sư Tâm Đức - Đoàn Luật sư Hà Nội), rằng "đó chỉ là lời một phía của hung thủ Lê Văn Luyện" vì không có người đối chứng (các nạn nhân đều đã chết).

Ở vụ nổ khí gas xảy ra tại số nhà 25 ngõ 22 Tạ Quang Bửu, theo thông tin nhiều báo phản ảnh thì tai nạn thương tâm xảy ra khi chị Nguyễn Thị Thu Ngân ngửi thấy mùi gas nên vào bật bếp kiểm tra. Ngay sau động tác ấy của chị Ngân, một tiếng nổ kinh hoàng phát ra, gây cháy và làm sập gần như toàn bộ tầng 2 và phần tum của ngôi nhà chỉ toen hoẻn hơn mười mét vuông của vợ chồng chị Ngân. Cả chị Ngân và chồng chị là anh Trần Nhật Minh bị hất văng ra ngoài và bị bỏng nặng, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hai con nhỏ của anh chị bị khối bê tông đổ đè lên. Phải mất nhiều tiếng đồng hồ ứng cứu, lực lượng chức năng mới tìm kiếm và đưa được các cháu ra ngoài. Đau xót là cả hai cháu sau đó đều đã tử vong.

Hẳn bạn đọc sẽ không cầm được nước mắt khi xem một đoạn clip ghi lại cảnh chị Ngân được cứu đưa ra khỏi hiện trường, vực lên xe cứu thương, mặc dù bị thương nặng nhưng chị vẫn không ngừng gào gọi tên các con, luôn miệng yêu cầu bộ phận y tế hãy để chị lại, không cần quan tâm đến chị mà nhanh nhanh chăm lo cho việc cứu các con chị đang bị kẹt trong đống đổ nát. Cả khi ấy cho đến sau này, khi được cấp cứu trong bệnh viện, hễ tỉnh là chị Ngân lại than khóc: "Tôi giết các con tôi rồi".

Đó là một vụ tai nạn quá thương tâm, mà - đã là tai nạn thì chẳng ai nói trước được điều gì. Bởi vậy, thiết nghĩ, mặc dù chị Ngân luôn vật vã khóc than, nhận trách nhiệm về mình như vậy, song đấy là do tình thương bao la của người mẹ, luôn thấy trách nhiệm của mình đối với các con bao nhiêu cũng chưa đủ. Còn về phía dư luận, nhất là báo chí, có nên - trong lúc tai nạn thương tâm như vậy (một cặp vợ chồng gần như đã mất hết, từ niềm hạnh phúc con cái đến sức khỏe, nhà cửa), lại đưa tin, viết bài, đặt tít theo kiểu "Vụ nổ ga kinh hoàng: Tôi đã giết con tôi rồi", hoặc "Vụ nổ ga sập nhà: Một phần do công trình quá kém?". Ở đời, ai chẳng muốn nhà cao cửa rộng, xây dựng chắc chắn, đàng hoàng. Ở Việt Nam, chắc cũng phải có hàng triệu hộ gia đình ở vào hoàn cảnh như vợ chồng chị Ngân. Vả chăng, tai nạn nổ khí gas thì là do nổ khí gas, chứ đặt vấn đề nhà khỏe nhà yếu ở đây để làm gì? Để kết tội bố mẹ xây nhà yếu nên khi nổ, bê tông mới sập đổ vào người các con à? Nói vậy mà vợ chồng chị Ngân đọc được, họ còn xót lòng đến đâu? Vả chăng, với nổ khí gas thì phải canh chừng ở khí gas, bình gas, các dụng cụ thiết yếu liên quan, có đâu lại ở chất lượng xây dựng? Thì nhiều báo ra ngày 14 /11 vừa qua chẳng đưa tin, tại một tòa nhà ở Tp Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã xảy ra vụ nổ khí gas khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có cả khách qua đường đó sao? Điều ấy chứng tỏ sức công phá của nó lớn đến độ nào.

Cho nên, nói gì thì nói cũng phải cân nhắc, trông trước trông sau, tránh gây thêm vết thương cho những người vốn đã ở vào tình thế bất hạnh

Trần Hữu Thanh
.
.