Ý kiến ngắn

Cần nhân rộng tính giáo dục đạo đức trong văn chương

Thứ Năm, 28/08/2014, 08:00
Giá trị của sáng tác văn học được đặt trên những tiêu chí về tính chân - thiện - mỹ. Và thước đo của giá trị ấy là tính nhân văn trong từng cốt truyện, nhân vật và thông điệp muốn gửi gắm của người viết. Trong bài viết này, tôi muốn cùng bạn đọc nhớ lại những sáng tác văn học giàu giá trị giáo dục đạo đức. Qua thời gian, các giá trị ấy vẫn còn nguyên vẹn và vẫn gây xúc động với người đọc.

Cuốn tiểu thuyết "Những tấm lòng cao cả" của Edmondo De Amicis (1846 - 1908),  một nhà văn, nhà hoạt động chính trị - xã hội nổi tiếng của nước Ý trở lại trong trí nhớ của tôi khi bắt đầu bài viết này. Bởi qua hơn 40 năm cầm bút, Edmondo để lại khá nhiều tác phẩm. Song, trong số đó, "Những tấm lòng cao cả" ra đời từ những năm 80 của thế kỷ XIX thực sự đưa tên tuổi nhà văn vượt ra khỏi biên giới nước Ý và đi khắp thế giới.

Tôi biết đến "Những tấm lòng cao cả" từ khi còn ngồi trên ghế trường THCS. Thầy giáo chủ nhiệm của tôi dành tiết sinh hoạt thứ hai đầu tuần để đọc từng mẩu truyện mà Enricô chép lại trong cuốn nhật ký của mình. Lần nào đọc, thầy cũng khóc. Vì những xúc động trong từng mẩu truyện đơn giản, mộc mạc, gần gũi với đời thường nhưng chất chứa nhiều bài học đạo đức bổ ích. Tôi và các bạn tôi không phải là những người duy nhất còn ấn tượng và nhớ những câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết này. Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học nghệ thuật, cho đến nay, tác phẩm bất hủ này vẫn vang vọng và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc, đặc biệt là các em thiếu nhi ở các thời đại khác nhau.

Trong đời sống văn học trong nước và quốc tế, không thiếu những tác phẩm giàu giá trị giáo dục đạo đức. Ngoài "Những tấm lòng cao cả" của Edmondo De Amicis còn nhiều tác phẩm khác gây xúc động trong lòng người đọc với những thông điệp và bài học đầy ý nghĩa về nghĩa cử nhân văn. Như "Người thầy đầu tiên" của văn hào người Kyrgyzstan Aitmatov. Tác phẩm lấy bối cảnh vùng quê hẻo lánh Kyrgyzstan, khi trình độ phát triển nơi đây còn thấp, tư tưởng phong kiến, gia trưởng nặng nề, phụ nữ bị coi thường và trẻ em mồ côi bị rẻ rúng. Nhân vật chính là Antưnai 15 tuổi có một tuổi thơ bất hạnh. Một ngày kia, thầy giáo Đuysen được cử về trường Cucurêu dạy học và vô tình gặp Antưnai. Thầy Đuysen trải qua bao vất vả mới xin được gia đình bà thím cho phép Antưnai đi học. Rồi thầy bảo vệ các học trò của mình, trong đó có Antưnai để sau này lớn lên, Antưnai trưởng thành và thành công với vị trí viện sĩ. Rồi đến "Tottochan - cô bé bên cửa sổ" của tác giả Tetsuko - nữ diễn viên, ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên Nhật Bản. Trong bản dịch tại Việt Nam, tác giả Tetsuko có viết những dòng gửi độc giả Việt, trong đó có đoạn: "Trường tiểu học mãi mãi là nơi tôi yêu thích nhất và không có người nào ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn thầy hiệu trưởng". Cuốn sách như tự truyện của cô với những bài học ấu thơ làm đòn bẩy để học trò trưởng thành và theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.

"Người thầy" của thầy giáo Frank McCourt là một cuốn tự truyện được tặng giải Pulitzer danh giá của Mỹ. Những câu chuyện được kể lại đều gắn với từng chặng đường làm nghề dạy học của tác giả. Điều đáng quan tâm hơn, dù có nhiều khó khăn với những giai đoạn bế tắc, nhưng chưa bao giờ người viết tự truyện thể hiện sự chán chường và có ý định bỏ công việc "trồng người" mà mình gắn bó. Các nhà phê bình nhận định cuốn sách này là: "Một cuốn sách cũng nên là tài liệu bắt buộc cho mọi giáo viên ở Mỹ".

Nhìn lại những tác phẩm văn học giàu giá trị đạo đức và sức ảnh hưởng tới những bạn đọc yêu văn hóa đọc truyền thống, tôi chợt tiếc cho nhiều sáng tác văn học chỉ đi vào khai thác tính giải trí đơn thuần, hoặc chạy theo một trào lưu hời hợt nào đó mang tính thị trường. Những sáng tác ấy chỉ vụt qua tâm trí bạn đọc trong sự tò mò mà không đọng lại. Văn học Việt Nam cũng như nước ngoài cần lắm những sáng tác giàu giá trị giáo dục như những cuốn sách nhắc tới trên

Hải Minh
.
.