Phim hợp tác với nước ngoài

Cần những cái bắt tay hiệu quả

Thứ Tư, 03/09/2014, 08:00
Ngày 8/8 vừa qua, Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) và tập đoàn truyền thông lớn của Hàn Quốc là CJE&M đã họp báo ra mắt dự án sản xuất phim truyền hình dài 36 tập mang tên "Tuổi thanh xuân". Cùng thời điểm này, một bộ phim truyện nhựa hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản với tên gọi "Cuộc sống mới ở Việt Nam" cũng đã bắt đầu triển khai tiếp nối sự thành công trước đó từ dự án phim "Người cộng sự"... Xu hướng hợp tác quốc tế trong sản xuất phim đang được các làm phim hướng đến như một trong những cách làm mới, góp phần giải quyết phần nào khó khăn của điện ảnh hiện nay.

1.Trong cuộc họp báo diễn ra tại Hà Nội, phía Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết bộ phim "Tuổi thanh xuân" bấm máy vào ngày 10/8 tại Việt Nam. Có thể nói đây là dự án phim truyền hình dài hơi đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Là bộ phim về giới trẻ, "Tuổi thanh xuân" được đầu tư khá kỹ lưỡng từ kịch bản, ê kíp sản xuất đến sự tham gia của các diễn viên. Hai đạo diễn Việt Nam trong số 3 đạo diễn của phim là Khải Anh và Tiến Huy. Ngoài các diễn viên Hàn Quốc là những gương mặt được yêu thích như Shin Hae Sun, Shin Jae Ha, Kang Tae Oh và Roh Haeng Ha thì phía Việt Nam cũng góp mặt 4 diễn viên trẻ là Hồng Đăng, Việt Anh, Kim Tuyến và Nhã Phương.

Với nội dung xoay quanh cuộc sống của những người Việt trẻ tại xứ sở kim chi, phim dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng ở cả Việt Nam và Hàn Quốc. Kinh phí của phim cũng được chia đều theo tỉ lệ 50: 50. Tuy nhiên, theo tiết lộ của các nhà sản xuất thì mỗi tập phim sẽ cao hơn gấp 3 đến 4 lần kinh phí làm phim thông thường ở Việt Nam.

Dự kiến, phim sẽ ra mắt vào cuối năm 2014 trong khung giờ vàng. Phía VTV kỳ vọng, với đối tác là một trong những nhà sản xuất phim và chương trình truyền hình lớn nhất xứ kim chi, sở hữu nhiều kênh truyền hình và trường quay hiện đại, sự hợp tác này hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả một bộ phim có chất lượng cao về nội dung lẫn chất lượng hình ảnh, kỹ thuật.

"Tuổi thanh xuân" có thể coi như là sự tiếp nối trong việc mở rộng phạm vi làm phim của các nhà sản xuất trong nước ra nước ngoài sau sự thành công của "Hai phía chân trời", "Hương bánh khảo"... Dù không có một đối tác tầm cỡ như ở "Tuổi thanh xuân" nhưng "Hai phía chân trời" cũng đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc. Với bối cảnh phim ở châu Âu, nói về cuộc đời, số phận những người lao động Việt Nam tại miền tuyết trắng, "Hai phía chân trời" thực sự là một bộ phim xúc động với khán giả trong và ngoài nước.

Gần đây hơn, bộ phim "Người cộng sự" không chỉ khắc họa chân thực, xúc động tình bạn giữa chí sĩ Phan Bội Châu và doanh nhân Tetsuya của Nhật Bản mà còn đánh dấu sự hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất phim. Ngoài giải thưởng Bông sen Vàng cho thể loại phim truyền hình, phim còn nhận được 3 giải thưởng cá nhân là quay phim xuất sắc nhất, nam diễn viên xuất sắc nhất và nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18.

Dù có sự góp mặt của những ngôi sao nổi tiếng nhưng bộ phim hợp tác với Thái Lan ''Truy sát'' không thành công như mong đợi.

Cùng thời điểm này, một dự án phim truyện nhựa với tên tạm gọi là "Cuộc sống mới ở Việt Nam", chuyển thể từ tác phẩm "Quãng đời cuối cùng ở Việt Nam" của nữ nhà văn Nhật Bản Komatsu Miyuki cũng đã được các nhà làm phim triển khai, dự kiến sẽ bấm máy vào tháng 11/2014. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn Nhật Bản Kabuki Omori, nhà sản xuất Yutaka Otaka… Phía Việt Nam là sự tham gia của đạo diễn Tất Bình và Công ty cổ phần Phim truyện I cũng sẽ đồng tham gia sản xuất. Nội dung phim nói về một phụ nữ Nhật sang làm giáo viên dạy ngoại ngữ. Sau đó chị đưa mẹ ruột tới Hà Nội ở cùng. Sự yên bình ở Việt Nam là môi trường gắn kết tình cảm giữa hai mẹ con... Phía nhà sản xuất phim cho biết, phim chủ yếu lấy bối cảnh tại Việt Nam nên sẽ đặc biệt chú trọng giới thiệu cho khán giả Nhật Bản và thế giới những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

2. Xu hướng hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh và truyền hình đang được các nhà sản xuất phim chú trọng. Nếu những cái bắt tay này đạt được hiệu quả thì không chỉ đẩy mạnh hợp tác sản xuất phim với các đài truyền hình, tập đoàn truyền thông lớn trong khu vực, thế giới mà còn góp phần quảng bá rộng rãi văn hóa Việt Nam. Xu hướng hợp tác làm phim không phải bây giờ mới có mà trước đó, đã rải rác ở một số tác phẩm như "Vượt qua bến Thượng Hải", "Hà Nội, Hà Nội", "Mười", "Mùa len trâu"… Điều nhìn thấy trước tiên đối với những nhà làm phim Việt Nam trong sự hợp tác này là cơ hội học hỏi từ các bạn diễn nước ngoài. Diễn viên Huỳnh Đông, người thủ vai chí sĩ Phan Bội Châu chia sẻ đã có nhiều kinh nghiệm quý báu khi làm việc với đạo diễn, bạn diễn Nhật Bản. Còn nghệ sĩ Minh Hải, người đóng vai Nguyễn Ái Quốc trong "Vượt qua bến Thượng Hải" lại ấn tượng với trường quay hoành tráng và cách làm việc hết sức chuyên nghiệp của ê kíp sản xuất phim tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong lĩnh vực hợp tác sản xuất phim, sự thành công lại nghiêng nhiều về mảng phim truyền hình hay phim truyện nhựa có tính chất chào mừng kỷ niệm, phim đặt hàng hơn là những phim có tính chất giải trí. Năm 2013 là năm đánh dấu khá nhiều dự án phim hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và nước ngoài ở thể loại phim giải trí, trong đó phải kể tới "Lọ lem Sài Gòn", "Ranh giới trắng đen", "Truy sát"… Nhưng dù được quảng bá rầm rộ ngay từ khi bắt tay vào sản xuất và khâu phát hành nhưng các phim này không để lại dấu ấn trong lòng khán giả cũng như giới chuyên môn.

"Truy sát" là bộ phim hành động hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan với sự tham gia của những diễn viên nổi tiếng như Dustin Nguyễn và người mẫu BB Phạm. Khán giả kỳ vọng đây sẽ là một bộ phim hành động trinh thám hấp dẫn nhưng khi ra rạp, với những tình tiết chậm chạp, dài dòng, hành động ít khiến khán giả không khỏi hụt hẫng. Kịch bản phim thiếu logic, rõ ràng khiến không ít người xem bước chân ra khỏi phòng chiếu mà vẫn hoài nghi về thông điệp, điều mà các nhà làm phim muốn gửi gắm. "Ranh giới trắng đen" đánh dấu sự hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và Indonesia, có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất, chỉ đạo võ thuật đến từ Indonesia, Hồng Kông nhưng cũng thất bại tại phòng vé. "Lọ lem Sài Gòn" cũng chịu chung số phận vắng khán giả dù đây là phim hợp tác với điện ảnh Hàn Quốc...

Không khó để nhận ra, nguyên nhân thất bại của những bộ phim trên bởi kịch bản theo mô típ cũ, ví dụ như "Lọ lem Sài Gòn" đi vào lối mòn là tình yêu của đôi trai gái khác xa nhau về hoàn cảnh và địa vị xã hội như trong rất nhiều bộ phim Hàn Quốc; còn "Truy sát" thì na ná những bộ phim hành động Hồng Kông mà khán giả quá quen thuộc… Ngoài ra, sự chưa kết hợp được hài hòa yếu tố nội và ngoại cũng khiến phim khó chinh phục người xem. Đôi khi, tiết tấu phim, cách kể chuyện phù hợp với tâm lý khán giả nước ngoài nhưng không phù hợp với gu của khán giả trong nước. Hoặc ở một số phim, sự hợp tác mới dừng lại ở hình thức, lấy cái mác ngoại như một mồi câu để thu hút khán giả. Kỹ năng làm việc cùng điều kiện kỹ thuật và trang thiết bị của đối tác cao hơn mình cũng là cái khó cho sự hợp tác nên lâu nay các nhà làm phim trong nước coi đây như một "cơ hội để học hỏi" hơn là mục tiêu kinh doanh điện ảnh.

Không thể phủ nhận những cái bắt tay đã có và ngày càng nhiều nhưng hiệu quả chưa thật sự như kỳ vọng. Có một thực tế ai cũng biết là công nghệ làm phim của Việt Nam còn thua các nước trong khu vực, đội ngũ làm phim còn theo kiểu nghiệp dư và một điểm yếu nữa của các nghệ sĩ Việt Nam là không thông thạo ngoại ngữ. Điều này cản trở rất nhiều trong việc hợp tác với nước ngoài. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thì khẳng định: "Hợp tác tức là hai bên cùng bỏ tiền. Chưa đủ lực kinh tế để hợp tác thì cả đạo diễn lẫn diễn viên sẽ chỉ là đi làm thuê cho các đạo diễn nước ngoài". Mong rằng, thời gian gần đây, với sự "chịu chơi" của các nhà làm phim, sự tham gia của những người trẻ thông minh, điện ảnh Việt Nam sẽ khắc phục được những hạn chế trong việc hợp tác sản xuất phim

K.T.
.
.