Câu thơ của sự chờ đợi

Thứ Ba, 18/12/2012, 08:00
Trong tâm khảm mỗi người Việt Nam ta, hình ảnh nàng Tô Thị ôm con chờ chồng hóa đá vọng phu có lẽ đã trở thành một biểu tượng bất tử của sự chờ đợi. Nguyễn Đức Mậu là một nhà thơ quân đội, lại thuộc thế hệ cầm súng chống Mỹ, cho nên thơ anh hiển nhiên mang dấu ấn tâm tình của kẻ ở người đi, của sự đợi chờ trông ngóng. Mà, các cuộc chia ly phần nhiều là thế: Hoa cau thơm suốt những lời tiễn đưa (câu thơ trong "Bài không tên" của Nguyễn Đức Mậu)...

Các chàng trai lên đường đã nhận được ở các cô gái hậu phương những lời thoảng thơm hương hoa cau hẹn hò ngày cưới. Và, đã biết bao người nằm xuống trong giấc mộng ấy, để lại sự dang dở cho đời những người con gái thủy chung. Tôi đếm được trong thơ Nguyễn Đức Mậu có tới ba lần anh nhắc đến nàng Tô Thị (ở những cấp độ khác nhau). Theo tôi, liên hệ và so sánh với nhau ta sẽ nhìn ra sự đa năng của người viết.

Như một lẽ thông thường, Nguyễn Đức Mậu ca ngợi nàng Tô Thị - cũng tức là ca ngợi tình yêu - trên một bình diện lớn, bình diện đất nước:

Tình yêu trên núi chon von
Thương ai hóa đá làm hòn vọng phu

(Khúc tình yêu)

Thế nhưng tác giả không phải ca ngợi chỉ để mà ngợi ca... Nỗi cô đơn đáng ra chỉ để ấp ủ cho riêng mình, vậy mà đem ra làm biểu tượng cho muôn người, thì đến như nàng Tô Thị kia lại càng cô đơn sừng sững. Dù sao, đem cái cô đơn lớn ấy đối lập với cái cô đơn nhỏ (của những người vợ trẻ thời chiến trận) cũng lại là một cách an ủi:

Có mùa trở gió vào thu
Bao người vợ trẻ hát ru phận mình.

Bây giờ cuộc chiến tranh ấy đã đi qua. Mọi sự trắng đen đều rõ cả. Người ta bắt đầu thấy rõ hơn sự mất mát của mình, khởi đầu cho một sự so sánh... Trong "Bài không tên", Nguyễn Đức Mậu cũng lại có những câu nhắc về nàng Tô Thị - mà ý tưởng hoàn toàn khác trước - rất thấm thía:

Xưa nàng Tô Thị lên non
Xa chồng nhưng đã có con bế bồng
Bây giờ người ấy tay không
Con thuyền góa bụa trên dòng sông sâu.

Vậy ra, cái Xa chồng nhưng đã có con bế bồng của nàng Tô Thị, một điều "nho nhỏ" tưởng chừng ít ai để ý ấy lại chính là niềm ao ước, là chỗ trống không gì bù đắp nổi của những người đàn bà góa bụa. Đây có thể coi như một phát hiện của Nguyễn Đức Mậu. Nó giúp cho câu thơ anh đồng cảm với nỗi đau của người phụ nữ hơn là những câu trước. Qua đó, bộ mặt chiến tranh đã hiện lên một cách cụ thể và khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, trước đây khá lâu, Nguyễn Đức Mậu đã có hai câu thơ, mà theo tôi, ở một góc độ nào đó, hoàn toàn có thể thay thế được những câu thơ trích dẫn ở trên. Nó vừa có thể bay lên, vẫy cánh, tiêu biểu cho khí thế của cả một thời kỳ, lại vừa có thể nhịp nhàng hạ xuống, thể hiện tâm tư ước nguyện của từng con người riêng biệt. Ấy là hai câu thơ:

Người hóa đá trọn đời nhan sắc
Anh sẽ về cho đá lại là em
trong "Trường ca sư đoàn" của anh.

Kể ra viết về người chờ đợi... đến độ hóa đá thì dẫu hay cũng đã có nhiều người viết. Nhưng người hóa đá trọn đời nhan sắc thì viết như vậy là rất tài hoa. Nguyễn Du (trong Truyện Kiều) có câu: Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người. Ít ra một trong những đặc điểm cơ bản của đá (hơn hẳn thực thể của con người) là độ bền bỉ, ít thay đổi theo thời gian (đây là tôi nói hoàn toàn trên cơ sở nghĩa đen). Cho nên đối với tác giả, hiển nhiên là sắc đẹp của người phụ nữ đã được bảo tồn qua thời gian - khi con người chị đã rắn lại trong niềm chờ đợi. Tuy vậy, không ai muốn vợ mình như thế cả. Thời thế buộc con người ta phải thế. Bởi vì, đã là "sắc đẹp" của "đá" thường ra "lạnh" lắm... (Đành rằng cái "lạnh" ấy là rất cần thiết khi mà người chồng còn đang ở chiến trường xa). Và có thể vì thế mà nó lại đẹp hơn. Nhưng ẩn mãi trong cái vẻ đẹp "sắt đá" ấy cũng khổ lắm thay! Cho nên cái ý nguyện của người lính lúc ấy không gì ngoài một điều: Anh sẽ về cho đá lại là em. Và dĩ nhiên, đó cũng là ước mong vào ngày chiến thắng

Linh Nguyên
.
.