Các cuộc thi ca hát trên truyền hình: Không hay thì chợ vẫn đông

Thứ Sáu, 15/11/2013, 09:00

Giọng hát Việt - The Voice còn chưa về đích thì Vietnam Idol 2013 đã khởi động. Song song với đó, một gameshow ca hát có format của nước ngoài mới toanh mang tên The X-Factor lại chuẩn bị lên sóng giờ vàng. Sự nở rộ của các cuộc thi ca hát khiến không ít người lo ngại rằng nguồn thí sinh đâu ra để cung ứng cho chương trình? Nhưng những gì đang thể hiện lại khiến họ giật nảy vì nỗi lo của mình quá thừa thãi: Các cuộc thi ca hát sẽ chẳng bao giờ cạn vốn thí sinh dù đã nhàm chiêu trò!

Vietnam Idol 2013 thu hút hơn 24.000 thí sinh tham gia "thử giọng". Hai vòng sơ tuyển tại Hà Nội và Tp HCM, hàng ngàn bạn trẻ dãi nắng dầm mưa từ sáng sớm đến 10h đêm để chờ tới lượt mình. Thậm chí có người thức trắng, nhịn đói xếp hàng đến sáng hôm sau để không bỏ lỡ cơ hội. Cảnh chen lấn, xô đẩy liên tục diễn ra đến nỗi sập hàng rào, không ít người mếu máo vì bị kẻ gian lợi dụng móc túi trong tình trạng hỗn loạn này. Cơ hội trở thành thần tượng như slogan của chương trình "from zero to hero" (từ số không thành người hùng) có sức hấp dẫn mãnh liệt với các bạn trẻ.

Năm nay, nhằm tạo cơ hội cho nhiều thí sinh không có điều kiện đến thử giọng trực tiếp tại vòng sơ tuyển ở Hà Nội và Tp HCM, cuộc thi đã mở ra vòng thử giọng gián tiếp trên trang facebook cá nhân của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Thi thực tế đã rầm rộ như vậy, cuộc thử sức trên mạng cũng rầm rộ không kém. Chỉ gần một tháng phát động, trang facebook cá nhân của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nhận được hàng trăm video clip của các thí sinh trên khắp mọi miền đất nước gửi về dự thi.

Sân chơi The X-Factor mang format nước ngoài đầy mới mẻ chuẩn bị rục rịch lên sóng cũng nhanh chóng nhận được hàng ngàn hồ sơ đăng ký tham gia. Mỗi năm, trên truyền hình có khoảng 5 cuộc thi ca hát quy mô. Các cuộc thi ca hát dành cho trẻ em như Đồ Rê Mí, The Voice Kids; cuộc thi dành cho người trẻ như Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Vietnam Idol, The Voice, Cặp đôi hoàn hảo đến cuộc thi hát cho người già như Tiếng hát mãi xanh luôn thu hút đông đảo thí sinh tham gia. Thắng đậm nhất vẫn là các chương trình truyền hình thực tế như Vietnam Idol, The Voice và hứa hẹn ở người em "sinh sau đẻ muộn" The X-Factor.

Chứng kiến cảnh hàng ngàn thí sinh dầm mưa dãi nắng đi thi Vietnam Idol 2013 và sự nở rộ các cuộc thi ca hát, nhiều người không khỏi thảng thốt: Người Việt mình yêu âm nhạc đến thế sao?

Người Việt yêu âm nhạc là một chuyện nhưng việc họ có tài năng âm nhạc hay không, muốn gắn bó trăm năm với âm nhạc hay chỉ vui qua đường lại là chuyện khác. "Hát hay không bằng hay hát" đã trở thành triết lý bất thành văn của người Việt. Hay hát nên các quán karaoke, tụ điểm hát với nhau ngày càng phổ biến. Bây giờ, từ nông thôn đến thành thị, nhiều nhà đã có dàn karaoke gia đình. Nhiều người lo ngại việc luyện giọng ở mức bình dân như thế diễn ra thường xuyên, sống trong môi trường âm nhạc đó, lâu dần người ta quen, cho rằng như thế là chuẩn, là hay. Và với tinh thần này, người ta đua nhau…đi thi. Điều này dẫn đến sự ảo tưởng của nhiều thí sinh đã và đang xuất hiện trong các chương trình truyền hình thực tế trước đó.

Hàng ngàn bạn trẻ chen lấn, đội mưa đội nắng chờ đến lượt dự thi vòng Thử giọng Vietnam Idol 2013.

Nguyễn Hồng Quang, thí sinh từng bị nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng phần trình diễn ca khúc "Mất trí nhớ" do anh sáng tác là một "thảm họa" ở vòng Thử giọng Vietnam Idol 2012, năm nay lại tiếp tục dự thi. Quang lại thể hiện ca khúc do chính anh sáng tác "Nhớ được em" khiến nhiều người thấp thỏm cho "thảm họa tập 2".

Còn nhớ trong buổi ra mắt chương trình Vietnam Idol 2012 tại Tp HCM, lúc MC Huy Khánh hỏi các thí sinh tại sao lại muốn tham dự chương trình này, một bạn nữ tự tin đáp: "Vì em thấy em hát hay, em có thể hát được nhiều giọng khác nhau". Thế nhưng khi bạn nữ này thể hiện, cả đám đông ồ lên chê bai vì giọng quá… thường. MC Huy Khánh lắc đầu: "Tôi thấy hai giọng hát mà bạn cho là khác nhau hoàn toàn giống nhau". Cũng tương tự, một nữ thí sinh cho rằng mình phải được giải nhất, sẽ soán ngôi Uyên Linh, ban giám khảo không chấm mình đậu là ban giám khảo "có vấn đề"… Chuyện ảo tưởng về bản thân xảy ra nhan nhản trong các chương trình truyền hình thực tế. Những người tham gia các cuộc thi này luôn tâm sự mình rất đam mê ca hát, nên dù rớt vẫn cố đeo đuổi.

Theo giới chuyên môn, các cuộc thi ca hát này đang cổ vũ mạnh mẽ cho triết lý "hát hay không bằng hay hát" khi liên tục xuất hiện những cuộc thi ca hát mới. Điều này đồng nghĩa với tính nghiệp dư, tính phong trào đang được nhân rộng. Khá nhiều giọng ca ở các chương trình này thường chỉ làng nhàng, tương đương với những giọng ca karaoke cấp phường, xã. Gương mặt đoạt giải quán quân của những cuộc thi này gần đây có phong độ thất thường, không hẳn là những giọng ca quá xuất sắc mà thường có hoàn cảnh éo le, giúp nhà đài níu giữ rating. Uyên Linh và Hương Tràm là may mắn ngoài dự đoán của các chương trình này.

Trong khi lắm người ùn ùn đi thi hát vì ảo tưởng về tài năng của mình thì không ít kẻ đi thi để nắm thời cơ. Bỏ qua mọi hứa hẹn rằng bạn sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng, sẽ có cơ hội làm việc với những nghệ sĩ trong môi trường chuyên nghiệp thì một điều dễ nhận thấy nhất chính là giải thưởng "khủng" của truyền hình thực tế. Giải thưởng dành cho người thắng cuộc của The Voice, Vietnam Idol, X-Factor không bao giờ dưới mức 500 triệu đồng. Một số tiền "khủng" hơn rất nhiều các cuộc thi quốc nội khác. Số tiền này đâu ra? Lợi nhuận từ quảng cáo, nhà tài trợ là điều khỏi bàn cãi vì các cuộc thi truyền hình thực tế toàn phát sóng vào giờ vàng, lắm chiêu trò thu hút công chúng. Sức hút của kim tiền dễ mê hoặc.

Tâm sự trước vòng Thử giọng ở Vietnam Idol 2013, lắm thí sinh ôm mộng đổi đời, đầu tiên bằng số tiền thưởng, sau là nghiệp ca sĩ. The X-Factor ra đời, nhiều người dám chắc sẽ có những gương mặt quen. Bởi việc các gương mặt đã từng "chinh chiến" ở nhiều chương trình ca hát khác xuất hiện ở các chương trình truyền hình thực tế không còn là điều lạ. Đơn cử như Vietnam Idol mới khởi động nhưng khán giả đã bắt gặp rất nhiều gương mặt quen từng thành công ở các cuộc thi ca hát quốc nội trước đó.

Nguyễn Đông Hùng, giải triển vọng Sao Mai - Điểm hẹn 2012 cho biết: "Chưa có một sản phẩm âm nhạc nào sau cuộc thi nên tôi nghĩ việc tham gia Vietnam Idol sẽ giúp tôi có cơ hội giới thiệu những điều mới mẻ của mình đến khán giả hơn". Quang Huy, giải nhất Tiếng hát truyền hình Tp HCM 2012 lại bày tỏ: "Thật sự tôi cũng khá đắn đo và áp lực khi quyết định thi Vietnam Idol. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng mình sẽ mang đến hình ảnh mới mạnh mẽ và dữ dội hơn so với những gì thể hiện ở mùa trước". Thậm chí nhiều diễn viên, người đẹp cũng thử tài ca hát như: Bạch Công Khanh (nổi tiếng với các phim "Thứ 3 học trò", "Lặng lẽ yêu em"), Lê Hạ Anh (top 10 cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2012).

Giọng hát Việt mùa này cũng đón nhận nhiều gương mặt quen đi sâu vào những vòng trong như Dương Hoàng Yến (Sao Mai - Điểm Hẹn 2008), Hà Linh (giải nhất dòng nhạc nhẹ Sao Mai 2007), Nguyễn Văn Viết (top 16 Vietnam Idol 2010)...

Khi được hỏi lý do tham gia họ đều cho rằng mình rất đam mê nghệ thuật, đam mê ca hát nên muốn tiếp tục chặng đường chinh phục âm nhạc. Sự mờ nhạt tên tuổi dù thành công từ những cuộc thi gắn mác quốc nội buộc họ phải tìm đến các chương trình truyền hình thực tế để kiếm tìm danh tiếng. Bởi đối với bất kỳ thí sinh vô danh nào, nếu chỉ xuất hiện ở các gameshow này 5 phút đã được công chúng biết mặt, gọi tên, thì với những gương mặt đã dầy dặn "chinh chiến" này, được công chúng trầm trồ thán phục là điều hiển nhiên.

Vietnam Idol 2013 giờ này chưa phát lộ những giọng ca ấn tượng mà chỉ có những phận đời thương cảm như Yasuy mùa trước. Và khi công chúng vẫn ngồi trước tivi để chờ xem truyền hình thực tế mỗi tối thì cảnh người chơi chen lấn, la ó giành suất dự thi vẫn diễn ra dài dài…

M.Q.N.
.
.