Chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" - 2013: Còn nhiều thử thách

Thứ Tư, 30/10/2013, 08:00
Đánh giá một cách khách quan thì "Thử thách cùng bước nhảy" đã làm tốt vai trò cầu nối đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Mới lên sóng mùa thứ hai nhưng chương trình đã cho thấy sự hấp dẫn, gần gũi, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và trên hết là tình yêu nghề của các vũ công. Quảng bá nghệ thuật múa, câu chuyện dường như rất xưa cũ nhưng hiện lại là mảng yếu nhất của nền nghệ thuật múa nước nhà...

Chương trình "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance" 2013 đã quay trở lại, quả là "lợi hại hơn xưa". Mặc dù không đạt được hiệu ứng mạnh mẽ như một số chương trình đang phát sóng cùng thời điểm (nghe nói chương trình "Người mẫu Việt Nam - Việt Nam next top model 2013", lên sóng từ đầu tháng 10 vừa qua đã đạt mốc 1 triệu lượt người xem sau 3 ngày phát sóng tập đầu tiên), nhưng "Thử thách cùng bước nhảy" lại chiếm được tình cảm yêu mến của nhiều khán giả, trong đó có khán giả trẻ. Không nhiều  những lời phê bình, những tiếng nói phản biện trên báo chí về cuộc thi. Các từ ngữ hoa mỹ, những lời khen tặng kiểu "bùng nổ cảm xúc", "mãn nhãn", "lột xác"… liên tục được khán giả dành tặng cho các thí sinh sau mỗi đêm thi.

Đánh giá một cách khách quan thì "Thử thách cùng bước nhảy" đã làm tốt vai trò cầu nối đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Mới lên sóng mùa thứ hai nhưng chương trình đã cho thấy sự hấp dẫn, gần gũi, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và trên hết là tình yêu nghề của các vũ công. Quảng bá nghệ thuật múa, câu chuyện dường như rất xưa cũ nhưng hiện lại là mảng yếu nhất của nền nghệ thuật múa nước nhà. Trong tiềm thức của nhiều người, nghệ thuật múa là cái gì đó trừu tượng, vừa hàn lâm (kiểu múa ballet cổ điển), vừa dân dã (kiểu hip hop) hay quan niệm "múa may quay cuồng".

Những câu chuyện về đam mê, sự dấn thân, sự hy sinh của những diễn viên múa chưa bao giờ được tiết lộ. Nhiều người khi xem "Thử thách cùng bước nhảy" đã khóc. Ngay cả ban giám khảo, MC cũng nhiều lần khóc trên sân khấu. Đó là những giọt nước mắt của sự ngưỡng mộ, sự sẻ chia rất đáng trân trọng. Sự yêu mến nghệ thuật múa chắc chắn cũng sẽ bắt đầu từ sự đồng điệu, sự cảm thông như thế. "Thử thách cùng bước nhảy" không đơn thuần là một sân chơi tìm kiếm vũ công tài năng mà nó còn là sự tôn vinh múa, là ngọn gió thổi bùng lên niềm đam mê nghệ thuật múa đang tiềm ẩn đâu đó trong mỗi người.

Một buổi tập của các thí sinh top 16 tham gia chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" - 2013.

20 thí sinh lọt vào vòng chung kết của cuộc thi năm nay được đánh giá là tài năng và đồng đều, thậm chí có phần nổi trội hơn so với thí sinh mùa giải trước. Điều đáng quan tâm là, nhiều thí sinh là diễn viên nghiệp dư, chưa từng được đào tạo về múa lại có thể xuất thần trong những tác phẩm múa khó và đòi hỏi diễn xuất nội tâm.

Theo dõi cuộc thi từ vòng đầu, đặc biệt là những liveshow được truyền hình trực tiếp vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, tôi nhận thấy, dàn thí sinh năm nay trẻ, tài năng nhưng tài năng của họ đang bị phụ thuộc khá nhiều vào đội ngũ biên đạo. Điều này dường như là một nghịch lý với cuộc thi tìm kiếm tài năng biểu diễn múa. Với tài năng trong lĩnh vực biểu diễn, điều quan trọng nhất là kỹ thuật, cảm xúc và khả năng truyền tải thành công ý tưởng của biên đạo. Dễ dàng nhận thấy rằng, thí sinh "gặp" các biên đạo tài năng, có sức hút và tầm ảnh hưởng sẽ nhận được sự ủng hộ của công chúng hơn hẳn các thí sinh khác. Biểu diễn những tác phẩm hay thì thí sinh cũng được "thơm lây". Thế mới xảy ra câu chuyện không biết nên vui hay nên buồn về bài biểu diễn của cặp đôi Minh Tú - Đình Hải với phần biên đạo của Ngọc Quang trên nền nhạc Eres Todo Enmi (Tây Ban Nha) trong đêm biểu diễn liveshow 1. Bài biểu diễn khá ấn tượng, táo bạo, tạo hình đẹp, giàu cảm xúc của cặp đôi được mệnh danh là "cặp đôi giằng xé" đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả và họ dễ dàng giành vé đi tiếp vào vòng trong. Tuy nhiên, điều đáng nói là, ngay sau đó, bài nhảy bị "lật tẩy" chuyện "xào" ý tưởng từ bài thi của hai vũ công trong chương trình "So you think you can dance" phiên bản Ukraina. Mặc dù Ban Tổ chức cuộc thi đã lên tiếng về vụ việc, khẳng định việc sử dụng ý tưởng biên đạo từ các phiên bản quốc tế của "So you think you can dance" là hoàn toàn hợp lệ nhưng Minh Tú và Đình Hải vẫn bị cộng đồng mạng chỉ trích. Dẫn chứng vụ việc trên để thấy rằng, cạn kiệt ý tưởng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có múa đang trở thành vấn đề "nóng" của nền nghệ thuật Việt Nam và hiệu ứng tốt từ một tác phẩm có thể giúp thí sinh bộc lộ được tài năng của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là, không phải biên đạo nào cũng giỏi và nếu giỏi thì cũng ở nhiều cấp độ khác nhau.

Tôi luôn băn khoăn tự hỏi, những khán giả xem "Thử thách cùng bước nhảy" sẽ bình chọn cho thí sinh như thế nào, theo cảm tính, cảm xúc hay vì ngưỡng mộ những tài năng thực sự? Sở dĩ tôi đặt ra câu hỏi như vậy là vì dường như kết quả những đêm thi đều có phần "cảm tính". Những lời khen "ngút trời" của giám khảo dành cho biên đạo, những mỹ từ dành cho thí sinh và cả những giọt nước mắt ngắn dài vì rất nhiều lý do... đã khiến khán giả đôi khi "chẳng biết đâu mà lần". Hai trong ba cặp đôi rơi vào vòng không an toàn trong đêm công bố kết quả đầu tiên đã lần lượt bị loại.

Tôi rất thích cặp đôi Thùy Vân, Thế Chung, đặc biệt là Thế Chung, kỹ thuật tốt, điêu luyện và diễn rất có duyên nhưng liên tục rơi vào top "nguy hiểm". Nhiều thí sinh tham gia cuộc thi này đang là vũ công cho các ca sĩ nổi tiếng, vận động viên dance sport... Sẽ không công bằng nếu một ngày nào đó, các ca sĩ lên mạng xã hội và kêu gọi fan bình chọn cho vũ công của mình. Một điều nữa cũng cần phải nói là, hình như múa dân gian dân tộc không có "đất diễn" ở sân chơi này. Bài biểu diễn hiếm hoi "Lý ngựa ô" của Ngọc Tiên và Thái Sơn với thể loại dân gian đương đại ở liveshow 2 có lẽ thiếu hấp dẫn nhất trong những bài biểu diễn của đêm thi lại được biên đạo Tuyết Minh khen "một cách thái quá", kiểu như "nếu mà quảng bá tốt thì điệu phi ngựa của Việt Nam mình sẽ hơn điệu Gangnam Style rất nhiều"...

Phạm Mạnh Tường
.
.