Tìm kiếm tài năng âm nhạc

Cơ hội của những "ngôi sao"

Thứ Sáu, 20/08/2010, 10:21
Phỏng vấn nhạc sĩ Quốc Trung.

- Thưa nhạc sĩ Quốc Trung, làm giám khảo một số cuộc thi tài năng âm nhạc trong thời gian gần đây, đặc biệt là cuộc thi Việt Nam Idol, nhận xét chung nhất của anh về các thí sinh dự thi là gì?

+ Tôi có nhận xét là các bạn trẻ ngày hôm nay rất tự tin, rất thích thể hiện bản thân mình và đặc biệt rất yêu ca hát. Mặc dù , vốn âm nhạc của họ chưa thật sâu và rộng. Và cái thiếu lớn nhất của họ là thiếu cá tính trong âm nhạc.

-  Theo quan điểm của anh, sự nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc như hiện nay đã tạo điều kiện như thế nào đối với các bạn trẻ muốn theo đuổi con đường âm nhạc?

+ Tôi nghĩ rằng các cuộc thi tài năng âm nhạc nở rộ như hiện nay thực ra là một cơ hội tốt với các bạn trẻ. Nó tạo điều kiện cho những bạn có niềm đam mê ca hát, có tài năng ca hát đến với công chúng và được công chúng biết đến nhanh hơn. Bên cạnh mặt tích cực ấy, tôi cũng suy nghĩ về mặt trái của nó, là đôi khi nó làm cho suy nghĩ của các bạn trẻ về con đường nghệ thuật bị lệch lạc đi. Rất nhiều khi các cuộc thi đưa ra cuộc sống một "ngôi sao" hay một "người nổi tiếng" quá nhanh sẽ làm mất đi sự đam mê hồn nhiên và những tâm hồn nghệ sĩ đích thực.

- Có ý kiến cho rằng, mặc dù có rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc được tổ chức như vậy, nhưng dường như chúng ta chỉ thiếu tài năng để tôn vinh thôi. Vì thực tế trong nhiều cuộc thi đã qua, các thi sinh được trao giải nhất, nhì sau đó đều không tỏa sáng được như kỳ vọng của ban giám khảo và của đông đảo khán giả. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Thành công trong một cuộc thi với một vài bạn trẻ yêu âm nhạc nào đó chỉ là bước khởi đầu cho con đường nghệ thuật. Họ có thể đứng đầu trong một cuộc thi dù là tìm kiếm tài năng âm nhạc đi nữa, nhưng phải còn rất lâu họ mới thực sự trở thành một tài năng, với ý nghĩa đúng nhất của từ này. Theo tôi, khi nhìn vào các thí sinh đoạt giải, chúng ta chỉ nên coi họ như những người có năng khiếu, có tiềm năng ca hát là đủ. Hãy để họ phát triển tự nhiên và đừng đặt quá nhiều kỳ vọng lên vai họ, nhất là kỳ vọng về một tài năng. Vì tài năng thực sự bao giờ cũng là "của hiếm". Hơn nữa, trong tình hình đời sống âm nhạc nghèo nàn như ở nước ta hiện nay thì việc trở thành một tài năng âm nhạc lại càng khó hơn rất nhiều. Nói một cách nghiêm túc thì chúng ta chưa có môi trường thuận lợi để thúc đẩy và phát triển các tài năng.

-  Theo anh thì khi đứng đầu một cuộc thi tài năng âm nhạc, thí sinh đó đã là một ngôi sao hay chưa?

+ Chúng ta hoàn toàn có thể coi những ai đứng đầu trong một cuộc thi tài năng âm nhạc là một ngôi sao. Nhưng họ chỉ là ngôi sao của lứa tuổi mình, của thế hệ mình tại thời điểm cuộc thi diễn ra thôi. Còn việc trở thành một ngôi sao trong đời sống ca nhạc thì lại là một câu chuyện khác. Thậm chí còn là một câu chuyện dài và hết sức khó khăn, tuy nhiên không phải là không có những trường hợp đặc biệt. Theo dõi số lượng đông đảo các thí sinh tham dự cuộc thi Việt Nam Idol, tôi cũng có ý nghĩ hình như một số bạn trẻ hiện nay cho rằng thật dễ dàng để trở thành ca sĩ. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn đi thi chỉ để vui, để thể hiện niềm yêu ca hát của mình và cả sự tò mò, háo hức, thích được lên truyền hình cho bạn bè xem. Những quan niệm dễ dãi ấy có nguyên nhân xuất phát từ sự dễ dãi của thị trường và đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay.

- Làm giám khảo Việt Nam Idol, một cuộc thi có đông đảo thí sinh tham dự, nhưng phần lớn chỉ có niềm đam mê mà chưa được đào tạo về âm nhạc, anh thấy cái khó nhất mà mình phải đối mặt là gì?

+ Cái khó nhất của những thành viên Ban giám khảo chúng tôi là làm sao giúp cho các bạn thí sinh có được sự tự tin. Vì họ đang đến với cuộc thi nên họ cần phải tự tin. Giúp họ tự tin vào khả năng của mình ngay cả khi họ không có năng khiếu hay khả năng ca hát, thực sự là một việc rất khó.

- Ngày hôm nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, cơ hội được xuất hiện, được thử sức, được tỏa sáng của các bạn trẻ là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó là căn bệnh ảo tưởng cũng khiến cho không ít bạn trẻ nghĩ rằng ca hát là một nghề dễ dàng. Nếu có một lời khuyên cho những ai muốn theo đuổi nghiệp ca hát, khi họ đến với các cuộc thi tài năng âm nhạc, anh sẽ nói gì?

+ Với tư cách là một nghệ sĩ, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, không có việc gì dễ dàng trên đời nếu bạn muốn thực hiện nó một cách có chất lượng, và đặc biệt là nếu bạn muốn biến nó trở thành "nghệ thuật". Ở đây có một cái khó, là trong đời sống âm nhạc còn nhiều lộn xộn và dễ dãi của chúng ta hiện nay, có nhiều ví dụ về sự thành công (ít nhất trên phương diện tiền bạc và sự nổi tiếng) mà không cần đến tài năng thực sự. Những hiện tượng như vậy vô hình chung đã tạo ra một môi trường hủy hoại các tiềm năng nghệ thuật đích thực. Các bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm khi nhìn vào đó dễ bị ảo tưởng là đúng thôi. Nếu cần phải có một lời khuyên thì tôi sẽ khuyên các bạn rằng, các bạn có thể cứ giữ niềm đam mê ấy của mình và theo đuổi nó, nhưng các bạn cần phải biết mình làm gì tốt nhất cho bản thân và cho cả xã hội.

- Cuối cùng xin được hỏi anh, là một người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, gắn bó và giúp đỡ rất nhiều ca sĩ trẻ khi họ bước những bước đầu tiên trên con đường âm nhạc, anh đúc kết được những yếu tố nào là quan trọng nhất đối với một người ca sĩ, khi họ muốn gắn bó lâu dài với khán giả?

+ Tôi chỉ xin nói một điều ngắn gọn thôi. Làm ca sĩ rất khó, tất nhiên rồi. Và muốn gắn bó lâu dài với khán giả thì ngoài tài năng ra, người ca sĩ phải luôn giữ được ngọn lửa đam mê nghệ thuật, đam mê ca hát của mình. Và quan trọng là phải biết cách truyền được ngọn lửa ấy đến với khán giả.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Quốc Trung

Thực hiện chuyên đề: Bình Nguyên Trang - Thy Đan
.
.