Chung tay bảo vệ tương lai

Thứ Sáu, 11/06/2021, 08:34
Năm 2021, chủ đề Ngày Môi trường thế giới được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn là “Phục hồi hệ sinh thái” và chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học được Liên hợp quốc lựa chọn là “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên”.


Đây là những thông điệp nhằm khuyến khích mọi người quan tâm, có những hành động của riêng mình để bảo vệ tất cả các loài động, thực vật và bảo vệ các thế hệ tương lai.

Thiên nhiên, môi trường hiện nay đang bị chính con người chúng ta vì trục lợi mà bóc lột kiệt quệ, phá hủy nghiêm trọng, làm mất cân bằng sinh thái, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dẫn đến việc biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo đã đẩy mức độ phá hủy của thiên tai tăng lên đáng sợ.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Việt Nam hiện là một trong 10 nước chịu thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu mang lại trong thời gian vừa qua. Cũng chính từ việc khai thác hải sản quá mức và rác thải nhựa đang hủy hoại đại dương. Các hoạt động phá rừng, săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, khai thác lâm sản bừa bãi đã đe dọa sự tồn vong của nhiều loài… ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra ở các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ một vài điểm. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường tạo ra những điểm nóng về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thế giới đang kêu gọi chúng ta cùng chung tay bảo vệ nguồn nước, bảo tồn động vật hoang dã, ngăn chặn sự tuyệt chủng, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái, bảo vệ thiên nhiên. Nhưng, với nhiều người Việt Nam, vấn đề này nghe có vẻ quá vĩ mô, mang nhiều tính khoa học, tính nghiên cứu xa vời và dường như không liên quan đến cá nhân mình.

Làm thế nào để bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai trở thành vấn đề cấp bách phải xử lý ở Việt Nam. Để đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, lâu dài và bền vững, trong nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tuyên bố mạnh mẽ và quyết liệt “Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”.

Như vậy, muốn phát triển kinh tế gắn liền việc bảo vệ sinh thái, môi trường, chúng ta phải thay đổi ngay quan niệm về mô hình phát triển và tiếp nhận những giá trị đạo đức mới về bảo vệ thiên nhiên. Cần phải khôi phục các tập quán môi trường dân gian, kiến thức cổ truyền bản địa, các giá trị tinh thần và các tôn tạo về quan hệ với thiên nhiên. Đó là đưa giáo dục môi trường và nhận thức sinh thái từ cái nôi gia đình cho đến giáo dục nhà trường kể từ lớp mẫu giáo đến đại học và trong mọi sinh hoạt thường nhật của người dân, sẽ tạo sức lan tỏa cho cả cộng đồng.

Nhà nước đã ban hành rất nhiều quy định về bảo vệ môi trường tự nhiên. Đây vừa là nội dung, vừa là mục tiêu phát triển bền vững, nhưng mọi thứ chỉ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn khi ý thức của mỗi người thay đổi. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng và mỗi một hành động nhỏ như việc không sử dụng, tiêu thụ sản phẩm, các chế phẩm từ động vật hoang dã; sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, giảm dần việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế thải chất thải rắn, nước thải, chất thải ô nhiễm ra môi trường đất, nước, không khí; hạn chế sử dụng túi nilông, chai nhựa; thực hiện dọn dẹp đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, tích cực trồng cây xanh; không được vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi… sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường thiên nhiên.

Tương lai của loài người có mối liên quan không thể tách rời với thực vật, động vật và hệ sinh thái trên trái đất, vì đó là nguồn cung cấp thực phẩm, nước, không khí, thuốc men, vật liệu xây dựng và không kém phần quan trọng, đó là vẻ đẹp của thiên nhiên - một yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của mỗi chúng ta.

Có bao giờ bạn đã tự hỏi “mình đã làm gì để bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu chưa?”. Mình đã làm gì trong việc khai thác những món quà từ Mẹ Thiên Nhiên để đảm bảo sự phát triển bền vững. Cần phải tôn kính, quý trọng thiên nhiên, vì đó là điều đem lại lợi ích cho hiện tại và cho cả thế hệ con cháu mai sau. Con cháu chúng ta sẽ cảm ơn chúng ta về điều đó.

Cù Tất Dũng
.
.