Làng nhạc Việt và việc "vay mượn" phần hòa âm, phối khí của nhạc ngoại:

Chuyện đã có tiền lệ

Thứ Tư, 23/07/2014, 08:00
"Em của ngày hôm qua", "Cơn mưa ngang qua", "Nắng ấm xa dần", "Em đừng đi"… của Sơn Tùng "mượn" phần hòa âm, phối khí (beat) của các bài hát Hàn Quốc, Nhật Bản để sáng tác lời, giai điệu rồi bê nguyên phần beat này để biểu diễn, đi thi khiến giới truyền thông và âm nhạc cuống cuồng cả lên. Các phóng viên đua nhau xin ý kiến của các nhạc sĩ, trẻ có, lão làng có để hỏi cho ra nhẽ hiện tượng của Sơn Tùng có phải là đạo nhạc không? Sự việc càng lúc càng rối như canh hẹ vì ý kiến tranh cãi của giới chuyên môn.

Người bảo Sơn Tùng không đạo nhạc. Nổi bật cho luồng ý kiến bênh vực Sơn Tùng có nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Quang Huy... Họ cho rằng việc sáng tác trên nền hòa thanh có sẵn là một môn học chính thức của các sinh viên nhạc viện. Vậy nên Sơn Tùng sáng tác trên nền nhạc beat được tải về miễn phí từ internet không có gì sai. Ý kiến này lập tức bị phản ứng, bởi sáng tác trên bản hòa thanh có sẵn chỉ là bài học trong nhà trường và bản nhạc là một bài tập. Còn khi bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp thì không thể tồn tại kiểu bài tập này mà cần một tác phẩm có sức sáng tạo và dấu ấn riêng.

Nhạc phẩm lừng danh "Ave Maria" được Charles Gounod viết trên nền bản Prelude số 1 của Bach được viện dẫn để chứng minh cho việc viết trên nền hòa âm có sẵn là chuyện mà thế giới đã làm cách đây hơn trăm năm. Nhưng rõ ràng, Gounod đã trân trọng ghi tên của Bach vào bản nhạc bên cạnh tên mình dù thời kỳ đó chuyện bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ chưa chặt chẽ như bây giờ. Thêm nữa, khi viết trên bản hòa âm của người khác, người nhạc sĩ đó phải rất tài ba, không bị lệ thuộc vào dòng hòa thanh, hòa âm định sẵn để tạo ra sản phẩm của riêng mình.

Trường hợp như "Ave Maria" cũng chỉ là cá biệt. Không thể lấy cái cá biệt để mặc định đó là cái có thể làm và trở thành phổ biến. Sơn Tùng và rất nhiều nhạc sĩ trẻ đã bị nhiễm cái mặc định này khi anh vô tư giải thích: "Việc tôi sử dụng và lấy cảm hứng từ beat nhạc ngoại cho một số sáng tác tôi thừa nhận, bởi đó cũng là cách làm quen thuộc và xu hướng sáng tác hiện nay của nhiều nghệ sĩ trẻ". Tiết lộ này càng khiến công chúng không chỉ hoài nghi về tài năng của các nhạc sĩ mà còn về cung cách lao động nghệ thuật của họ.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng nói Sơn Tùng đạo nhạc thì nặng quá, mà phải nói là Sơn Tùng có sai sót khi "ăn sẵn" beat mà không có ý thức về bản quyền. Kiểu như anh sáng tác để chơi nhưng không ngờ nó lại nổi tiếng, mang đi thi, được giải thưởng, biểu diễn và bán nhạc chuông, nhạc chờ thu lợi. Sơn Tùng chỉ cần đề tên người sáng tác beat bên cạnh là ổn. Nhưng khổ nỗi, chính trang cung cấp phần beat cũng không biết cha đẻ của bản beat đó là ai? Mặc định "không biết không có tội" nên đám đông bênh vực Sơn Tùng càng dấn vào vũng lầy. Họ đã không truy tìm cho kỹ.

Việc"vay mượn" phần hòa âm, phối khí của nhạc ngoại như Sơn Tùng đã từng có tiền lệ trong làng nhạc Việt. Trong ảnh: Sơn Tùng biểu diễn ca khúc "Em của ngày hôm qua" tại Liveshow tháng 2/2014.

Thật ra các bản beat trên đều có tên tác giả hẳn hoi. Báo Thể thao & Văn hóa đã liệt kê tường tận cha đẻ của từng bản beat bị Sơn Tùng "mượn" nên bài viết này miễn nhắc lại. Riêng một nhạc sĩ tên tuổi khác thì cho rằng cái sai của Sơn Tùng là cái sai của một cá thể trong tổng thể đã xem việc "mượn" beat như một thói quen. Chỉ có điều họ tinh vi quá hay kém nổi tiếng quá nên không bị tố. Cái dễ đổ lỗi nhất là đổ lỗi cho đám đông: tại họ làm vậy nên tôi làm vậy (!).

Những nhạc sĩ như Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đinh Mạnh Ninh… chắc như đinh đóng cột hành vi của Sơn Tùng đích thị là đạo nhạc. Đã lấy cái của người khác làm cái của mình rồi thu lợi mà không xin phép thì biện hộ kiểu gì. Nếu là kẻ "đạo nhạc" khôn khéo và tinh vi, khi "lột" giai điệu của bài hát gốc, sáng tác xong lời và giai điệu mới trên cái khuôn beat định sẵn, Sơn Tùng có thể "lột" lời và giai điệu của mình ra và làm hòa âm phối khí lại. Nó sẽ trở thành một bài hát độc lập ít nhiều mang dấu ấn của tác giả chứ không tầm gửi vào bản beat gốc và chắc hẳn tránh những nghi vấn của công chúng. Nếu nghi vấn thì người ta chỉ có thể tặc lưỡi: chắc ca khúc ấy bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc K-pop đang ồ ạt. Nhưng cách làm nhạc từ bản beat có sẵn này không được khuyến khích vì nó sẽ khiến sự sáng tạo của nhạc sĩ bị cùn mòn và phụ thuộc. Và kiểu sáng tác "vay mượn" này bị những nhạc sĩ tử tế cật lực lên án, nhất là đối với một nhạc sĩ trẻ muốn theo đuổi con đường chuyên nghiệp.

Ban tổ chức Bài hát yêu thích và nhạc sĩ Huy Tuấn quyết định gỡ tất cả các bài hát của Sơn Tùng lọt vào bản đề cử. Tuy nhiên, giải thưởng đã trao cho bài "Em của ngày hôm qua" trước đó không bị rút lại. Và trên Youtube, ca khúc của Sơn Tùng vẫn nhận được số lượng truy cập tăng đến chóng mặt. Những luồng ý kiến tranh cãi trên vẫn chưa đi đến một kết luận thống nhất. Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho hay, người sáng tác ca khúc "Every night" của nhóm Exid, Hàn Quốc đã biết chuyện và rất bức xúc khi Sơn Tùng "mượn" beat ca khúc "Every night" để sáng tác "Em của ngày hôm qua".

Làng nhạc Việt vốn nhan nhản những ca khúc "mượn" beat song bị công chúng lên án như Sơn Tùng không nhiều. Tuy nhiên, nó không phải là sự vụ mới mẻ bởi trước đây đã có ầm ĩ tương tự. "Tình ca" của nhạc sĩ Quốc Bảo từng bị phát hiện viết trên beat đậm cá tính sáng tạo của một ca khúc nước ngoài. Trước đó, Quốc Bảo khăng khăng cho rằng anh viết "Tình ca" từ cảm hứng của một bản phối của Jimmy Jam và Terry Lewis. Nhưng công chúng phát hiện đoạn nhạc dạo đầu bài "Addicted to You" của nữ ca sĩ Utada Hikaru phát hành trước đó giống nguyên xi bài "Tình ca".

Trước nghi vấn rằng Quốc Bảo không chỉ lấy cảm hứng và phóng tác mà bê nguyên xi bản phối có sẵn vào bài "Tình ca", nhạc sĩ Quốc Bảo đã "nói lại cho rõ". Ông cho biết: "Tình ca" được viết trên một nền hòa âm phối khí có sẵn và không giai điệu của Jimmy Jam và Terry Lewis. Bản phối được đăng trên một trang mạng dành cho các DJ quốc tế, và đương nhiên miễn tác quyền cho thành viên. Và nó có thể được trích từ một bản gốc nào đó do Jam và Lewis sản xuất cho nữ ca sĩ Nhật Utada Hikaru nhưng cũng chỉ được ông sử dụng như một bản gợi hứng. Tuy nhiên cách giải thích này vẫn không cứu vãn nổi những nghi ngại của công chúng với kiểu sáng tác "vay mượn" của một nhạc sĩ vốn được nhiều mến mộ. 

Tại buổi ra mắt MV "Saigon Saigon", nhóm V.Music phát hiện nhạc sĩ Châu Đăng Khoa - cha đẻ của ca khúc "Saigon Saigon" "mượn" beat của ca khúc "Tease Me" của  Seo In Guk. Nhóm buộc nhạc sĩ phải thay đổi lại phần beat khác với bản gốc để thu âm lại. Nhờ vậy mà Châu Đăng Khoa mới thoát án đạo nhạc.

Những vụ đạo nhạc rầm rộ như vụ "Tình thôi xót xa" của Bảo Chấn, "Tuổi 16" của Quốc Bảo do đích thân Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào cuộc. Sau khi kết luận tội đạo nhạc đã rõ mười mươi, Hội đã ra quyết định cảnh cáo nhạc sĩ Bảo Chấn, Quốc Bảo và thông báo đến toàn thể hội viên. Nhạc sĩ Bảo Chấn dù đã xin lỗi nhưng vẫn kịp biện minh: do nghe âm nhạc nước ngoài quá nhiều nên bị ảnh hưởng, vô tình viết ra mà không để ý. Hai vụ đạo nhạc (giống đến 90%), từng gây phẫn nộ trong dư luận mà chuyện xử phạt chỉ như thế thì với vụ của Sơn Tùng còn biết phạt kiểu gì? Kể cũng thật "không may" cho Sơn Tùng khi anh lấy beat của nhạc Hàn, nhạc Nhật khi giới trẻ đang cuồng K-pop. Nếu Sơn Tùng lấy nhạc của một nước lạ hoắc nào đó thì công chúng còn lâu mới phát hiện (!). 

Luật sư, Thạc sĩ Dương Tuấn Lộc, Giám đốc VP Law: "Sơn Tùng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ"

Nếu beat công cộng hoặc người viết ra nó để sử dụng rộng rãi (giống như nhạc disco vũ trường vốn có hòa âm quá phổ biến) thì người dùng không vi phạm. Nhưng ở đây bản beat mà Sơn Tùng dùng có tác giả. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, các bài hát của Sơn Tùng viết trên nền beat của người khác được gọi là tác phẩm phái sinh. Muốn sáng tạo nội dung mới trên nền tác phẩm của người khác không chỉ dừng lại ở việc ghi rõ tên tác giả đó mà còn phải xin phép, trả tiền cho họ. Sơn Tùng đã không đề tên và xin phép tác giả bản beat nên anh đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, chủ thể của bản beat phía Hàn Quốc không có ý kiến hoặc không đệ đơn kiện thì không thể xử Sơn Tùng theo khía cạnh pháp lý. Do đó, sự việc bây giờ chỉ còn trông chờ vào vào ý thức, đạo đức của nghệ sĩ.

Thông thường, vụ kiện đạo nhạc bao gồm: nguyên đơn yêu cầu bị đơn chấm dứt hành vi, không phát tán tác phẩm vi phạm và đòi bồi thường. Ở nước ngoài, khoản bồi thường sẽ ngang bằng mức thu lợi từ hành vi xâm phạm của bị đơn. Tuy nhiên, ở nước ta, các chế tài xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ còn rất nhẹ.

P.T.U.
.
.