Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay:

Chức năng giải trí lấn át

Thứ Tư, 26/11/2014, 08:00
Trước sự xuống cấp đáng báo động của đạo đức xã hội hiện nay, nền văn học nghệ thuật của nước nhà chỉ phản ánh bề mặt, chưa đi sâu vào nguyên nhân, bản chất vấn đề, chưa góp phần xây dựng đạo đức, nhân cách con người. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) chỉ rõ: "Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại"...

Có phải trong đời sống văn nghệ nước ta hiện nay, chức năng giải trí đang dần lấn át các chức năng cơ bản khác, trong đó có chức năng giáo dục? Phải chăng những người làm văn nghệ hiện nay lảng tránh việc phản ánh vấn đề đạo đức xã hội, làm giảm vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp trí tuệ, tâm hồn con người? Đó là băn khoăn chung của giới hoạt động, nghiên cứu văn nghệ cả nước thể hiện rõ trong 84 tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học "Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay". Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TP HCM, diễn ra trong hai ngày 11 và 12/11.

Trong các hoạt động tinh thần, văn học nghệ thuật có sức mạnh chinh phục, cảm hóa con người, nâng đỡ và nuôi dưỡng con người không gì thay thế được. Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Đinh Xuân Dũng khẳng định: "Từ ngàn năm nay trong văn học, nghệ thuật phương Đông chúng ta đã quen thuộc với một định đề xuyên suốt lịch sử: "văn dĩ tải đạo, văn dĩ minh đạo". Không thể có một kết luận khác rằng, lịch sử văn học nghệ thuật nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, trong tất cả ý nghĩa chân chính và cao cả của nó, đều trực tiếp hoặc gián tiếp tìm đến, phản ánh, phát hiện, cảnh báo, dự áo và bộc lộ khát vọng về đạo đức con người".

Thế nhưng, trước sự xuống cấp đáng báo động của đạo đức xã hội hiện nay, nền văn học nghệ thuật của nước nhà vẫn chỉ phản ánh bề mặt, chưa đi sâu vào nguyên nhân, bản chất vấn đề, chưa góp phần xây dựng đạo đức, nhân cách con người. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) chỉ rõ: "Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng  và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại".

Quang cảnh hội thảo "Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay".

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều băn khoăn, lo lắng khi nền văn học nghệ thuật dần bỏ ngỏ chức năng giáo dục, thẩm mỹ… thay vào đó là những chiêu trò giật gân câu khách, đưa chức năng giải trí lên ngôi. Thậm chí, chính các tác phẩm ấy là tác nhân tiếp tay cho lối sống buông thả, xuống cấp đạo đức. Năm qua, hẳn nhiều người còn nhớ rất nhiều vụ xử phạt các bài hát nhảm nhí, có ngôn từ rác rưởi, tục tĩu. Chưa kể, đạo đức của người sáng tạo gây bức xúc dư luận như ca sĩ ăn mặc hở hang, đạo nhạc trắng trợn, gây scandal… PGS, TS Văn Minh Hương cho rằng vì chức năng giải trí, chương trình truyền hình thực tế đã đẩy yếu tố "thực tế" lấn át yếu tố tài năng. Họ cố gắng tìm kiếm nước mắt của khán giả thông qua việc khai thác sâu hoặc bóp méo đời tư của thí sinh, gây scandal bằng những tranh luận gay gắt giữa giám khảo, thí sinh, MC… Ngoài ra, chương trình không ngại ngần lạm dụng yếu tố trẻ em với chiêu trò tương tự.

Những năm gần đây, hàng loạt các bộ phim tâm lý xã hội liên tục ra rạp. Hầu hết các phim đều nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề nóng của xã hội. "Lấy chồng người ta" là nỗi bất hạnh của người vợ trong hành trình tìm kiếm đứa con khi chồng vô sinh; "Mất xác" và "Scandal 2 - Hào quang trở lại" đều lấy cảm hứng từ vụ án xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường; "Hương Ga" khai thác bi kịch của một cô gái hiền lành bị số phận đẩy đưa thành một nữ giang hồ khét tiếng… Thế nhưng theo bà Nguyễn Thị Kim, Tổng biên tập tạp chí Kiến thức ngày nay: "Ở góc nhìn tiếp nhận nghệ thuật và góc nhìn phân tích từ khán giả, dễ nhận thấy: làm phim về sự suy đồi đạo đức, sự xuống cấp của đạo đức trong xã hội, vấn đề bạo lực có thể dễ "ăn khách", các nhà làm phim dễ thu hồi đồng vốn. Do đó những yếu tố giáo dục đạo đức, yếu tố giáo dục thẩm mỹ sẽ không phải là trọng tâm, để mang thông điệp hữu ích cần thiết đến công chúng. Sự thiếu vắng hoặc mờ nhạt nhân vật tích cực trong điện ảnh cũng là điều dễ hiểu. Đạo đức xã hội, đạo đức con người, góc khuất, nội tâm con người sẽ không được ưu tiên bằng những pha hành động đánh đấm, bạo lực".

Tương tự như điện ảnh, do đề cao giải trí, sân khấu và văn học đều thiếu những nhân vật tích cực điển hình, các nhân vật mang hình mẫu của thời đại, có ý nghĩa động viên, khuyến khích xã hội phấn đấu theo những điều tốt đẹp, hướng tới lý tưởng xã hội…. Với đặc thù đẩy mạnh yếu tố kịch tính, mâu thuẫn, các vở chính kịch khai thác nạn suy thoái đạo đức thường quá chú tâm bôi đen, phê phán gay gắt cái xấu mà gần như thờ ơ với cái tốt. Trong khi đó, đa số các sân khấu xã hội hóa phía Nam lại khai thác kịch ma, kịch giới tính, kịch hài… với nội dung giật gân nhằm bán được vé. NSƯT Trần Minh Ngọc không khỏi ngậm ngùi: "Sự né tránh, xa lánh các vấn đề thiết thực của đời sống đang là những trăn trở của nhiều người tâm huyết với sự tồn tại của sân khấu. Vài năm gần đây đã có những vở chất lượng được dàn dựng, cảnh báo về sự tha hóa đạo đức như: "Đường đua trong bóng tối", "Lâu đài cát", "Những mặt người thấp thoáng"…. Rất tiếc là những tác phẩm viết về đề tài này chưa nhiều".

Theo đề tài nghiên cứu "Sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học hiện nay" do Viện Văn học thực hiện năm 2013, tỉ lệ công chúng chọn đọc sách văn học vì chức năng giải trí chiếm tỷ lệ cao nhất (26,6 %). Đại biểu Võ Thị Thu Hà nhấn mạnh đến sự lu mờ trong chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ của văn học: "Nhìn từ góc độ sáng tác văn học và thực tế đời sống hiện nay cho thấy: nạn bạo hành trẻ em, giết người dã man được các phương tiện báo chí đưa tin dồn dập, giật tít, câu like thì một số sáng tác văn học lại một mình một chiến tuyến. Văn học thờ ơ, lãnh đạm với các vấn đề thời cuộc, khi chỉ tập trung vào vấn đề tâm linh, tình dục, trinh thám… mang yếu tố giải trí, thư giãn, gợi sự tò mò cho công chúng. Nhà văn thu mình vào thế giới riêng với nghệ thuật sáng tạo, đổi mới tư duy, ngôn từ, cốt truyện, nhân vật… để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận độc giả. Thậm chí, việc sử dụng ngôn ngữ "giật tít" đặt tên tác phẩm như "Gạ tình lấy điểm", "Hễ sướng thì hét lên", "Lỡ tay chạm ngực con gái", "Nắm tay và làm tình"… là tín hiệu đổi mới đáp ứng tính hiếu kỳ, chuộng lạ ở công chúng". Do đó không lạ khi các tác phẩm được xem là bán chạy nhất (best seller) chỉ nổi đình nổi đám một thời gian rồi cùng phận chết yểu.

Nhiều đại biểu trong hội thảo cho rằng, đây là kết quả tất yếu của mặt trái nền kinh tế thị trường. Sức mạnh của đồng tiền khiến người làm văn hóa nghệ thuật phải chạy theo thị hiếu tầm thường của công chúng bằng đủ chiêu trò. Kinh tế thị trường cũng kéo theo lối sống thích hưởng thụ, bắt chước, chạy theo cái mới lai căng của giới trẻ. Thị hiếu của công chúng không cao do thiếu trình độ, khả năng cảm thụ. Do đó, việc đào tạo, giáo dục nhận thức, đạo đức cho công chúng, tạo ra nguồn công chúng đích thực cho văn học nghệ thuật ngay từ cấp tiểu học là điều cấp thiết.

Vai trò của những nhà hoạch định chính sách cũng không thể bỏ qua. Đạo diễn Đặng Nhật Minh gay gắt: "Luật điện ảnh đánh đồng tất cả các phim nội và ngoại, phim hài, kinh dị, chiến tranh… đều chịu thuế doanh thu như nhau. Không có sự khuyến khích ưu tiên cho một loại phim nào, không có sự phân biệt để hạn chế bớt loại phim nào. Khi đồng tiền chi phối thì kết quả chắc chắn sẽ cho ra những sản phẩm không làm ai rung động, quan tâm. Thực trạng này sẽ còn kéo dài. Bởi vì nó không phải bột phát mà là hệ quả của cả quá trình và có hành lang pháp lý làm chỗ dựa".

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, các biện pháp chế tài cần được siết mạnh, không tạo kẽ hở để những tác phẩm phục vụ thị hiếu tầm thường lên ngôi. Luật Điện ảnh cần sửa đổi lại để phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh việc nên đưa quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa văn nghệ vào các chương trình đào tạo thì công tác lý luận phê bình cũng cần được đẩy mạnh, sâu sát thực tiễn đời sống và đến gần công chúng.

Ngoài những giải pháp căn cơ trên, các đại biểu đồng tình rằng: Để vực dậy nền văn học nghệ thuật nước nhà, người làm văn học, nghệ thuật phải biết tự trọng, không dễ dãi chạy theo đám đông, lấy lợi nhuận đánh đồng với nghệ thuật. Với vai trò là người sáng tạo, đồng thời là một nhà tư tưởng, nhà đạo đức, họ phải  luôn nỗ lực sáng tạo, ý thức xây dựng những tác phẩm mang nội dung tư tưởng và nghệ thuật xứng tầm, phản ánh và khơi gợi những giá trị cao đẹp trong tâm hồn con người

Mai Quỳnh
.
.