Bình xét giải thưởng văn nghệ

Chất lượng giám khảo - đáng lo!

Thứ Năm, 12/01/2012, 08:00

Hiện nay ở ta có nhiều loại giải thưởng văn học nghệ thuật.
Đó là việc hay, khích lệ tài năng và quảng bá nghệ thuật. Nhưng để đạt được đích đó, một điều cần, cần hơn cả số lượng giải lẫn giá trị vật chất của giải lại là sức thuyết phục của giải thưởng trong giới nghệ thuật và trong công chúng.

Muốn thuyết phục cần chọn lựa chính xác.

Muốn chọn lựa chính xác cần giám khảo tinh thông.

Hiện nay ít có những ban giám khảo tinh thông nghiệp vụ.

Giải càng to, cuộc chọn càng vào sâu (chung khảo, áp chung khảo), thành viên giám khảo lại càng lơ mơ nghiệp vụ chuyên môn.

Nguyên nhân là do quan niệm về giám khảo có lầm lẫn. Lầm lẫn phổ biến là lẫn lộn ban giám khảo với ban tổ chức, lầm lẫn chức năng nghiệp vụ chuyên môn với chức năng hành chính quản lý.

Thí dụ xét văn chương thì vòng khởi đầu, cấp thấp nhất, đều do các nhà văn thực hiện, nên độ chính xác lại cao hơn ở vòng sau là vòng liên kết nhiều ngành nghệ thuật khác. Ông kiến trúc sư, bà múa, ông vẽ... đánh giá văn chương chắc chắn không thuận bằng đám cùng nghề chữ nghĩa. Lên đến vòng chung khảo thì ngoài các nghệ sĩ đã thấy nhiều quan chức trong ban thẩm định. Quan chức chắc hẳn phải tài giỏi, không tài giỏi sao lại được làm quan. Nhưng cái tài ấy lại không phải là tài đánh giá văn chương. Tài đánh giá văn chương chưa bao giờ thành tiêu chí kén chọn quan chức. Nhưng do chức vụ mà bắt (hoặc mời) họ tham gia bình chọn là làm khó cho họ và dễ hỏng việc. Họ không nên làm việc bình chọn mà họ phải là cấp sử dụng kết quả bình chọn. Họ thuộc về ban tổ chức giải thưởng.

Nên có hiệp thương trong việc này để phân bổ nhân sự được khoa học và hợp đạo lý, tránh trùng chập hoặc trái ngược. Có thể coi ban tổ chức như "chủ đầu tư" và ban giám khảo như bên "thi công". Giám khảo phải có năng lực chuyên môn và chỉ cần chuyên môn thôi, không cần chức vụ. Ban tổ chức là người thuê ban giám khảo và có quyền sử dụng kết quả của giám khảo để phục vụ đúng tôn chỉ mục đích cuộc khen thưởng.

Gặp khi khác biệt ý kiến cần có trao đổi giữa đại diện của hai ban. Quyết định tối hậu là do ban tổ chức giải thưởng. Khi đã nắm chắc chuyên môn thì việc sắp xếp giá trị tác phẩm sẽ hàm chứa chân lý. Chọn hay không chọn không thể dễ dàng thay đổi khi có ai khiếu nại, kiện tụng như đợt xét tuyển vừa qua.

Giải văn chương của Hội Nhà văn trong nhiều năm gần đây cũng có những lúng túng. Nguyên nhân theo tôi chủ yếu là do cấu tạo ban giám khảo và quan niệm chức năng của nó chưa hợp lý:

Sơ khảo giao cho các hội đồng nghệ thuật từng thể loại là hợp lý, nó đại diện được tiếng nói chuyên môn. Nhưng chung khảo thường là ban chấp hành (toàn thể hoặc thu hẹp hoặc mở rộng tới các đại diện vòng sơ khảo) là chưa hoàn hảo. Bởi lẽ không phải mọi thành viên ban chấp hành đều có kinh nghiệm thẩm định tác phẩm. Khi bầu ban chấp hành, không mấy ai lấy năng lực đánh giá tác phẩm của họ làm tiêu chí chọn lựa, nhất là phải đánh giá tất cả các thể loại văn chương khác nhau (thơ, văn, phê bình, dịch thuật). Việc ấy khó. Những ủy viên chấp hành, theo quan sát của tôi, đều đã cố gắng đọc tác phẩm và nghiêm túc trân trọng tác giả khi đánh giá. Tất cả các việc ấy là tinh thần trách nhiệm đáng quý. Tuy nhiên nó chưa đủ để đảm bảo tính chính xác của chọn lựa. Việc ấy dẫn đến hậu quả là các tác phẩm được trao giải mất dần sự đồng tình của giới viết và cũng giảm sức thu hút công chúng, thậm chí còn gặp phản bác. Ban chung khảo, có phải vì vậy mà trong nhiều trường hợp không có bản đánh giá phẩm chất giải và khi gặp phản bác thường chọn thái độ "nhường nhịn", không nói gì.

Kinh nghiệm một số năm (hồi thập niên 90 của thế kỷ trước), thì các hội đồng chuyên môn cũng lập ban sơ khảo cho hằng năm, gồm thành viên của hội đồng và thêm một số chuyên gia ngoài hội đồng. Danh sách các giám khảo thay đổi hằng năm cũng tạo phong phú cho tiêu chí chọn lựa. Ban chung khảo thì càng cần thiết tạo lập hằng năm. Có thành viên ban chấp hành và cả các chuyên gia ngoài ban chấp hành. Dựa theo tỷ lệ thể loại tác phẩm vào chung khảo mà cấu tạo ban chung khảo sao cho phát huy được lợi thế chuyên môn khi đánh giá. Nếu lập được giám khảo riêng cho từng thể loại chắc sự đánh giá càng có sức thuyết phục hơn.

Việc bầu phiếu kín hay bầu công khai ở bất cứ giải thưởng cấp nào cũng còn là việc phải cân nhắc. Hiện nay ở nước ta, hầu hết các giải đều tiến hành chọn lựa bằng phiếu kín. Ưu điểm của phiếu kín thì không cần phải nói nữa, nhưng thực tế lại có hiện tượng này:

- Có tác phẩm khi bình luận công khai, được hầu hết thành viên ban giám khảo ủng hộ, nhưng bỏ phiếu kín, kiểm phiếu, kết quả lại không quá bán.

- Ngược lại, có tác phẩm khi đánh giá, ý kiến biểu dương ít, rất ít, nhưng khi kiểm phiếu lại quá bán.

Như vậy giữa kín và công khai trái nhau. Khách quan, người ta có quyền nghi ngờ ban giám khảo "không thật bụng" nhưng theo quy ước thì cứ quá bán là thắng và không quá bán thì phải loại. Phiếu kín ở đây đóng vai trò một ý kiến nặc danh. Trong ngành Tư pháp hiện nay, các khiếu tố nặc danh không được đánh giá cao, thậm chí không xét đến. Nhưng ở đây nó lại có vai trò quyết định.

Rõ ràng là không hay. Nhưng khắc phục quả không dễ. Vì chê mà công khai, thời buổi này, nhiều "tai nạn" lắm nên người ta chỉ dám chê… nặc danh (!), trong phiếu kín. Tuy nhiên, nâng cao phẩm chất giám khảo là việc có thể làm được (như đề nghị nói trên). Và do vậy mà hạn chế được những "vô lý" kia chăng?

Vũ Quần Phương
.
.