Nhạc kịch "Made in Việt Nam":

Chỉ đam mê thôi chưa đủ

Thứ Bảy, 10/10/2015, 08:00

Buffalo Theatre - nhóm kịch hiếm hoi của Việt Nam theo đuổi dòng nhạc kịch mới giới thiệu đến khán giả Việt chương trình "Broadway in Saigon". So với vở nhạc kịch thử nghiệm "Chicago" ra mắt cách đây hơn hai năm, "Broadway in Saigon" có bước tiến về nhiều mặt.

Đam mê, tình yêu và tâm huyết "truyền lửa" nhạc kịch của các bạn trẻ là điều mà khán giả vẫn có thể cảm nhận được qua chương trình. Tuy nhiên, con đường để nhạc kịch Việt phát triển, thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả vẫn còn khá xa mà ở đó, chỉ đam mê thôi chưa đủ.

Đam mê và khát vọng "truyền lửa" nhạc kịch

Trước "Broadway in Saigon", Buffalo Theatre đã giới thiệu đến khán giả một số vở nhạc kịch được "Việt hóa" khá thành công như "Chicago", "High School Musical"; nhạc kết hợp kịch như "Vũ nữ",  "Tuyết Sài Gòn", "Tình ca phố". "Broadway in Saigon" được đánh giá là bức tranh hài hòa những mảnh ghép khác nhau từ các trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng của thế giới như "Chicago", "Mama Mia", "Cabaret", "Hairspray", "Les Miserables", "A Chorus Line" được biểu diễn theo nguyên bản và Việt hóa. Đêm diễn "Broadway in Saigon" tại khán phòng hòa nhạc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã đem đến cho khán giả Sài Gòn những cung bậc cảm xúc mới.

Dàn diễn viên tham gia nhạc kịch "Broadway in Saigon" - chương trình của nhóm Buffalo Theatre được đánh giá là có "bước tiến dài" so với nhạc kịch "Chicago" ra mắt năm 2013.

Khán giả cảm nhận được sự lao động nghiêm túc, say mê, không mệt mỏi của những bạn trẻ yêu nhạc kịch với khát vọng làm cầu nối đưa loại hình nghệ thuật kén khán giả này phổ biến rộng rãi hơn ở Việt Nam. Dàn diễn viên đa năng như Hạnh Thảo, Quỳnh Như, Khắc Duy, Hoàng Quân, Khả Như… đã làm khán giả bất ngờ về cách hát, phong cách trình diễn.

So với "Chicago", một thử nghiệm của đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy vào năm 2013, "Broadway in Saigon" đã có bước tiến dài. Khi làm "Chicago", Khắc Duy từng chia sẻ rằng, là một người mới "chân ướt chân ráo" bước vào nhạc kịch, anh không bị áp lực về sự thành công hay thất bại nhưng gặp nhiều khó khăn khi không phải là người có kinh nghiệm về nhạc kịch, chưa từng được xem tận mắt "Chicago" trên sân khấu thực mà chủ yếu tham khảo trên Youtube.

Việc tìm diễn viên có khả năng vừa múa, vừa hát, vừa có khả năng diễn xuất là bài toán rất khó. Không có êkip chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản nên việc chuyển thể những tác phẩm từ tiếng Anh sang tiếng Việt sao cho đúng ý, phù hợp với thị hiếu người Việt cũng không hề đơn giản. Những khó khăn này dần được khắc phục trong "Broadway in Saigon". Đáng ghi nhận nhất ở "Broadway in Saigon" là sự chuyên nghiệp trong cách dàn dựng, biểu diễn ngày càng "ra dáng" nhạc kịch theo chuẩn của thế giới.

Sở dĩ có được kết quả này là do ba thành viên của nhóm là đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, Diễm Phương, Hoàng Quân trúng tuyển lớp đào tạo ngắn hạn nhạc kịch tại Thái Lan có tên "Yes Academy" hồi tháng 6/2015. Khóa học này có sự tham gia giảng dạy trực tiếp của nữ diễn viên sân khấu kịch broadway nổi tiếng Nikky Nelson.

Còn nhớ, vào năm 2012, 2013, khán giả Hà Nội cũng từng được thưởng thức hai vở ca nhạc - kể chuyện "made in Việt Nam" là "Góc phố danh vọng" (2012) và "Đêm hè sau cuối" (2013). Đạo diễn 9X Nguyễn Phi Phi An và các bạn trẻ, phần lớn là sinh viên các trường Đại học, cao đẳng đã mang đến cho sân khấu thủ đô một gam màu nhạc kịch trẻ trung, mới lạ với cách kể chuyện, dàn dựng tác phẩm sáng tạo, những màn biểu diễn kết hợp hài hòa ca hát, vũ kịch được "Việt hóa" 100% phần lời.

"Góc phố danh vọng" và "Đêm hè sau cuối" đã "gieo" vào lòng khán giả những hạt giống hy vọng về sự phát triển của nhạc kịch. Tuy nhiên, hai tác phẩm ca nhạc - kể chuyện nêu trên mới chỉ là thử nghiệm, sự yêu thích nhạc kịch của một nhóm bạn trẻ. Cho đến thời điểm này, không có thêm dự án nhạc kịch mới nào của các bạn trẻ được triển khai trên sân khấu thủ đô.

Cần một chiến lược dài hơi

Tình yêu, sự đam mê, dám dấn thân của người trẻ với mong muốn phát triển nhạc kịch rất đáng ghi nhận nhưng có lẽ chưa đủ để nhạc kịch Việt tiến những bước xa hơn, hòa mình vào dòng chảy chung của nhạc kịch thế giới. Sau hơn hai năm ra đời, Buffalo Theatre vẫn "loay hoay" tìm khán giả.

Mặc dù các tác phẩm của nhóm được PR khá bài bản và rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội nhưng vẫn luôn rơi vào tình trạng "thu không đủ bù chi". Diễn viên tham gia biểu diễn là những bạn trẻ yêu nhạc kịch, khát khao tìm tòi, trải nghiệm nghệ thuật mới, sẵn sàng biểu diễn bằng niềm đam mê chứ không phải vì cát sê. Đây là một thực tế "nghiệt ngã" mà nếu không thu hút được khán giả thì Buffalo Theatre không thể tồn tại được trong tương lai.

Một trong những nguyên nhân khiến nhạc kịch "made in Việt Nam" nói chung, nhóm Buffalo Theatre nói riêng kém hấp dẫn nằm ở chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều người đánh giá, điểm yếu cố hữu của nhóm chính là những màn hợp ca, "như cãi nhau có nhạc điệu". Giọng hát của diễn viên chưa tốt, sự phối hợp giữa các diễn viên chưa ăn ý  khiến người xem khó nghe được hết nội dung mà diễn viên truyền tải. Điều này vẫn xảy ra trong "Broadway in Saigon" dù đã được cải thiện nhiều so với các chương trình của Buffalo Theatre trước đó.

"Góc phố danh vọng" và "Đêm hè sau cuối" từng tạo được ấn tượng tốt với khán giả trẻ thủ đô vào năm 2012 và 2013.

Ca sĩ Võ Hạ Trâm, khách mời của chương trình "Broadway in Saigon" - người đang theo học broadway bài bản ở Mỹ cũng thẳng thắn chia sẻ, "nỗ lực và đam mê là một chuyện, còn khả năng là chuyện khác. Nếu Buffalo Theatre muốn phát triển theo hướng broadway phải có những cải cách về tập luyện cũng như cần có sự chọn lọc diễn viên để đạt hiệu quả hơn". Ngoài dàn diễn viên chưa được chuẩn hóa, nhạc kịch Việt còn thiếu sự đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, hệ thống âm thanh, ánh sáng để đáp ứng yêu cầu rất cao của loại hình nghệ thuật này.

"Việt hóa" nhạc kịch ngoại là hướng đi đang được các đạo diễn Việt khai thác. Cái khó của trào lưu này ngoài vấn đề liên quan đến bản quyền còn là khả năng "Việt hóa" sao cho tác phẩm thể hiện được tinh thần của tác phẩm gốc mà không bị khiên cưỡng khi sử dụng ngôn ngữ Việt. Hiện nay, nhóm kịch Buffalo Theatre đang lên kế hoạch xây dựng vở nhạc kịch cổ tích Việt Nam.

Theo đạo diễn Nguyễn Khắc Duy thì khó khăn, thách thức lớn nhất chính là phần sáng tác nhạc kịch - phần "cốt lõi" nhất của một tác phẩm. Sáng tác nhạc kịch khó vì thiếu đội ngũ nhạc sĩ chuyên về lĩnh vực này, trong khi muốn mời những nhạc sĩ có tên tuổi đòi hỏi khoản chi phí lớn.

Tôi cho rằng, nhạc kịch là loại hình sân khấu rất tiềm năng, có thể cạnh tranh với các loại hình giải trí hiện đại bởi nó hội tụ đầy đủ các yếu tố giải trí như ca, múa, nhạc, kịch. Thực tế đã cho thấy, sân khấu kịch broadway ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn là "thánh đường nghệ thuật", nơi khẳng định "thương hiệu" cũng như tài năng của người nghệ sỹ. Tuy nhiên, nhạc kịch broadway vẫn còn quá xa lạ, có thể nói là "xa xỉ" với khán giả Việt.

Con đường đưa nhạc kịch đến Việt Nam còn nhiều gian nan. Nếu làm chưa tới, chưa ra chất broadway thì những vở nhạc kịch "made in Việt Nam" khó có thể chinh phục được khán giả vì vốn dĩ đây đã là loại hình nghệ thuật kén khán giả.

Để nhạc kịch thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong thực đơn giải trí ngày càng phong phú của người Việt, chúng ta cần có thời gian và một chiến lược dài hơi. Nhạc kịch không thể chỉ dừng lại ở niềm đam mê, yêu thích tự phát của một cá nhân hay một nhóm nhỏ mà cần được quan tâm, hỗ trợ, đầu tư từ phía các cơ quan chức năng. Việc cần làm đầu tiên là phải có khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn cho đội ngũ diễn viên chuyên về nhạc kịch.

Trước mắt, cần chú trọng khâu tuyển chọn diễn viên, tăng cường mời diễn viên giỏi, diễn viên nước ngoài cộng tác để nâng cao chất lượng các chương trình nhạc kịch. Bên cạnh đó, cần quan tâm, đầu tư đầu tư về cơ sở vật chất như địa điểm tập luyện và biểu diễn, hệ thống âm thanh, ánh sáng… đủ "chuẩn" để nhạc kịch có đất để phát triển.

Tường Phạm
.
.