Cửa sổ văn nghệ

Cần xem lại

Thứ Năm, 09/06/2011, 08:15
Theo dõi đời sống xuất bản những năm qua, tôi nhận thấy có mấy hiện tượng xem ra không thuận cho việc phát triển lành mạnh thị hiếu độc giả. Đó là việc, ở mảng sách dành cho "người lớn", các đơn vị kinh doanh quá thiên về việc tổ chức in và phát hành các loại sách "dạy làm quan", trong đó phơi lộ rất nhiều thủ đoạn để triệt hạ nhau, cốt mưu cầu một vị trí "hơn người" trong cuộc sống...

Ở mảng sách dành cho "trẻ em", ngoài các loại truyện tranh có chủ đề bạo lực, sex… tràn ngập thị trường, các nhà làm sách tiếp tục khai thác loại sách "truyền thống", tức các truyện cổ tích, thần thoại từng được các bậc phụ huynh chào đón từ nhiều chục năm trước, rồi cho người cắt cúp, cải biên lại để đỡ tiền tác quyền… Kết quả là, ở hai mảng sách này, độc giả cả ở lứa tuổi người lớn và trẻ em đều phải tiếp cận với những cuốn sách có nội dung hoặc không lành mạnh, hoặc méo mó không giống nguyên bản…

Với loại sách "dạy làm quan" mà tôi nhắc tới trên, điều đáng nói là nó tạo ra một cái nhìn không đầy đủ, thận chí quá lệch lạc về một số nhân vật, một số giai đoạn lịch sử, khiến người đọc chỉ thấy sự "thành công", "thắng lợi" của những kẻ dùng xảo thuật để hãm hại người, vươn tới các vị trí quyền lực mà không biết tới hồi kết bi thảm của họ. Bởi như cổ nhân vẫn nói: "Cờ bạc ăn nhau về cuối". Làm sao chúng ta đem tới cho độc giả bài học đúng đắn nếu như không cho độc giả thấy sự "trả giá" của những hành vi phi nhân tính mà một số nhân vật đã phải "lãnh trọn" lúc cuối đời ?(như một số cuốn sách ca tụng sự "mưu lược" của các nhân vật kiểu như Lã Bất Vi hay Hòa đại nhân - những cuốn sách đã nêu một cách chi tiết bước đường dẫn tới đài vinh quang của những nhân vật này nhưng lại quên vạch ra cho người đọc thấy được cái chết bi thảm của họ - những kẻ đã dám tham gia vào "trò chơi quyền lực"). Rõ ràng, mục đích của việc biên soạn và cho xuất bản những cuốn sách này đa phần chỉ để làm "thỏa mãn" những mục tiêu lệch lạc, đáng phê phán của ai đó mà thôi.

Còn với loại sách truyện cổ tích, truyện thần thoại, chính việc cải biên một cách cẩu thả, vô lối, nhằm mục đích cuốn nọ không "thật giống" cuốn kia (để bớt chi phí bản quyền) đã vô tình làm cho thế giới huyền ảo của các em bớt đi phần lóng lánh. Làm sao còn thu hút được sự đam mê đến ám ảnh ở các em nếu như hình ảnh cô bé Quàng khăn đỏ, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, cô nàng Lọ Lem không còn hiện lên với những câu chuyện đầy bất ngờ kịch tính nữa. Đã vậy, việc xuất bản dồn tập (in gộp các tập sách mỏng thành những cuốn dày sụ, nặng tới vài kilôgam), cốt để đỡ mấy lần in bìa, đỡ công in, tiện cho việc phát hành khi những sách này được "lùa" vào các thư viện hay nhà trường trong dịp tổng kết, phát thưởng cuối năm… càng là lý do để trẻ em ngại đọc sách. Có bậc phụ huynh phải kêu lên rằng, sách dày thế, đến người lớn nhìn thấy cũng phải… khóc thét, huống hồ lại bắt học sinh vác "cục gạch" ấy mà xoay vần để đọc (chả thế mà ngày xưa, với những cuốn sách thiếu nhi dày tới vài ba trăm trang, các đơn vị xuất bản thường chia làm nhiều tập để các em cầm đọc đỡ… nặng).

Mới thấy, xung quanh việc tổ chức bản thảo và in ấn, các đơn vị xuất bản còn nhiều điều phải… xem lại

Tường Duy
.
.