Từ hiện tượng "ca sĩ" Lệ Rơi:

Chiếc hộp Pandora và những cái bẫy

Thứ Hai, 28/07/2014, 08:00
Chiếc bẫy đầu tiên là của đám đông. Khi "người nào đó" của chàng nông dân trồng ổi Nguyễn Đức Hậu (tên thật của Lệ Rơi) tung những clip ca nhạc "hát như đấm vào tai" của anh chàng lên Youtube thì đám đông tò mò vào xem. Họ suýt ngất khi không ngờ độ "dũng cảm" và hồn nhiên của anh chàng khi phô giọng hát "Chai-en" giữa bàn dân thiên hạ...

Có người xem Lệ Rơi nhắm mắt nhắm mũi rống thật to, nhạc đi đằng nhạc, lời đi đằng lời, lại phát âm lẫn lộn chữ "l" sang chữ "n" đã ôm bụng cười đến nỗi "xoắn cả ruột". Họ thấy anh chàng này thuộc "ca" lạ quá, xúm vào khen lấy khen để coi thử độ ảo tưởng của anh chàng tới đâu. Khen đểu, ai ngờ Lệ Rơi tưởng thật. Không phải Lệ Rơi tưởng mình hát hay đâu bởi anh đã từng nói: "Lệ Rơi biết mình hát dở, Lệ Rơi chỉ hát để đem niềm vui tới mọi người". Và niềm vui đó là có thật. Người ta cười lăn lộn còn gì. Và Lệ Rơi biết mình làm cho người ta vui nên nhận được lời khen của họ, anh coi đó là sự chân thành. Vậy là cả xóm nhào vô tung hô Lệ Rơi là ca sĩ, lập "Hội những người phát cuồng vì Lệ Rơi", năn nỉ Lệ Rơi tiếp tục làm clip cho họ "thưởng thức". Tóm lại "khen cho nó chết", "khen cho nó tiếp tục làm hề cho mình xem". Một cái bẫy êm ái được đám đông gài sẵn bằng những lời ướp mật. Lệ Rơi không hề biết cái bẫy đó nên hễ bắt đầu quay một clip mới là anh lại thật thà: "Các bạn đã có lòng thì mình có dạ. Tình nghĩa là 10 thôi".

Cũng có người yêu vẻ chân chất, mộc mạc và cất tiếng hát cho đời thêm vui sau một ngày lao động mệt nhọc của Lệ Rơi. Và họ cũng khen anh ở khía cạnh này. Đây là lời khen thật. Nhưng vô hình trung, nó cũng trở thành ngọn chông sắc lẻm trong cái bẫy mà đám "khen cho chết" bày ra. Và Lệ Rơi sập bẫy một cách ngọt ngào. Anh hăng say hát. Chỉ trong vòng một tháng, Lệ Rơi đã tung ra gần 150 clip. Các clip đầu tư cực kỳ đơn giản bằng máy tự quay, trang phục của "ca sĩ" là áo thun, áo sơ mi xộc xệch, thậm chí là ở trần. Đám đông được một phen hả hê, sung sướng vì mình đã dựng được vố lừa quá ngoạn mục như vậy.

Báo mạng nhảy vào. Họ không thể bỏ qua "hiện tượng đám đông" quá béo bở này. Vậy là cái bẫy tiếp theo của truyền thông ra đời. Họ tán tụng Lệ Rơi, xem Lệ Rơi như người nổi tiếng để về tận vườn ổi của anh mà cày xới chuyện đời tư, chuyện ngày bé, chuyện trồng ổi, chuyện bị chửi… Chiến lợi phẩm mà cái bẫy của truyền thông giăng ra là những bài báo nóng sốt, với lượng người truy cập nhiều đến chóng mặt. Đến bây giờ thì công chúng mới ngơ ngác, chẳng hiểu nổi trò vui của mình bỗng chốc bị lên báo, tung hô một cách chính thống, đàng hoàng. Có người thì khoái tợn vì không ngờ trò lừa này lại lôi cả truyền thông vào. Cho nên mới nảy ra hai luồng cãi vã chan chát. Họ không biết rằng chính mình bắt đầu mắc bẫy của truyền thông. Chuyện họ "ném đá" nhau kịch liệt càng khiến những bài viết về Lệ Rơi trên báo mạng tăng view (lượt xem). Những người bàng quan trước hiện tượng nhảm nhí này bỗng tò mò vào xem vì lướt trang mạng nào cũng toàn thấy Lệ Rơi với Rơi Lệ. Xem xong, họ lại trở thành thành viên của một trong hai phe. Cứ thế mà báo mạng thu bộn tiền từ công chúng và Lệ Rơi.

Chiếc hộp Pandora mang tên Internet đang làm khuynh đảo nhiều giá trị. Trong ảnh: Những clip tục tĩu, nhảm nhí trên mạng đang đầu độc giới trẻ.

Báo mạng ầm ĩ, thiên hạ ì xèo, chẳng lẽ những tay có máu đầu cơ, thức thời lại không tận dụng cơ hội. Bởi giờ cứ nhắc đến Lệ Rơi là hot. Vậy là một tờ báo chẳng mấy người biết đến mời Lệ Rơi làm nhân vật giao lưu trực tuyến. Một hãng karaoke tài trợ hẳn cho Lệ Rơi một dàn máy xịn. Rồi họ mời Lệ Rơi vào phòng thu ghi âm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại, làm đĩa. Một quán bar chính thức mời Lệ Rơi về hát với giá cát xê tương đương ca sĩ chuyên nghiệp. Một đoàn phim mời Lệ Rơi làm diễn viên… Cái bẫy thứ ba là đây, và hai nhân vật bị sập bẫy lần này cũng chính là Lệ Rơi và công chúng. Lệ Rơi được xem như một công cụ để kiếm lời. Còn người bỏ tiền túi cho nhạc chuông, nhạc chờ, bỏ tiền mua đĩa và đi nghe Lệ Rơi hát ở quán bar, xem Lệ Rơi diễn có ai khác ngoài công chúng?

Đến lúc này, cái bẫy thứ tư xuất hiện song song với cái bẫy thứ ba. Đó là cái bẫy của chính ê kip Lệ Rơi. Nhận thấy sự làm lố của truyền thông và sự chèo kéo của những tay đầu cơ, những người đứng sau Lệ Rơi bắt đầu hiểu rằng, chuyện ca hát của Lệ Rơi không còn là trò vui đơn thuần nữa mà đã là trò hái ra tiền. Những phi vụ giao lưu trực tuyến, hát bar, đóng phim… ắt hẳn không chỉ mình Lệ Rơi ôm đồm, giao dịch hết được. Những người từng quay clip cho Lệ Rơi bây giờ đã có sự điều phối, những chiêu trò và phát ngôn của chàng nông dân này một cách chặt chẽ hơn.

Một nguồn tin tiết lộ Lệ Rơi có hẳn một ông bầu để tổ chức các show diễn của mình. Từ đây, chàng nông dân chân chất bắt đầu làm con rối (hay cố tình làm con rối) cho ê kip đứng sau mình giật dây. Truyền thông, công chúng và những tay đầu cơ trở thành những con mồi cho cái bẫy phía sau con rối đó. Vậy nên mới thấy, cái bẫy mà ê kip Lệ Rơi đang khuynh đảo showbiz bây giờ chẳng khác nào những cái bẫy trò sốc mà trước đó "Bà Tưng", Quân Kun, Kenny Sang… bày ra để lăm le nhảy vào showbiz.

Tất cả cái bẫy của sự vụ lợi, ích kỷ ấy từ đâu mà ra? Xin thưa, từ chiếc hộp Pandora mang tên Internet. Trong thần thoại Hy Lạp, vì không nén được sự tò mò mà nàng Pandora đã mở chiếc hộp do thần Zeus tặng. Chiếc hộp vừa hé mở, bao nhiêu điều tồi tệ như chiến tranh, ghen tuông, đau khổ, bệnh tật… tràn ngập xuống thế gian. Chiếc hộp Pandora mang tên Internet ngày nay khi mở ra đã mang đến cho con người rất nhiều tiện ích. Ngồi một chỗ con người có thể khám phá, đi đến những vùng đất mới, làm quen với vạn người xa lạ trong tích tắc. Ở đó, con người còn có cơ hội thể hiện mình trên các trang mạng xã hội. Thế nhưng, như chiếc hộp Pandora, những điều rác rưởi, rắn rết cũng từ Internet bước ra đầu độc thế giới loài người. Đó là những clip có nội dung dung tục, nhảm nhí trên Youtube; những phát ngôn gây sốc, tâm thư nói xấu đầy rẫy của các "sao xẹt" trên Facebook cùng bình luận vô văn hóa của fan; màn khoe thân, lột đồ, chuyện tào lao, trò lố nhan nhản trên các trang báo mạng; những bài hát rác rưởi, thô thiển trên các wed nhạc… 

Sự xuất hiện của Internet với những trang mạng xã hội khiến người ta dường như chỉ yêu chính bản thân mình. Những vụ lợi, toan tính cho bản thân đã khiến chân giá trị đảo lộn, chuẩn mực không còn. Khó ai có thể ngăn chặn những "con rắn độc" bò ra từ Internet. Việc xử lý bộ phim sitcom "Căn hộ số 69" trên Youtube hơn một tháng qua của cơ quan chức năng vẫn chưa có hồi kết. Trước đó, hàng loạt các bài hát thô tục, clip quảng cáo phản cảm, phim bị cấm chiếu nhan nhản trên mạng, những bài báo mạng gây sốc, tào lao… khiến cơ quan chức năng rối như gà mắc tóc. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm chỉ có hiệu lực với những máy chủ trong nước khiến những thứ rác rưởi trên lách luật.

Môi trường tự do của Internet khiến những cái bẫy từ Internet vẫn tha hồ giăng mắc khắp nơi và khuynh đảo những giá trị. Nhìn lại, chợt giật mình nhận ra rằng người bị sập bẫy và chịu thiệt thòi nhiều nhất trong vụ Lệ Rơi lại chính là người bày ra cái bẫy đầu tiên: công chúng. Họ bị cả truyền thông, những kẻ đầu cơ, ê kip của Lệ Rơi và cả phút nông nổi của chính mình... rập bẫy. Lệ Rơi cũng là nạn nhân hứng chịu vô vàn cái bẫy như công chúng nhưng dường như đến thời điểm này anh vẫn hồn nhiên ca hát, mặc kệ người ta nói gì,  trong khi công chúng thì hoang mang. Điều tốt đẹp duy nhất còn lại từ chiếc hộp Pandora trên chính là niềm hy vọng. Vậy nên bây giờ ta chỉ biết hy vọng vào lương tâm và lòng nhân bản của con người

P.T.U.
.
.