Cần quan tâm đến nhu cầu đọc sách của trẻ em miền núi

Thứ Sáu, 13/07/2007, 16:15
Làm sách cho thiếu nhi là phải biết hài hòa giữa quyền lợi của người làm sách với quyền lợi của trẻ em. Một cuốn sách được đánh giá là hay nhưng trẻ em không mua và không thích đọc thì chưa hẳn đã là một cuốn sách tốt.

Những năm qua NXB Kim Đồng đã có những kế hoạch cụ thể để đưa sách đến cho các em nhỏ miền núi, vốn là những nơi ít có điều kiện tiếp cận với các loại hình giải trí.

Từ năm 1993 đến năm 2005, chúng tôi đã có 1018 đầu sách với gần 30.000 bản (khoảng chừng 1,8 tỷ trang in) để cung cấp cho bạn đọc miền núi. Nhìn vào danh mục sách cho trẻ em miền núi có thể thấy, về văn học, tất cả các tác giả viết cho thiếu nhi trong nước đều đã có mặt.

Trong đó chúng tôi đặc biệt khuyến khích, cổ vũ các tác giả người dân tộc, làm sao để NXB Kim Đồng thực sự là nơi họ tin cậy gửi gắm những đứa con tinh thần của mình.

Làm sách cho thiếu nhi miền núi có gì khác so với sách cho thiếu nhi thành thị? Theo tôi, điều khác biệt lớn nhất ở đây nằm trong hình thức thể hiện. Khi chọn lựa tác phẩm, vấn đề,  đề tài cho các em miền núi chúng tôi thường lưu ý chọn những gì gần gũi, gắn bó, thiết thực nhất với các em. Các kiến thức muốn truyền đạt tới cho các em cũng phải là những kiến thức phổ thông nhất.

Sau khi đã lựa chọn được nội dung sách, chúng tôi suy nghĩ để có được một cách thể hiện phù hợp với thẩm mỹ và khả năng cảm thụ của các em. Ví dụ, bìa sách có thể trang trí những hình ảnh gần với môi trường văn hóa của các em.

Ngôn ngữ diễn đạt trong sách cũng phải làm sao cho thật dễ hiểu, phù hợp với tư duy của các em. Do điều kiện bảo quản sách ở miền núi chưa tốt, chúng tôi thường chọn khổ sách thuận tiện, hợp lý nhất.

Giấy in sách cũng không thể là giấy mỏng, bởi lưu lượng đọc sách của thiếu nhi miền núi trong thư viện nhiều hơn, dễ gây rách, hỏng hơn.

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao cùng một số tiền, trẻ em miền núi được đọc nhiều sách nhất, có được nhiều thông tin nhất, nên chúng tôi không làm sách quá đẹp. Mà phải hướng tới sự bền, sự rõ ràng, dễ hiểu, dễ bảo quản.

Truyện cổ các dân tộc miền núi được ban biên tập chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Làm sao để có được những cuốn sách hay, phù hợp, làm giàu có đời sống tinh thần của các em nhỏ miền núi vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về tiếp cận thông tin hơn các bạn ở miền xuôi.

Người làm sách cho thiếu nhi, theo tôi, là phải luôn nghĩ tới trẻ em. Nói như vậy không phải giáo điều, mà là một suy nghĩ thực tế, nó chi phối và hiển hiện trên từng cuốn sách.

Một đơn vị làm sách cho thiếu nhi là phải biết hài hòa giữa quyền lợi của người làm sách với quyền lợi của trẻ em. Một cuốn sách được đánh giá là hay nhưng trẻ em không mua và không thích đọc thì chưa hẳn đã là một cuốn sách tốt.

Vì thế người làm sách phải có được những hiểu biết quan trọng để biến một cuốn sách hay trở thành nhu cầu đọc của trẻ em. Viết cho trẻ em và biên tập sách cho trẻ em đôi khi còn khó hơn viết và biên tập sách cho người lớn

Vũ Quỳnh Trang
.
.