Cần xây dựng "văn hóa biết dị ứng với cái xấu"

Thứ Năm, 23/03/2017, 08:37
Nếu ai đã sống ở miền Bắc nước ta vào thời kì chiến tranh, ít nhiều đã được chứng kiến sự nhục nhã của những kẻ đào ngũ, ngoài những hình phạt họ phải chịu theo pháp luật hiện hành, thì họ còn phải nhận thêm hình phạt nghiêm khắc và "tủi nhục" hơn cả luật pháp, đó là sự xa lánh và khinh bỉ của cộng đồng làng xã, thậm chí là cả những người thân trong gia đình. 

Đã không ít kẻ đào ngũ đã phải bỏ làng ra đi vì làng coi họ là người thừa, họ không lấy được vợ, không được mời đến các đám hiếu, đám hỉ trong làng, hội làng mở ra họ không được đến dự, thấy họ từ xa thì người làng lánh mặt, thậm chí những việc làm công ích trong làng, làng cũng không thèm nhận những đóng góp của họ.

Chính những hình phạt nghiêm khắc như thế, chính cộng đồng làng xã ngày đó đã xây dựng được "văn hóa" khinh bỉ đối với những kẻ đào ngũ như thế, nên những năm chiến tranh và cho đến mãi sau này, tình trạng quân nhân đào ngũ về làng rất ít, bởi họ đã thấm được câu "thà chết vinh còn hơn sống nhục".

Và cũng chính cái văn hóa làng xã đó đã ngăn chặn được rất nhiều thói hư tật xấu của con người, một ông trộm vặt bị làng khinh bỉ, một ông đánh vợ bị làng xa lánh, một kẻ ngoại tình bị làng tẩy chay…

Bà Lương Thị Bích, thôn La Mạ 2, xã Bản Lầu đang ngồi bên đống dứa hỏng cạnh rẫy dứa của mình.

Trong chương trình thời sự tối ngày 20-3- 2017 trên kênh VTV 1 Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Tuần qua, tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, không hiểu vì lý do gì, hàng loạt diện tích dứa tại đây bỗng nhiên bị thối, thương lái không mua gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người trồng dứa.

Trong lúc bà con đang lo đứng lo ngồi thì có một doanh nghiệp trên địa bàn tìm đến và sẵn sàng mua dứa thối với giá 3.500 đồng/kg (giá dứa ngon hiện nay là 4.500 đồng/kg). Cứ tưởng nhận được tin đó người dân sẽ vui mừng vì bán được dứa, nhưng không, người dân kiên quyết không bán dứa thối cho doanh nghiệp vì đơn giản một điều: "Dứa thối mình đã không dùng được thì bán cho họ, rồi lỡ họ lại chế biến thành nước này nước nọ bán cho người khác dùng, mình mang tội nên không nỡ".

Dân sẵn sàng đói, thất thu cả trăm triệu đồng nhưng không nỡ làm điều xấu, điều ác. Tôi tin nếu có doanh nghiệp nào tìm về đây để phát triển nông sản sạch thì cực kỳ yên tâm bởi đơn giản một điều là người dân ở đây vẫn còn giữ được cái "văn hóa biết kinh bỉ với cái xấu".

Xã hội ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa như vũ bão đã phần nào làm mai một đi văn hóa làng xã. Thiển nghĩ hủ tục thì nên bỏ, còn văn hóa thì phải được bảo tồn và phát huy, trong đó có "văn hóa biết kinh bỉ với cái xấu" lại càng cần được phát huy và nhân rộng trong tình hình xã hội hiện nay ở nước ta.

Cuối năm 2016 trong một cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết: "Trong tất cả thăm dò dư luận xã hội hiện nay, điều mà nhân dân băn khoăn nhất, lo lắng nhất bao giờ cũng là nạn tham nhũng. Các phiếu thăm dò, đợt thăm dò dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo TƯ, Viện nghiên cứu dư luận xã hội Ban Tuyên giáo TƯ tiến hành ở quy mô lớn cho thấy, nạn tham nhũng bao giờ cũng chiếm mối quan tâm lo lắng hàng đầu".

Vì vậy, ông đề nghị các cấp uỷ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Trong đó, chống tham nhũng, lãng phí phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể, sau khi thực hiện sẽ công khai để nhân dân biết.

Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động, phải xây dựng được một văn hóa, nếp sống khinh bỉ những kẻ tham nhũng, hành vi tham nhũng.

"Phải tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng không chịu nổi, chứ tham nhũng mà chưa bị lên án một cách quyết liệt, áp lực xã hội chưa đủ mạnh thì lúc đó chúng ta chưa thể ngăn chặn và đẩy lùi được", Thường trực Ban Bí thư yêu cầu.

Nếu thời gian qua chúng ta vẫn có được văn hóa "biết khinh bỉ với cái xấu"… thì liệu diễn viên Minh Béo có dám trở về từ nhà tù của nước Mỹ vì tội ấu dâm nhưng lại có tâm thế như một anh hùng vừa chiến đấu thành công ở trên một võ đài quốc tế. Anh ta về nước sau một cái án ấu dâm mà vẫn giơ tay vẫy chào mọi người như thể người chiến thắng một cuộc thi bên Mỹ.

Sở dĩ anh ta có hành động như thế vì trước hết anh ta chưa cảm thấy nhục nhã, hay nói đúng hơn mặc dù mang danh là một nghệ sỹ nhưng anh ta không có đủ một cái phông văn hóa cần thiết để cảm thấy nhục nhã vì hành vi ấu dâm của mình và thứ đến là do còn có những nhà báo, những người "hâm mộ" anh ta vẫn đang chầu chực ở sân bay để đón anh ta trở về như một anh hùng.

Và rồi Minh Béo vẫn cứ vô tư đến trơ trẽn và nghe đâu vừa rồi anh ta còn đăng tin tuyển sinh học viên cho khóa học mới (?!) ở Công ty TNHH Nghệ thuật giải trí Sao Minh Béo. Liệu có người làm cha làm mẹ nào đủ can đảm để cho con mình đến ở Công ty TNHH Nghệ thuật giải trí Sao Minh Béo nhận Minh Béo làm thầy?

Khoan dung độ lượng là truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay của người Việt, nhưng khoan dung không đúng người, đúng việc nhiều khi lại vô tình tiếp tay cho cái ác.

Nguyễn Thế Hùng
.
.