Chống tham nhũng tới cùng

Thứ Năm, 08/07/2021, 15:48
Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tuy còn rất gian nan nhưng đã thu được những thành quả rất quan trọng, đã mang lại sự tin tưởng của Nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra ngày càng nhiều vụ tham nhũng gây chấn động cả nước với số tiền tham ô, tham nhũng lên tới cả nghìn tỷ đồng, kết quả chỉ là những kẻ tham nhũng bị bắt đi tù rồi đợi ngày ra tù, còn tài sản của Nhà nước, của Nhân dân bị thất thoát thu hồi lại được không nhiều.

Thực tế cho thấy, không ai tham nhũng tiền tấn mà dại dột đứng tên mình. Họ tìm mọi cách để xử lý khối tài sản tham nhũng bằng cách cho người thân trong gia đình đứng tên và nhiều cách khác. Khi kê khai tài sản, họ chỉ kê khai tài sản của mình đứng tên, thế là cơ quan có trách nhiệm căn cứ vào đó để xác minh và “OK”.

Việc kê khai tài sản trong một số cán bộ vẫn còn hình thức, chưa trung thực.

Khi bị bắt, bị tuyên án, bắt bồi thường hàng trăm tỷ đồng, nhưng bị án không có tiền thì cũng đành bó tay. Những kẻ tham nhũng luôn nghĩ rằng, đằng nào cũng đi tù rồi, dại gì nộp lại tiền, thà để cho vợ, con hưởng… chấp nhận “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Từ chuyện này mới thấy kẽ hở của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Hàng năm, cả triệu người buộc phải kê khai tài sản, thu nhập, nhưng chỉ có vài trường hợp  được xác định “không trung thực”. Đến khi người kê khai “trung thực” bị phát hiện tham nhũng lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, thì tài sản đứng tên của họ chỉ có căn hộ, chiếc ôtô cũ trị giá vài tỷ đồng, ngoài ra chẳng có gì đáng giá. Vậy lấy gì để thi hành án? 

Hỏi ra thì họ nói tài sản của tôi đã kê khai, chỉ có chừng đó thôi và đã được xác minh là trung thực. Trong khi con cái họ mới 25 – 30 tuổi lấy đâu ra tiền mua biệt thự, xe sang, hàng năm du lịch hết nước này đến nước khác?  Bố, mẹ già 70 - 80 tuổi xuất thân từ công nhân, nông dân mà lại sẵn tiền để góp vốn đầu tư vào các tập đoàn, doanh nghiệp?

Thực tế cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta chưa thực sự quan tâm tới việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thu hồi tài sản tham nhũng thường chỉ được coi như phần đi kèm với bản án đã có hiệu lực pháp luật để giải quyết hậu quả, là khâu cuối cùng của quá trình đấu tranh chống tội phạm. 

Chính vì không quan tâm, chú trọng tới việc thu hồi tài sản tham nhũng mà phần lớn các vụ việc, vụ án không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản vì đã bị các đối tượng tham nhũng tiêu sài hoang phí hoặc tẩu tán, chuyển hóa dưới nhiều hình thức khác nhau.

Điều này cho thấy sự thiếu thống nhất, thiếu liên thông trong hệ thống pháp luật, mà việc thiếu vắng những quy định đủ mạnh trong quản lý, đăng ký tài sản hay xử lý tài sản không rõ nguồn gốc cũng khiến khả năng truy thu tài sản bất minh của người phạm tội rất khó khăn. Bên cạnh đó là các quy định về tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, hạn chế giao dịch… khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm còn thiếu và còn nhiều bất cập.

Mục đích mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong cuộc chiến chống tham nhũng là phải xử lý nghiêm kẻ tham nhũng, đồng thời phải thu hồi tối đa tài sản tham nhũng để trả lại nguồn lực cho đất nước phát triển. Bắt được kẻ tham nhũng rồi, nhưng không thu được tài sản coi như cuộc chiến chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ngày 02-6-2021, Ban Bí Thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Theo đó, một số yêu cầu mang tính đột phá là phải xây dựng cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài.

Số lượng tiền, tài sản bị tham ô, bị chiếm đoạt ngày càng lớn dẫn đến các dự án đầu tư của quốc gia, các hoạt động kinh tế của nhiều địa phương, doanh nghiệp không hiệu quả, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới uy tín, tới môi trường đầu tư, kinh doanh mà khó có thể khắc phục nổi.

Chỉ thị 04-CT/TW rất trúng và rất đúng, phù hợp với yêu cầu thực tế, chú trọng vào khâu thu hồi tài sản tham nhũng. Dĩ nhiên điều này chỉ có thể thành hiện thực khi những người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng phải thực sự quyết tâm chống tham nhũng tới cùng, phải trong sạch, ghét tham nhũng như “Nhà nông ghét cỏ dại”. Còn nếu không thì đâu vẫn hoàn đấy mà thôi.

Cù Tất Dũng
.
.