Dịch văn học không chỉ là chuyển ngữ:

Chỉ lòng đam mê – chưa đủ

Thứ Năm, 28/06/2007, 10:00

Dịch văn học vốn là một công việc khó khăn đòi hỏi người làm nghề không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn thấu hiểu cả những nền văn hóa, văn học mà họ đang tiếp cận. Song, ngay cả khi đã có đủ những tố chất ấy, người dịch vẫn có thể mắc những sai sót trong việc chuyển ngữ, nếu họ không giỏi tiếng Việt và quá ít tri thức đời sống.

Chưa bao giờ độc giả Việt Nam lại có cơ hội được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học thế giới như ngày hôm nay. Nhìn qua các hiệu sách có thể thấy tràn ngập sách được chuyển ngữ từ các các nền văn học từ nhiều châu lục, nhiều nước mà trước đây không lâu còn vô cùng xa lạ với người đọc Việt Nam.

Các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách, các dịch giả nhanh chóng mua bản quyền và đưa tới độc giả những tác phẩm văn học nước ngoài đang được chú ý. Chúng ta được tiếp cận với văn học đương đại thế giới gần như ngay lập tức chứ không phải đợi hàng mấy chục năm như trước kia. Đây là một ưu thế của hội nhập.

Tuy nhiên tình hình nở rộ các tác phẩm văn học dịch đang đặt ra những vấn đề bất cập. Tình trạng dịch tràn lan không chọn lọc, dịch ẩu, “ăn xổi ở thì”, coi thường độc giả, mục tiêu thương mại là chính đang là căn bệnh khó chữa của văn học dịch. Một đời sống văn học dịch nhiễu loạn, tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và làm nản lòng những người làm nghề thực sự tâm huyết.

Nhiều đơn vị làm sách, để giữ uy tín và xây dựng thương hiệu của mình trước bạn đọc đang có ý thức đưa ra những sản phẩm dịch “sạch”, bằng việc mời những dịch giả uy tín tham gia công việc chuyển ngữ. Một đội ngũ đông đảo các dịch giả trẻ có kiến thức và được đào tạo tốt cũng nhiệt tình tham gia vào lãnh địa này, đó là những dấu hiệu tốt.

Nhưng, dịch văn học vốn là một công việc khó khăn đòi hỏi người làm nghề không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn thấu hiểu cả những nền văn hóa, văn học mà họ đang tiếp cận. Song, ngay cả khi đã có đủ những tố chất ấy, người dịch vẫn có thể mắc những sai sót trong việc chuyển ngữ, nếu họ không giỏi tiếng Việt và quá ít tri thức đời sống. Đúng như tên gọi của một cuộc hội thảo mới đây với sự tham gia của nhiều dịch giả uy tín, rằng “dịch văn học không chỉ là chuyển ngữ”…

Trong khi đó, vấn đề muôn thuở của thị trường sách văn học Việt Nam là thù lao cho người sáng tạo không tương xứng với công sức họ bỏ ra, là nguyên nhân để người làm dịch thuật khó có thể chuyên tâm với nghề. Người dịch chỉ được hưởng 7-8% doanh thu của cuốn sách, trong khi phí phát hành lên tới 40-50%, đó là một nghịch lý.

Giải quyết những căn bệnh của dịch văn học không phải là câu chuyện của riêng các dịch giả, mà là câu chuyện của các đơn vị quản lý về văn hóa, các hội nghề nghiệp. Nếu chúng ta thực sự mong muốn một đời sống văn học dịch chuyên nghiệp và chất lượng, phải có những hoạt động thiết thực, cụ thể để nâng cao vai trò, vị trí của người dịch, cũng như giải quyết tận gốc những vấn đề của thị trường xuất bản hiện nay, như làm ăn chụp giật, sách lậu...

Và quan trọng hơn là chú ý bồi dưỡng đội ngũ những người trẻ làm công tác dịch thuật. Chính họ sẽ là những người tạo nên một diện mạo mới cho văn học dịch ở Việt Nam, chuyên nghiệp và hiện đại hơn...

Cẩm Khê
.
.