Cần quy hoạch lại các trường đại học

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:52
Khi một loạt trường đại học và cao đẳng trong cả nước công bố điểm tuyển sinh năm học 2017/2018, không ít người cảm thấy sốc vì những sự khác biệt quá lớn giữa điểm sàn của trường này so với điểm sàn của trường khác. Và lập tức, nhiều người đã lên tiếng trên mạng xã hội, một cách vội vã, khi nhìn thấy điểm chuẩn vào một số trường sư phạm quá thấp. 

Những sự lên tiếng ấy lan toả nhanh, tạo ra một mối lo ngại và hoang mang không đáng có trong xã hội và buồn thay, những người tỏ ra lo lắng và hoang mang kia không mấy ai thử lên internet gõ mấy chữ "tra cứu điểm tuyển sinh" để xem xét thực hư thế nào.

Đúng là điểm chuẩn vào một số khoa của Đại học Sư phạm Hà Nội có thấp thật, nhưng không đến mức đáng báo động theo kiểu "điểm thấp thế này thì giáo viên sau này có đủ trình độ để đi dạy hay không?". Và vẫn có những khoa của Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn khá cao, đơn cử như khoa Sư phạm Toán (26 điểm) hay Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh (27.75 điểm).

Nhìn chung, trong số 93 khoa, ngành học của Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn trung bình thường ở mức 23 điểm. Cá biệt vài khoa có điểm chuẩn dưới 20 và thường đó là các khoa rất ít thí sinh nộp đơn, ví dụ như khoa Công tác xã hội, Tâm lý học, Sư phạm Âm nhạc, Văn học…

Trong bối cảnh ấy, việc có một số trường lấy điểm chuẩn 30 hoặc trên 30 đã khiến dư luận mang ra so sánh và tạo hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng. Thực tế, ít ai hiểu được chuyện trường này năm nay lấy điểm cao, trường kia năm nay lấy điểm thấp là chuyện vốn dĩ quá bình thường của các kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng kể từ mấy chục năm nay.

Đã đến lúc cần quy hoạch lại các trường đại học một cách khoa học (ảnh có tính chất minh họa).

Lựa chọn ngành học ở Việt Nam vốn dĩ vẫn theo trào lưu thực dụng ngắn hạn, tức là nhìn thấy nghề nghiệp nào đang thu hút thì đâm đơn vào học, ngõ hầu mong có việc làm dễ dàng khi tốt nghiệp. Chính điều đó đã khiến mất cân bằng giáo dục và hệ lụy lớn hơn nữa chính là việc nhiều người học cái nghề mà bản thân họ không ưa thích, đam mê, để rồi khi trở thành cử nhân, họ chỉ là người cầm tấm vé tối thiểu (tức cái bằng) chứ không thực sự có năng lực để tạo ra giá trị ở chính ngành nghề mình tham gia.

Nhưng có một điểm mà có lẽ tất cả chúng ta cũng nên chú ý trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Đó chính là điểm chuẩn thấp đến mức thê thảm của một loạt trường ở khu vực vùng sâu vùng xa. Ví dụ như Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, các ngành Toán, Ngữ văn, Sinh học chỉ lấy điểm chuẩn có 9 điểm.

Còn Cao đẳng Sư phạm Lào Cai thì có "khá" hơn khi lấy điểm chuẩn là 9.5 điểm ở một số ngành. Điểm chuẩn thấp đến mức này cho thấy một thực trạng rất rõ rệt. Đó là thực sự trường không có sức hút đối với sinh viên và nhu cầu nộp đơn vào trường quá ít so với chỉ tiêu, dẫn đến việc hạ sàn điểm chuẩn xuống mức thấp một cách đáng báo động.

Tình trạng ấy chắc chắn còn tồn tại ở nhiều trường địa phương khác nữa và nếu tra cứu thêm, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, các trường ở địa phương nhỏ, nhất là các vùng hẻo lánh luôn có điểm chuẩn rất thấp, thậm chí chỉ bằng một nửa so với các trường ở đô thị lớn. Vậy thì câu hỏi đặt ra là có nên để các trường ấy tồn tại nữa hay không, khi mà thực tế của các địa phương ấy cần có các trường dạy nghề hơn là các trường nghiên cứu.

Việc xây dựng các trường đại học ở các địa phương thực chất cũng bắt đầu từ mong mỏi muốn tạo điều kiện để địa phương phát triển, nâng cao năng lực con người của mỗi địa phương. Song, đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp và thà có 10 người giỏi nghề còn hơn có 100 cử nhân, kỹ sư nhưng thực sự không thể và không biết làm gì cho ra trò.

Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có khu công nghiệp, nhân công địa phương vẫn bị xem là thiếu tay nghề, dẫn tới việc nhiều nhà máy phải sử dụng nhân công nước ngoài. Vậy thì thay vì tổ chức một trường đại học hay cao đẳng không thể tạo ra những cử nhân, kỹ sư tài năng, việc xây dựng tuyến trường dạy nghề theo kiểu trường "bách nghệ" sẽ có tính thiết thực hơn, thu hút được sự quan tâm hơn của dân địa phương và cũng giảm được tình trạng nhập cư quá tải vào các đô thị lớn.

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 300 trường đại học và cao đẳng, và nếu chúng ta nhìn vào con số đó, so sánh nó với số tỉnh thành, số dân ở độ tuổi 18 đến 25, chúng ta nhận ra rằng đang có một khủng hoảng thừa đại học, cao đẳng thực sự. Và nếu coi giáo dục như ngành dịch vụ, khi cung nhiều hơn cầu, ắt sẽ dẫn đến tình trạng giá rẻ (điểm chuẩn thấp). Nhưng nếu thử tìm trường dạy nghề thực sự uy tín, có chất lượng và đa dạng ngành nghề, ta mới thấy điều đó khó đến mức nào.

Vẫn biết, làm thầy thì sang trọng nhưng không hẳn làm thợ sẽ chỉ lam lũ, vất vả và nghèo hèn. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, xã hội cần thầy nhưng rất cần cả thợ và một xã hội dư thừa thầy (nhưng không ra thầy) mà thiếu thợ thì sẽ là một xã hội mất cân bằng. Và chính cái mất cân bằng đó đến từ nguyên nhân mất cân bằng trong quy hoạch giáo dục. Thế thì phải chăng, đã đến lúc phải quy hoạch lại các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam để hướng tới một nền tảng giáo dục hợp lý, thực tiễn và hiệu quả hơn?

Hà Quang Minh
.
.