Chơi ghế - tinh hoa nghệ thuật xưa

Thứ Tư, 23/12/2015, 08:00
Gỗ có một sức cuốn hút kỳ lạ với bất kỳ ai. Đồ gỗ được chế tác từ những bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân Việt Nam thời xa xưa lại càng có giá trị. Giá trị ở trầm tích gỗ, ở tinh hoa nghệ thuật xưa, và ở mỗi một món đồ đều có một đời sống riêng, một câu chuyện riêng, một số phận riêng qua thăng trầm của thời gian càng kết tinh những vẻ đẹp bí ẩn và huyền ảo.

Chơi đồ gỗ xưa cũng lắm công phu, không có tiền thì không mua được đồ nhưng có tiền mà không hiểu biết thì sẽ biến nhà mình thành cái kho. Cho nên trong chơi đồ gỗ xưa thì có tiền và có kiến thức đều quan trọng. Chả thế mà chơi cũng là một nghề. Không cứ là chơi, phát triển hài hoà được kinh tế và văn hoá là chuyện khó không chỉ trong chuyện chơi.

Lại còn một việc nữa là duyên. Có duyên thì mới gặp. Quý vật tìm quý nhân là thế. Mà duyên thì trời cho, có ai kiếm được duyên bao giờ. Tuy nhiên ai cũng hiểu duyên nợ thực ra là một.

Trong muôn vàn thú chơi ở đời thì chơi đồ gỗ xưa lại còn có một cái khó riêng, đó là nhà cửa (nhà và cửa) phải rộng, cầu thang rộng. Chẳng bù cho những người không vướng vào nghiệp chơi đồ gỗ, giả sử chơi huy hiệu, chơi bút thì cần gì nhà rộng. Quán Huế ở Sài Gòn trước đây rộng thênh thang, nay thực khách vừa đi vừa phải lách, xiêu vẹo cả người như đang làm xiếc vì ông bà chủ dạo này sưu tầm được nhiều bàn ghế, giường tủ đẹp tuy đã cơi nới thêm phần sân thượng làm showroom mà vẫn còn thiếu chỗ bày.

Nói chơi chơi vậy chứ ngay cả tôi, đã có lúc mua được nhiều đồ mà chưa kịp sắp xếp nên phải ngủ cả trên ghế, ăn trên sập gụ, ngồi chơi ở... dưới gầm bàn. Toàn đồ đẹp, sang thì sang nhưng cũng mệt.

Đặc điểm của chơi đồ gỗ xưa là món đồ mình chọn mua phải đẹp. Cổ mà không đẹp để làm gì? Chỉ cái đẹp mới an ủi được người ta thôi. Nếu nệ cổ thì xúc một ít đá làm đường về bày là tiện hơn cả. Không phải hễ là đồ cổ thì đẹp. Chân dung văn hóa của người chơi lộ hết ra ở bộ sưu tập của họ.

Thứ hai là chất lượng của món đồ phải còn tốt chứ chắp vá quá, ọp ẹp quá, răng bà lão quá thì cũng đừng tham rẻ, mua về thêm bực mình. Tôi đã từng mua phải cái ghế kiểu Louis, chân cẳng hươu nhưng mặt ghế bị mục, tụi buôn đã gắn keo mà không biết, mang về, hí hửng pha một ấm trà ngồi thử để thưởng thức, bị ngã sưng vêu cả trán, may mà nhà đi vắng hết không thì ngượng chết.

Thứ ba là chất lượng gỗ,  tốt gỗ cũng cần như tốt nước sơn, gỗ đẹp làm đồ cũng đẹp lây. Đinh, lim, sến, táu thì bền chắc nhưng không  đẹp. Lát chun, gõ, giáng hương, hoàng hoa lý, trắc, lúp dễ đẹp hơn. Dễ đẹp chứ không hẳn là sẽ đẹp hơn, không cứ gỗ đắt thì sẽ đẹp. Gỗ nào đi với kiểu dáng nào mới là cốt yếu. Ví dụ một cái ghế kiểu Ming nan thì cách thức nan chấn song không hợp với gỗ sưa có nhiều vân, chỉ gỗ gụ trơn là đẹp nhất. Một cỗ phản 2 tấm (kích thước chuẩn dầy 10cm, rộng 80cm, dài 2,1m) kê ở gian giữa của ngôi nhà làm theo lối cổ truyền Bắc Bộ ba gian hai chái thì thích hợp nhất là gỗ xoan hoặc gỗ dâu, vì gỗ lim thì tốt, đắt tiền nhưng nằm đau lưng.

Tuy nhiên gì thì gì, đã chơi đồ gỗ thì tối thượng phải biết chọn món đồ mà kỹ thuật mộc tinh xảo, kỹ lưỡng, đường lượn phải nuột nà, mặt gỗ phải nhẵn kể cả đáy, cả hậu, chạm trổ phải tinh tế, hoa văn phải đẹp.

Ngoài ba điều nêu trên, họa hoằn kiếm được một món nào mà biết rõ lai lịch của nó thì kể cũng thú. Năm ngoái, nhân chuyến du lịch về Hải Hậu, Nam Định, tôi tạt vào một quán café giải khát - karaoke ven đường, không phải vì khát mà vì liếc trộm thấy cô chủ quán ngồi trên một cái ghế hơi lạ kiểu. Vờ vịt, gạ gẫm một hồi (uống nước ăn quà là phụ) cô ấy đồng ý bán cho tôi cái ghế. Cô ta kể: đây là cái ghế để cha xứ ngồi nghe xưng tội của nhà thờ N.T. Các cha thải ra đóng cái mới vì nó đã quá cũ, bị mọt ăn rỗng một chân, vả lại tiếng mọt kêu to quá làm phân tâm người xưng tội. Tôi mang về, thay chân mới, bôi véc ny lại vài chỗ cho nổi rõ hoạ tiết ở phần lưng ghế đã mòn vừa để bày mà thỉnh thoảng hứng chí ngồi cũng được. Cái ghế đó không chỉ đẹp bề ngoài  mà bản thân nó cũng là một câu chuyện đẹp. Nó cũng "nghe" được theo một cách nào đó biết bao câu chuyện, bao phận đời, bao ăn năn, bao tội lỗi, bao nước mắt.

"Đồ gỗ xưa" cho người xem thấy được bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công truyền thống trong các nghề mộc, điêu khắc, nghề chạm khảm, nghề sơn ta, sơn mài, sơn quang dầu. "Đồ gỗ xưa" cũng cho thấy một phần của các nghề trang trí, thiết kế, mỹ thuật. Và trên hết, qua "Đồ gỗ xưa", chúng ta thấy được văn hóa. Cùng với các nghề thủ công khác, nghề thiết kế đồ gỗ là di sản quý giá của cha ông để lại.

"Đồ gỗ xưa" là một triển lãm trưng bày khoảng 30 món đồ gỗ gia dụng của Việt Nam, niên đại thế kỷ XIX cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Đó là những món đồ được chọn ra trong bộ sưu tập của Gallery 39 với đủ các loại từ bàn ghế, giường tủ, hoành phi, câu đối…. Triển lãm diễn ra ngày 19-12-2015 - 31-12-2015 tại Hàng Da Galleria, Trung tâm Thương mại Hàng Da, phường Cửa Đông, Hà Nội. Một lần nữa, Gallery 39 lại mở ra một không gian nghệ thuật mới để cho những người yêu nghệ thuật, những ai sâu nặng với văn hóa cổ truyền Việt Nam có thể đến, chiêm ngưỡng và chạm vào những vẻ đẹp kỳ diệu qua trầm tích gỗ, từ những bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa. 

12.2015

Lê Thiết Cương
.
.