Cần chú trọng bồi dưỡng nền tảng văn hóa

Thứ Năm, 29/06/2017, 10:57
Cuộc họp báo thường kỳ quý II - 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) diễn ra với một câu hỏi khá thú vị mà báo giới đặt ra cho ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ. Câu hỏi xoáy vào việc phải chăng Bộ VHTT&DL có chỉ đạo bắt ép cán bộ công chức của mình phải mua vé ủng hộ các chương trình nghệ thuật đỉnh cao. 


Và câu trả lời của ông Nguyễn Thái Bình đã phủ nhận sự ép buộc ấy, nhưng ông thừa nhận, Văn phòng Bộ có khuyến khích cán bộ công chức trong ngành mua vé để ủng hộ các chương trình nghệ thuật đỉnh cao trên tinh thần đồng nghiệp tương thân, tương ái.

Song song đó, ông Nguyễn Thái Bình cũng đưa ra ví dụ về những nghệ sỹ chèo với thù lao chỉ 200 ngàn đồng mỗi suất diễn, khi ra diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, cố gắng trả cho anh em nghệ sỹ tốt hơn thì cũng chỉ được 500 ngàn đồng. Từ những khó khăn điển hình mà ông Nguyễn Thái Bình chỉ ra, chúng ta nhận thấy việc kêu gọi ủng hộ, nhất là với những bộ môn nghệ thuật truyền thống là rất đáng trân trọng.

Cách làm của Bộ VHTT&DL đúng hay sai, vấn đề còn gây tranh cãi, nhưng chúng ta hãy tạm dẹp các tranh luận đúng - sai sang một bên để nhìn thẳng vào mặt bằng xã hội hôm nay và thực trạng của những môn nghệ thuật không dành cho đại chúng. 

Rõ ràng, chúng ta thấu hiểu rằng, khi đã không phục vụ đại chúng, và lại ở hoàn cảnh số lượng khán giả của các loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật hàn lâm ngày càng là thiểu số, đời sống của nghệ sỹ của các loại hình nghệ thuật đó vất vả đến nhường nào.

Bồi dưỡng văn hoá để phát triển và xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.

Thực tế, không phải là có hàm ý phân biệt, kỳ thị, nhưng ở nhiều nước trên thế giới, đất sống của các loại hình nghệ thuật hàn lâm cũng chỉ chủ yếu ở những đô thị, nơi tập trung lực lượng trung lưu và trí thức. Nghệ thuật hàn lâm đòi hỏi kiến thức nhất định để thưởng thức và lực lượng trung lưu và trí thức chính là những thành phần có được sự am tường nhất định, gu thẩm mỹ ở mức độ nhất định đủ tiệm cận với "độ khó" của nghệ thuật hàn lâm. Thậm chí, không phải cứ ai là trung lưu, trí thức cũng có thể cảm nhận được nghệ thuật hàn lâm, thứ vốn dĩ được mặc định dành cho giới nhà nghề hoặc lực lượng tinh hoa.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, rõ ràng chúng ta nhận thấy mặt bằng mỹ học của xã hội không cao và điều đó là trở ngại chính yếu để những loại hình nghệ thuật hàm lâm có được đất sống. Thêm vào đó, quán tính lười mua vé, lười thưởng thức lại những buổi trình diễn sau một lần đầu đã thưởng lãm cũng khiến việc dàn dựng một chương trình nghệ thuật hàn lâm trở nên vô cùng khó khăn.

Thường ở các nước phát triển, một chương trình được dàn dựng để diễn kéo dài cả năm nhằm tối ưu hoá doanh thu từ khán giả. Vậy mà vẫn phải nhờ cậy vào sự tài trợ một phần (thậm chí có nơi toàn phần) của chính phủ, các quỹ, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm.

Như vậy, rõ ràng, việc hỗ trợ nhau trên tinh thần tương thân, tương ái mà ông Nguyễn Thái Bình đưa ra chỉ là chữa cháy phần ngọn chứ không phải một giải pháp từ gốc. Giải pháp từ gốc ấy, nói đúng ra, lại không chỉ là nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL mà nó đòi hỏi một sự vận động của toàn xã hội, để tạo ra, và bồi dưỡng, duy trì những thế hệ người Việt mới có gu thẩm mỹ cao hơn, có kiến thức, nền tảng văn hoá tốt hơn, ngõ hầu biến họ trở thành công chúng thế hệ mới.

Đơn giản, chỉ có công chúng mới nuôi dưỡng được nghệ sỹ một cách bền chắc nhất, đặc biệt là ở những quốc gia còn nhiều khó khăn như Việt Nam ta.

Điều đáng nói là những cá nhân, ngành nghề có liên quan lại chưa thực hiện được nhiệm vụ khó khăn và vĩ mô này. Đơn cử, mỗi gia đình chưa có ý thức hướng con cái mình đến một gu thẩm mỹ đẹp hơn; lực lượng truyền thông chưa có sự quan tâm quảng bá, truyền bá, phổ cập tri thức về nghệ thuật cao cấp cho công chúng và ngành Giáo dục gần như phớt lờ những môn học (tự chọn) về mỹ học cơ sở, đủ làm nền tảng xây dựng những con người văn hoá.

Chỉ có một lực lượng duy nhất đang lầm lũi thực hiện công việc ấy và họ chính là những nghệ sỹ vẫn còn đau đáu với thẩm mỹ âm nhạc của công chúng nên họ đích thân đầu tư mở trường dạy nhạc cho trẻ em với một giáo trình văn minh, cập nhật. Điển hình là vợ chồng Anh Quân - Mỹ Linh; Thanh Bùi; Đức Trí… Nhưng nỗ lực của họ là quá nhỏ và hơn nữa vẫn bị nhìn nhận tiêu cực là hoạt động kinh doanh giáo dục đơn thuần.

Mới đây, một tập đoàn lớn vừa đầu tư mở một trung tâm nghệ thuật đương đại và lập tức hành động ấy đã khiến hình ảnh của họ trong mắt giới nghệ thuật trở nên thiện cảm hơn nhiều. Nhưng với một việc trường kỳ như vậy, rất cần sự bền chí, và cần cả sự tương tác, cùng tham gia, cùng chung tay của cả những nhà đầu tư khác, những người nên hiểu rằng nếu công chúng càng có văn hoá hơn, thị trường Việt Nam cũng sẽ càng trở nên cao cấp hơn thì sẽ mang lại cho họ một môi trường kinh doanh tốt hơn.

Hà Quang Minh
.
.