Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2013)

Chữ "Tâm" trong nghề báo

Thứ Hai, 24/06/2013, 08:00
Nhắc tới cụm từ "báo chí" là nhắc tới các loại hình báo viết, báo nói, báo hình nên suy cho cùng, cái tâm của nhà báo được thể hiện trước hết là trên phương diện sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh...

Đối chiếu với cách tác nghiệp của các nhà báo hiện nay với cánh nhà báo của mấy mươi năm trước, nhất là ở thời bao cấp, ta dễ dàng nhận thấy ngôn ngữ phản ảnh của các nhà báo hiện nay đã phát triển lên một tầng nấc mới, uyển chuyển và sinh động hơn nhiều. Việc sử dụng hình ảnh để minh họa cho bài viết cũng phong phú và ấn tượng gấp bội. Tuy nhiên, như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động báo chí của ta hiện nay gần như cũng đang rơi vào tình trạng "quá tải". Nghĩa là thông tin nhanh, nhiều nhưng độ chính xác chưa cao. Cách đưa tin, phản ảnh đây đó còn thể hiện ở tác giả một góc nhìn phiến diện, thiếu nhân văn. Đặc biệt, đã có lúc, có nơi, nhà báo không những chưa trở thành "người bạn tin cậy", đồng hành và chia sẻ với niềm vui, nỗi buồn của những con người "thấp cổ bé họng" mà còn trở thành sự phiền nhiễu, thành "nỗi ám ảnh đáng sợ" đối với họ. Lý do có thể nhiều (do trình độ năng lực thấp, do muốn giật gân câu khách, do vụ lợi cá nhân) nhưng về cơ bản là do người làm báo chưa thực sự coi trọng chữ "Tâm". 

Các nhà báo đang tác nghiệp. Ảnh: Viết Thành.

Trước tiên xin nói về cách đưa tin, giật tít đối với các vụ tai nạn (mà phần nhiều là tai nạn giao thông) rất đỗi thương tâm xảy ra trong mấy năm vừa qua. Chúng ta đều biết, với mỗi vụ tai nạn, nỗi đau không chỉ xảy đến tức thời với các nạn nhân mà nó còn dai dẳng nhiều năm sau đối với thân nhân của họ. Vậy thử hỏi, với những cách giật tít thế này: "Va chạm giao thông, một phụ nữ bị xe ôtô cán nát đầu" (về vụ một phụ nữ điều khiển xe máy va quệt với xe khách trên đường Trần Phú, Tp Nha Trang sáng 12/5/2013); "Nổ bình bơm hơi, xác cháu bé xé thành nhiều mảnh" (về vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại tiệm bơm vá ôtô nằm bên đường dẫn vào đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sáng 6/6/2013); "Một nam thanh niên bị nghiền nát dưới gầm xe phun bê tông" (về vụ tai nạn xảy ra giữa một nam thanh niên đi xe gắn máy với một xe phun bê tông vào trưa 15/5/2011 trên đường Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm, Hà Nội); "Nam công nhân đầu bị gãy gập vì máy múc" (về vụ một công nhân bị máy múc nặng hàng tạ múc vào đầu, dẫn đến tử vong sáng 25/5/2012 tại công trình đập tràn ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, Thanh Hóa), liệu các gia đình nạn nhân có thể tìm thấy một sự chia sẻ nào từ phía nhà báo qua những dòng thông tin lạnh lùng, vô cảm nói trên? 

Nếu như trong ngành Công an có việc, trong một số trường hợp cần thiết, những người thu thập thông tin phải có trách nhiệm không được tiết lộ danh tính người cung cấp thông tin, thì trong làng báo, ở một số trường hợp, các nhà báo cũng phải có cách hành xử tương tự. Không thể phủ nhận hiện nay đang xảy ra tình trạng: Có những phóng viên khi đi lấy tài liệu ở địa phương, sau khi gợi chuyện để có được phút "trải lòng" của người mình cần khai thác, đến khi viết bài đã tương tất tật lời tâm sự của nhân vật kèm tên tuổi, địa chỉ thật của họ lên mặt báo. Như vậy là "được việc mình", báo in ra, số phận các nhân vật nói trên ở dưới cơ sở như thế nào, việc họ phải lãnh đòn trù úm của lãnh đạo trực tiếp của mình ra sao, người viết bài… quên luôn (hoặc giả họ không cần quan tâm đến!). Về lý, có thể có tác giả sẽ bao biện rằng, phải đưa những lời nói "gan ruột" của nhân vật trong lúc rủ rỉ tâm sự chỉ vài ba người với nhau như thế, và phải đưa tên thật và địa chỉ thật của họ đi kèm thì thông tin mới có sức "bám". Về lý thì như thế, song về tình thì lại không ổn (và đó cũng chính là lý do khiến không ít cán bộ địa phương ngày càng không mấy "mặn mà" khi tiếp xúc với nhà báo). Hãy lấy ví dụ, chẳng hạn, một cán bộ huyện nọ, khi được nhà báo hỏi chuyện, đã thật thà tâm sự rằng, "ở chỗ chúng em trần thấp lắm, không như các bác ở trên trung ương, cho nên tụi em có phát ngôn gì thì cũng phải thông qua các ông lãnh đạo huyện thôi". Họ nói vậy là rất thực lòng, và có tin nhà báo thì mới giãi bày, vậy mà đưa nguyên câu nói như vậy cùng tên tuổi, địa chỉ của họ lên báo thì ngang bằng… "giết" người ta. Đừng lý do lý trấu là anh đã nói thì anh phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình. Chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể của từng nhân vật để có cách viết phù hợp. Nói "làm báo cần có tâm" nghe có vẻ to tát, lên gân, thật ra, có tâm - theo quan niệm của tôi chỉ đơn giản là: Khi viết anh phải suy xét mọi điều cho thật thấu đáo, đặc biệt không được quên sự ảnh hưởng của nó tới những người liên quan. Thậm chí, có những sự việc, dù thật đến mấy nhưng vô tình lại gây bất lợi cho những con người hiền lành, vô tội khác thì cũng phải tính toán xem có nên đưa không, hoặc nếu đưa thì đưa như thế nào. Bởi nghĩ cho cùng, cuộc đời có nhiều thứ còn lớn, còn ý nghĩa hơn nhiều chuyện văn chương chữ nghĩa

Nguyễn Trường Văn
.
.