Có bình yên nào không xót xa

Thứ Năm, 23/06/2016, 19:40
Chủ nhật, ngày 19/6 là ngày của Cha. Rất nhiều người đã sẻ chia những hình ảnh, những bài viết, những hoài niệm xúc động về cha mình. Nhưng cũng trong ngày của Cha năm 2016, có một hình ảnh mà bất kỳ ai cũng phải ứa nước mắt khi nhìn vào đó. 


Nó đã chạm đến tận đáy cảm xúc bình thường nhất của mỗi con người. Nó đánh thức lương tri của mỗi con người. Nó gợi mở lại cho chúng ta về những gì bình dị nhất mà chúng ta vẫn vô tình bỏ quên trong những ngày dài được sống trong bình yên hôm nay. Đó là hình ảnh di hài liệt sỹ Trần Quang Khải, người phi công trên chiếc Su 30MK gặp nạn tuần trước, được đưa về đất liền, giữa hai hàng đồng đội của anh, những người lính, những người trực tiếp bảo vệ đời sống bình yên của chúng ta ngày hôm nay. Anh là cha của hai đứa trẻ 3 tuổi. Cháu bé sẽ lớn lên mà thiếu vắng bờ vai của người cha trong suốt cả cuộc đời.

Hình ảnh ấy gợi lại ký ức của 2 năm trước, cũng vào cữ mùa Hè này, cũng gần gần ngày của Cha. Đó là hình ảnh của bé gái, con một liệt sỹ trong số những chiến sỹ không quân hi sinh khi đang làm nhiệm vụ trên chiếc trực thăng Mi -171.

Con gái Đại tá phi công Trần Quang Khải tại đám tang của cha mình.

Cô bé gương mặt thẫn thờ, cầm bát nhang, bát cơm quả trứng đũa hoa, đứng như trời trồng dưới cơn mưa lặng nhìn linh cữu cha mình. Bên cạnh cô bé gái ấy, một sỹ quan quân đội, đồng đội của cha cô, khóc nức nở, bất chấp quân lệnh, anh bỏ chiếc mũ kepi của mình che mưa cho cháu. Hình ảnh 2 năm trước cũng quặn thắt lòng chúng ta, những người sống trong bình yên, để chúng ta hiểu rằng, có bình yên nào không xót xa.

Vâng, có bình yên nào không xót xa khi giữa thời bình, vẫn có những người lặng thầm hi sinh vì đồng bào của mình, hi sinh mà bất chấp mục đích hành động của họ sẽ mang lại gì cho chính họ. Họ chỉ quan niệm một cách giản đơn rằng, khi họ khoác lên mình bộ quân phục, đó là lúc họ đảm nhận mọi nhiệm vụ được giao như thể đó là sứ vụ bình thường nhất, đơn giản nhất mà họ cần phải làm khi góp mặt trên cõi đời này.

Họ có thể là người lính không quân hôm qua, hôm nay; họ có thể là người lính hải quân trên nhà giàn đảo xa quanh năm bão tố; họ có thể là người lính thông tin tiến vào vùng sâu, vùng xa hiểm nguy trắc trở; họ có thể là người chiến sỹ cảnh sát lặng lẽ đối diện với tội phạm mỗi ngày. Họ không cần một định danh rằng "Tôi là ai?" mà họ chỉ cần định danh chính tấm áo họ mặc trong mỗi sứ vụ bình thường kia, tấm áo của những người chiến sỹ.

Người xưa vẫn nói "chiến trường là của chiến binh. Chiến binh thì hi sinh còn người già thì kể chuyện huyền thoại". Nhưng thực tế vẫn luôn chứng minh, không chỉ có chiến chinh mới mang lại những hi sinh cho những chiến binh thực sự. Bởi cuộc sống này bản thân nó đã là một cuộc chiến, mà mỗi chúng ta đều phải đương đầu.

Nhưng trong cuộc chiến chung trong đời sống này, những người ở tuyến đầu vẫn luôn là những người chiến sỹ. Chỉ còn lại chúng ta, những người được hưởng thụ một đời sống bình yên, có thể còn vất vả, có thể còn lo toan, có thể còn trở trăn, có thể còn nhiều điều chưa hài lòng khác nữa nhưng ít ra, chúng ta không phải đương đầu với hiểm nguy vì chính những người chiến sỹ kia đã thay chúng ta đương đầu, và hi sinh thầm lặng.

Chúng ta sẽ nói gì với cha mình? Chúng ta sẽ nghe gì từ con của mình? Chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì vẫn còn được tận hưởng ngày của Cha mỗi năm, một cách nhẹ nhàng và thanh thản. Nhưng họ đã mất những ngày của cha ấy rồi. Con cái họ cũng mất đi ngày của Cha trọn vẹn rồi?

Những đứa con rồi sẽ lớn. Nhưng mất mát làm sao đắp đền, khi mỗi năm, vào ngày của Cha, chúng chỉ còn lại hoài niệm. Chúng có thể có một bài tập làm văn rất xúc động, rất xuất sắc về cha mình nhưng chúng sẵn sàng đánh đổi để không bao giờ phải viết về một người cha đã mất mà thay vào đó, ngả vào lòng cha, nghe cha trách mắng rằng "Sao con học văn dở đến thế?".

Bình yên nào không xót xa. Chúng ta cần phải ghi nhớ lấy điều đó. Và trong nỗi xót xa ấy, chúng ta thấy đắng cay hơn, xót xa hơn, khi có những đồng nghiệp làm báo của mình, ngay trong giai đoạn chuẩn bị bước vào ngày vinh danh nhà báo, lại sẵn sàng viết những lời nặng nề, xúc phạm tới vong linh những chiến sỹ không quân mới vừa nằm xuống.

Không cần nhắc lại những ví dụ về những lời ma quỷ ấy làm gì nữa, bởi có những nỗi xót xa chúng ta cần phải chôn vùi. Bởi bên cạnh đó, có những xót xa chúng ta không bao giờ được phép lãng quên, là những xót xa từ hi sinh mất mát của những người đã cho chúng ta sống những ngày bình yên hôm nay, ngày mai và cả những ngày sau nữa.

Hà Quang Minh
.
.