Dịch văn học không chỉ là chuyển ngữ:

Cần có những con mắt tinh đời

Thứ Năm, 28/06/2007, 15:00

“Cần phải có những chuyên gia về sách thực sự, có con mắt tinh đời, có trình độ và sự chuyên tâm đóng vai trò như một “bộ lọc” tốt, để bớt đi những “rác thải” văn hóa đang bày la liệt ngoài cửa hàng sách hiện nay, làm khó độc giả", nhà thơ, dịch giả Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, nói.

- Là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, lại từng tham gia Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, ông cũng biết rằng, giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tác phẩm văn học dịch có tiêu chí là tác phẩm đó phải được dịch từ bản ngữ. Nhưng giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội (trực thuộc Hội Văn nghệ Hà Nội) lại cho phép tác phẩm được giải có thể chuyển ngữ từ thứ tiếng thứ 3. Phải chăng Hội Nhà văn Hà Nội  đang tự hạ thấp tiêu chí trao giải Văn học dịch?

- Chúng tôi không cho rằng, chúng tôi đã hạ thấp tiêu chí giải thưởng Văn học dịch xuống mà là mở rộng biên độ cho các tác phẩm văn học dịch tham gia vào giải thưởng cũng như tham gia vào đời sống theo đòi hỏi của thực tế. Chúng ta đã hội nhập. Khoảng cách giữa các nền văn hóa đang dần thu hẹp lại bởi công nghệ thông tin toàn cầu hóa. Cơ hội giao lưu đang mở ra, cho phép chúng ta được tìm hiểu, khám phá nhiều nền văn học trên thế giới, không chỉ là các nước có ngôn ngữ được nhiều người sử dụng như Anh, Pháp, Nga, Nhật, Trung Quốc....

Nếu chúng ta yêu cầu các tác phẩm văn học đều phải được dịch từ bản ngữ thì vô hình chung chúng ta tự hạn chế cơ hội giao lưu, khám phá vẻ đẹp của nhiều nền văn học trên thế giới. Vì chúng ta không có một đội ngũ dịch giả am hiểu ngôn ngữ của các nước có hệ thống ngôn ngữ không được phổ cập trên thế giới, như là chính tiếng Việt của chúng ta.

Nhiều nhà văn của các nước nhỏ được độc giả toàn cầu biết tới vì tác phẩm của họ được chuyển qua một ngôn ngữ trung gian như Anh, Pháp, Nga... trước khi được dịch ra thứ tiếng khác. Một số tác phẩm của nhà văn Việt Nam được độc giả các nước biết tới cũng là qua chuyển ngữ tiếng Anh rồi mới dịch ra ngôn ngữ nước đó.

Tất nhiên việc dịch tác phẩm từ nguyên bản ngôn ngữ gốc mà nhà văn sáng tạo vẫn là điều tuyệt vời hơn cả. Song, trong điều kiện hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận những bản dịch qua thứ tiếng thứ 3. Vấn đề là dịch giả phải lựa chọn được cách tiếp cận sao cho gần gũi nhất với nguyên tác. Và bản dịch phải hay, phải chuyển tải được nội dung và tinh thần của tác phẩm đó, nhà văn đó....

- Ngôn ngữ của một quốc gia luôn có sự phát triển. Người dịch phải đối mặt với nguy cơ lạc hậu về ngôn ngữ mình thông thạo, nếu như không được tiếp xúc với ngôn ngữ đương đại của nền văn hóa đó. Cá nhân ông phải làm thế nào để luôn “cập nhật” ngôn ngữ của đời sống hôm nay vào trong vốn liếng ngoại ngữ của mình, để có thể chuyển tải tốt một tác phẩm hiện đại của nền văn học khác sang tiếng Việt?

- Muốn mình không lạc hậu với thứ ngôn ngữ mình đã học thì phải luôn trau dồi, học hỏi qua sách báo, truyền hình, tiếp xúc với người bản địa, đi du lịch, đến sống ở môi trường văn hóa của ngôn ngữ ấy... Nhưng, không phải ai cũng có điều kiện thuận tiện để nâng cao vốn liếng ngoại ngữ của mình. Nhiều người dịch sách văn học ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị lạc hậu về thứ tiếng mình dịch là một thực tế. Lạc hậu đến mức có khi dịch sai, cảm nhận sai tinh thần của tác phẩm. Vì có thể cùng một từ ấy, nghĩa ấy, mấy chục năm trước người ta hiểu thế này, nhưng hiện nay lại được hiểu khác đi rồi. Mỗi ngày, ngôn ngữ của mỗi quốc gia lại bổ sung vào vốn liếng của nó những từ ngữ mới, những cách sử dụng mới. Người dịch sách phải rất chú trọng về điều này thì mới có thể dịch thành công.

- Trong bất cứ công việc gì người ta cũng đề cao tính chuyên nghiệp. Nhưng trong dịch văn học có thể nhận thấy, không một dịch giả nào nhận mình là người làm nghề chuyên nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng những người dịch văn học chân chính đang làm công việc này thuần túy vì tình yêu và lòng say mê. Bởi thù lao cho công sức, chất xám của họ đang rất rẻ mạt. Một người mất hàng tháng trời hoặc hơn thế nữa, miệt mài chuyển ngữ một tác phẩm nhưng nhuận bút chẳng đủ để uống trà. Thế thì người ta ẩu, người ta không dốc tâm dốc sức vào cũng là lẽ hiển nhiên.

Chúng ta đang kêu về các thảm họa dịch thuật. Dịch ẩu, dịch sai, dịch qua quýt, xé lẻ một tác phẩm ra cho nhiều người dịch dẫn đến cảnh “5 cha 3 mẹ”.... đang là những căn bệnh trầm kha của dịch thuật, điều này ai cũng biết. Đời sống văn học dịch đang nhiễu loạn, lộn xộn, chụp giật như một cái chợ ai cũng biết. Theo tôi, một mặt trách cứ các dịch giả, mặt khác cũng phải thừa nhận rằng ta chưa đánh giá đúng công sức lao động của họ.

- Vậy, ông có kiến giải gì cho tình trạng đáng buồn này chăng?

- Kêu gọi lương tâm của dịch giả là một cách nói, nhưng vấn đề vẫn phải là có những chiến lược cụ thể của ngành văn hóa, của Hội Nhà văn. Tôi nhớ, đã từng có ý kiến đề xuất phải có một Hội đồng bao gồm những chuyên gia về ngôn ngữ để làm công việc đọc, thẩm định, chọn lựa những tác phẩm cần và phù hợp với độc giả và giúp ích cho sự tiến bộ của nền văn hóa Việt Nam, nếu không, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả là cùng với sự mở cửa của nền kinh tế, rất nhiều “rác rưởi” văn hóa sẽ ùa vào tạo nên một đội ngũ những người làm dịch thuật ẩu, lấy mục đích thương mại làm chính. Nay thì ta đang phải đối mặt với tình trạng này thật rồi.

Tôi cho rằng ngành văn hóa phải vào cuộc và có những chiến lược, cơ chế hợp lý, quyết liệt thì may ra mới giải quyết được vấn đề này. Cần phải có những chuyên gia về sách thực sự, có con mắt tinh đời, có trình độ và sự chuyên tâm đóng vai trò như một “bộ lọc” tốt, để bớt đi những “rác thải” văn hóa đang bày la liệt ngoài cửa hàng sách hiện nay, làm khó độc giả.

- Trong tình hình như vậy, ông có lời khuyên nào dành cho độc giả trong việc chọn lựa sách dịch để đọc, khi mà họ đang hoang mang khi đứng trước quầy sách?

- Thực lòng mà nói tôi không biết khuyên gì độc giả, bởi chính tôi cũng không biết khuyên mình ra sao khi chọn sách để đọc. Nhưng có một điều căn bản tôi muốn nói là, bạn đọc nên tìm hiểu kỹ những thông tin về tác giả, tác phẩm và người dịch sách trước khi quyết định lựa chọn một cuốn sách.

- Xin cảm ơn nhà thơ Bằng Việt

Vũ Quỳnh Trang
.
.