Chuyện không nhỏ tại thành phố lớn

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:02
Cũng như chuyện tắc đường, chuyện ngập cũng xuất phát từ hệ lụy của một quy hoạch, xây dựng và đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu tính toán khoa học…   Vẫn cảm nhận đó là chuyện dài nhiều tập và "mùa mưa lần trước… ít nước hơn mùa mưa lần này" nhưng hơn chục triệu dân thành phố vẫn hy vọng sẽ không còn tình trạng "đường ngập thành sông" trong tương lai gần...


Mơ hết cảnh "đường biến thành sông" (!)

Hai ba ngày liên tiếp, nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh bị ngập sâu. Người và xe bì bõm trong nước. Nước chảy xiết cuồn cuộn thiếu điều cuốn trôi cả xe và người. Cơn mưa nặng hạt lại kèm theo gió lốc, sấm chớp. Nhiều người đi xe máy sợ bị nước cuốn, phải dừng lại, hoặc đẩy bộ hoặc chờ nước xuống rồi mới dám đi tiếp.

Mà không dừng lại cũng không được bởi nước đã làm xe tắt máy. Thương nhất là những phụ nữ phải vật vã chờ tạnh mưa, nước rút, loay hoay hỏi tìm thợ sửa xe… CSGT phải đứng dưới mưa để phong tỏa, cảnh báo những "đoạn sông" sâu, nước chảy xiết, gây nguy hiểm thế nhưng ùn tắc giao thông cục bộ, nhói lòng hơn là TNGT đến chết người vẫn xảy ra. Người mất người thân sau cơn mưa; rất nhiều người về nhà trong cảnh ướt mèm, lạnh, đói, ám ảnh.

Có sông cùng tên rồi nhưng giờ sau mỗi cơn mưa, Sài Gòn lại xuất hiện hàng loạt con sông hiện hữu giữa trung tâm đô thị phồn hoa ấy. Không đẹp để cho người ta ngẫu hứng làm thơ, viết nhạc, những dòng sông ấy đã cuốn phăng nhiều ý nghĩ dù mới lóe lên trong đầu có khi chỉ vài giờ trước đó về một Sài Gòn giàu có, đẹp và sung túc chẳng khác đảo quốc Singapore. Vuốt nước mưa trên mặt, nhiều người tự hỏi có phải mình đang ở giữa Sài Gòn không?

Trung tâm TP Hồ Chí Minh sau cơn mưa. Ảnh CTV

Chẳng ai nghĩ mới những trận “mưa dạo” đầu mùa mưa năm nay, "ông trời" lại hành dân như thế. Nhớ mùa mưa năm ngoái, cũng ngập ngụa, cũng "phố biến thành sông", cũng bì bõm, cũng ướt mèm, đói, lạnh run,… nhưng có người nói "cơn mưa đáng giá nghìn vàng". Một chuyên gia giải thích chữ "đáng giá" là chính nhờ cơn mưa kỷ lục như vậy, thành phố mới biết được khả năng "chịu trận" của chính mình trước thực tế; quan trọng hơn, nhận thức về vấn đề chống ngập do… "ông trời" sẽ khác đi, không như trước đây hay quen đổ thừa - "ông thoát nước" yếu.

Cũng như chuyện tắc đường, chuyện ngập cũng xuất phát từ hệ lụy của một quy hoạch, xây dựng và đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu tính toán khoa học…   Vẫn cảm nhận đó là chuyện dài nhiều tập và "mùa mưa lần trước… ít nước hơn mùa mưa lần này" nhưng hơn chục triệu dân thành phố vẫn hy vọng sẽ không còn tình trạng "đường ngập thành sông" trong tương lai gần.

Đánh trống bỏ dùi?

Khi chính quyền và ngành chức năng quận 1 "nổ" phát pháo đầu tiên lập lại trật tự vỉa hè, giành lại khoảng không gian ấy cho người đi bộ, đã có không ít ý kiến cảnh báo. Lãnh đạo địa phương lúc ấy khẳng định lần này là quyết liệt, không giống như những "chiến dịch" trước; kèm theo đó là nhiều câu tuyên bố thể hiện tâm huyết của một số lãnh đạo.

Thấy hay và đúng, các quận, huyện khác của TP Hồ Chí Minh rồi Hà Nội, các đô thị lớn, địa phương khác của cả nước, xuống tận cấp xã, phường rầm rộ hưởng ứng. Dư luận và người dân cả nước đồng thuận, vỗ tay do cảm nhận hiệu ứng tích cực của "chiến dịch" mang lại.

Thế nhưng, được tháng thứ nhất, thứ hai, leo qua tháng tháng thứ ba, đúng như không ít người đã dự đoán, tiếng vỗ tay đã không còn dồn dập. Và câu chuyện chuyển sang chiều hướng khác khi đầy trên mặt báo và mạng xã hội là hình ảnh, clip đập phá, đổ vỡ. Cái bậc tam cấp của rất nhiều nhà phố dù không ảnh hưởng mấy đến lối của người đi bộ cũng bị buộc phải tháo gỡ.

Thay vào tiếng vỗ tay đã ngớt dần là tiếng xì xầm khi vỉa hè nhếch nhác như trước "chiến dịch". Từ ngoại thành đến khu vực trung tâm là quận 1, quận 3, quận 5, quận 10,… vỉa hè bị tái lấn chiếm trở lại, thành nơi mua bán, là bãi xe, là quán nhậu, là gánh hàng rong, là nơi đứng của những cây dù kềnh càng, của mái hiên di động...

Nhiều tuyến đường trung tâm, nơi từng có nhiều trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè bị phạt nặng, giờ xe ô tô vẫn chễm chệ, lái xe chẳng phải "ngó trước ngó sau", lo bị "vịn" như trước. Vốn chật chội, đường phố nay lại càng chật chội. Người đi bộ lại phải vất vả tìm lối đi cho mình.

Lãnh đạo quận 9 "đổ thừa" sở dĩ vỉa hè bị tái chiếm là do một số người dân vẫn chưa có ý thức hỗ trợ cơ quan chức năng tổ chức, lập lại trật tự lòng lề đường. Quận 3 nói vẫn thường "xuống đường", đang kiểm tra chéo giữa các phường với nhau. Quận 1 nói vẫn duy trì "chiến dịch". Lãnh đạo một phường thuộc quận Gò Vấp than: "Việc dẹp triệt để vấn đề vỉa hè là rất khó!". Đông đảo người dân trăn trở trước dấu hiệu "bỏ dùi".

Ai cũng nhìn nhận "đầu tàu" kinh tế của cả nước ngày càng đẹp. Và đó cũng là địa phương vốn có truyền thống luôn đi đầu trong hầu hết các "chiến dịch", trong đó có "chiến dịch làm đẹp" - đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị.

Hễ mưa là ngập, đường biến thành sông và sự nhếch nhác trở lại của vỉa hè là chuyện không nhỏ. Chính quyền TP Hồ Chí Minh không muốn như thế nhưng hãy suy ngẫm trước những mong mỏi và suy tư của người dân (!)

Thái Bình
.
.