Chỉ cốt được việc mình

Thứ Ba, 23/10/2012, 08:00

Nói ngạc nhiên vì Đoàn Minh Tuấn là một nhà biên kịch có vị trí, có tên tuổi trong làng điện ảnh, vậy mà vẫn là nạn nhân của lối "ăn ở không có hậu" huống chi những người khác thuộc diện "thấp cổ bé họng". Tuy nhiên, nói thì nói vậy, đến khi ngẫm lại một số chuyện xảy ra trong cuộc sống, trong đó có cái trực tiếp liên quan đến mình, tôi thấy những chuyện trên thật ra cũng không đáng ngạc nhiên gì...

Cách đây ít ngày, tôi đọc được trên báo Nhân dân điện tử bài phóng vấn nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn về những việc lình xình xung quanh bộ phim "Huyền thoại 1C" mà anh là đồng tác giả kịch bản. Và tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi trong bài báo nói trên, Đoàn Minh Tuấn đã phải chua chát cho hay: "Bên Hãng có hứa hẹn với tôi nhiều điều nhưng hầu như không thực hiện. Thí dụ như họ cứ hứa mời tôi đi chọn cảnh cùng, mời dự buổi bấm máy, dự quay đại cảnh, khánh thành phim và nhiều việc khác nhưng về sau lại không thấy gì. Lẽ ra những việc đó, tác giả kịch bản cần được trao đổi và tôn trọng. Phim ra mắt, tôi cũng không được mời và đến giờ, thấy nói phát sóng, tôi cũng chưa biết "mặt mũi" phim ra sao".

Nói ngạc nhiên vì Đoàn Minh Tuấn là một nhà biên kịch có vị trí, có tên tuổi trong làng điện ảnh, vậy mà vẫn là nạn nhân của lối "ăn ở không có hậu" như vậy, huống chi những người khác thuộc diện "thấp cổ bé họng". Tuy nhiên, nói thì nói vậy, đến khi ngẫm lại một số chuyện xảy ra trong cuộc sống, trong đó có cái trực tiếp liên quan đến mình, tôi thấy những chuyện trên thật ra cũng không đáng ngạc nhiên gì.

Một lần, tôi được một cán bộ Đài truyền hình nọ mời tham gia một cuộc giao lưu, trò chuyện về thơ. Ở chương trình này, tôi là "nhân vật chính", thời gian trò chuyện đủ để nhà đài phát sóng trong hai mươi phút. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Cuối buổi,  tôi bắt tay cảm ơn và nói với bạn bạn rằng, khi nào phát sóng thì báo cho tôi biết để gia đình cùng xem. Anh giơ tay ra hiệu: "Ôkê". Thế rồi một tối nọ, tôi đang nằm nghỉ thì nghe chuông điện thoại reo. Từ đầu bên kia, tiếng một người bạn ở dưới quê gọi lên báo với tôi rằng, anh vừa thấy tôi trả lời trên tivi. Anh bảo tôi bật tivi lên, chắc chương trình còn tiếp tục. Khi tôi bật tivi thì chương trình đã kết thúc. Nghe mọi người nói lại, hôm ấy, cuộc giao lưu của tôi với phóng viên nhà Đài kéo dài gần ba mươi phút. Thật tiếc. Vợ con tôi cũng không ai biết mà xem. Tôi gọi điện trách khéo anh, anh bảo: "Mấy hôm nữa phát lại, tôi sẽ báo". Sáng hôm sau, tôi vừa tới cơ quan thì nghe nhân viên bảo vệ nói cách đây mấy phút, Đài truyền hình có phát buổi giao lưu, trả lời phỏng vấn của tôi. Tôi chán không buồn gọi lại cho anh bạn nhà đài nữa. Một thời gian sau gặp anh, tôi nói, vậy là tôi không hề được xem chương trình mà mình là nhân vật chính. Anh đáp tỉnh khô: "Cần gì, nhân dân người ta xem thế là được rồi". Tôi đưa tiền nhờ anh cóp cho tôi đoạn băng ghi chương trình ấy vào một cái đĩa, để làm kỷ niệm. Anh bảo, băng mới phát, người ta chưa chuyển xuống kho, phải nán chờ một hai tháng nữa. Hơn tháng sau, tôi nhắc lại lời đề nghị này, anh bảo quá thời gian, người ta hủy đi rồi.  Thật là vô trách nhiệm hết mức. Chỉ biết được việc mình, xong việc là thôi.

Từ câu chuyện trên, bất giác tôi lại nhớ tới những chuyện liên quan tới một số văn nghệ sĩ lão thành và thân nhân của họ. Biết tôi làm báo, nhiều người thường nhờ tôi hỏi giúp họ xem cái bài phỏng vấn ấy (mà các phóng viên trẻ tha thiết vật nài họ trả lời) đã in ra chưa, có sai lệch gì không? Thật ra, những bài ấy in ra cả rồi, thậm chí là lâu rồi, ngoài sạp báo bán hết rồi. Các phóng viên gần như chỉ biết phỏng vấn xong, có bài nộp tòa soạn là thôi. "Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé" - Họ hà tiện đến mức không một lời nhắn nhe, liên lạc lại với nhân vật của mình… Lại có trường hợp, họ đến xin ảnh nhân vật, trong đó có những bức ảnh quý hiếm, gia đình chỉ có độc bản. Khi báo in, thân nhân nghệ sĩ gọi điện xin lại, có phóng viên trẻ còn lầu bầu: "Có cái ảnh quèn mà lôi thôi. Từ một cái ảnh, báo in ra vạn tờ, thành cả vạn tấm, còn muốn thế nào nữa? Rách việc".

Ô hay, trong trường hợp này, đâu mới là "rách việc" nhỉ? Sự đời càng nghĩ càng thấy lạ!

Nguyễn Trường Văn
.
.