Nghệ sĩ - doanh nhân:

“Cây đèn thần” của NSND Thanh Hoa

Thứ Sáu, 06/10/2006, 14:30

Ở Hà Nội, quán bar nhạc sống có tên vị thần đèn Aladin của NSND Thanh Hoa được rất nhiều người biết đến. Quán của chị không nằm ở các địa điểm “hoành tráng” như nhiều nhà hàng, quán hát khác, mà rất khiêm nhường trong một con ngõ nhỏ. Thế nhưng, vào những ngày cuối tuần, bạn đến muộn một chút là hết chỗ ngồi. Thường thì khi có đông người, khách phải đặt chỗ trước.

NSND Thanh Hoa gắn bó với quán bar này từ rất lâu. Khi nền âm nhạc thị trường bắt đầu ồ ạt xuất hiện hàng loạt các gương mặt ca sĩ trẻ. Cùng với đó thị hiếu khán giả cũng thay đổi nhiều. Làn song nhạc dance, jazz,  hip-hop, rock thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Những ca khúc thị trường lấn lướt thị phần các ca khúc trữ tình một thời làm rung động hàng triệu con tim. Thế hệ các ca sĩ Thanh Hoa, Thu Hiền, Quang Thọ... thiếu những sân khấu để tiếp tục niềm say mê âm nhạc cháy bỏng của mình, mặc dù những khán giả của họ vẫn còn rất đông đảo. Nhận biết điều này, Thanh Hoa đã tự tổ chức một không gian, trước tiên là cho những khán giả đã từng yêu mến giọng hát của chị, sau đó là nơi tập trung những nghệ sĩ cùng dòng nhạc như chị, đến để gặp gỡ, giao lưu, nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc.

Hàng đêm Thanh Hoa được sống với không gian âm nhạc của riêng mình. Những bài hát một thời làm nên tên tuổi của chị như “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, “Tàu anh qua núi”, “Người đi xây hồ kẻ gỗ”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”... được khán giả yêu cầu hát lại hàng đêm. Thanh Hoa hạnh phúc vì mình lại được điểm trang, bước lên sân khấu, nhận những tràng vỗ tay của khán giả. Và, điều quan trọng nhất là chị được hát cho khán giả đích thực của mình, những người thực sự yêu mến mình. Aladin còn là nơi gặp gỡ của nhiều giọng ca theo đuổi dòng nhạc đỏ, trữ tình, cổ điển, như Đức Long, Anh Thơ, Trọng Tấn,... thậm chí là một vài ca sĩ trẻ độc đáo như Ngọc Khuê, Tùng Dương...

Khách nghe nhạc ở đây thường là những người đã đứng tuổi. Có những người xa quê hương nhiều năm tháng mới trở về, mong muốn được nghe lại những giai điệu đẹp đẽ của những bản nhạc tiền chiến hay những ca khúc của Trịnh Công Sơn... Sân khấu của quán rất đơn giản, một cây đàn oóc-gan nằm khiêm tốn, và ca sĩ thì ăn mặc giản dị, chỉ có tiếng hát là bằng tất cả trái tim mình, khác hẳn với những sân khấu đèn màu sặc sỡ, những vũ điệu hip-hop quay cuồng câu khách khác. Đến nơi đây, khách có thể cảm nhận được rõ ràng một không khí trang trọng, lịch lãm, kiệm lời. Một không gian dành cho cảm xúc và suy tưởng. Một nơi để vừa nhâm nhi một thức uống nào đó, vừa để nhớ về những ngày đã xa, những hoài niệm một thời...

Làm bà chủ Aladin, NSND Thanh Hoa hạnh phúc vì chị vừa có khả năng kinh tế lo toan cho gia đình mình, vừa được thỏa mãn niềm đắm say âm nhạc. Không quá chú trọng vào việc kiếm lời bằng các “chiêu” quảng cáo rầm rộ,  Thanh Hoa có một niềm tin rằng chị đã làm kinh doanh bằng cái Tâm của mình, và nó sẽ được khách hàng yêu mến, quý trọng và lui tới thường xuyên. Bởi vì, tham vọng của chị là xây dựng một không gian văn hóa hát của người Hà Nội”. Những người yêu âm nhạc đích thực, muốn thưởng thức cái hay, cái đẹp đích thực của âm nhạc thì sẽ đến quán của chị. Và chị cũng chỉ chờ mong được đón tiếp những người khách lịch lãm, giàu có về tâm hồn như vậy. Cũng bằng cách đó, chị muốn các thế hệ ca sĩ sau mình, những người miệt mài đi theo những dòng nhạc  chính thống, đổ rất nhiều mồ hôi mà không dễ trở thành một ngôi sao, như các ngôi sao thị trường hiện nay, có một sân khấu, dù nhỏ, để rèn giũa tài năng, cũng như hâm nóng bầu nhiệt huyết của mình với khán giả

Bình Nguyên Trang - Hội Quân
.
.