Bộ sách một đời, trăm năm nhìn lại

Thứ Hai, 21/04/2008, 09:30

Trần Thanh Mại là người đầu tiên dành công sức nghiên cứu và hoàn thành hai chuyên luận sớm nhất trong giới nghiên cứu văn học, viết về hai nhà thơ đặc sắc, mà lúc bấy giờ, dư luận khen chê chưa phải đã giống nhau: một về Tú Xương ("Trông dòng sông Vị", 1935), một về Hàn Mặc Tử ("Hàn Mặc Tử, 1912 - 1940, thân thế và thi văn", 1941).

Năm nay vừa chẵn 100 năm sinh Trần Thanh Mại (1908 - 1965) - một trong những nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học kỳ cựu. Ông viết văn từ rất lâu trước Cách mạng Tháng Tám, và thuộc lớp nhà văn sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời cũng là người có công gây dựng Viện Văn học từ ngày mới thành lập (1959).

Trần Thanh Mại có một năng khiếu văn chương được thể hiện từ rất sớm. Nhà thơ Nam Trân - người bạn học thời nhỏ và cũng là đồng nghiệp của ông - đã có một ấn tượng thật mạnh: "Tôi có thể nói, anh Trần Thanh Mại là một người sinh ra để viết văn, hay nói một cách văn vẻ hơn, lúc ra đời, anh đã mang theo vết mực trên đầu ngón tay".

Trần Thanh Mại là người đầu tiên dành công sức nghiên cứu và hoàn thành hai chuyên luận sớm nhất trong giới nghiên cứu văn học, viết về hai nhà thơ đặc sắc, mà lúc bấy giờ, dư luận khen chê chưa phải đã giống nhau: một về Tú Xương ("Trông dòng sông Vị", 1935), một về Hàn Mặc Tử ("Hàn Mặc Tử, 1912 - 1940, thân thế và thi văn", 1941).

Hai quyển sách này từ khi in lần đầu đến nay, đã được tái bản nhiều lần, cả trong và ngoài nước. Ở đó, tiếp thu thành tựu của giới nghiên cứu văn học châu Âu, ông là người đầu tiên đưa phương pháp "phê bình khách quan" vào văn học nước ta: nghiên cứu những gì liên quan đến đời tư nhà văn để lý giải chân xác văn chương của họ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Thanh Mại cũng có sáng tác nhưng vẫn dành công sức nhiều hơn cho nghiên cứu, phê bình, cả về văn học hiện đại và nhất là văn học trung đại.

Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về Tú Xương, một nhà thơ ông đặc biệt yêu thích, Trần Thanh Mại viết hai chuyên luận nữa: "Đấu tranh chống hai quan niệm sai lầm về Tú Xương" (1957), "Tú Xương, con người và nhà thơ" (viết cùng Trần Tuấn Lộ, 1961).Ở đây, Trần Thanh Mại một mặt khẳng định những thành quả nghiên cứu của ông, một mặt chân thành sửa chữa những sai lầm mà mình đã từng mắc phải.

Như vậy là về Tú Xương, Trần Thanh Mại đã viết đến 3 quyển sách, trong gần ba chục năm - chưa kể một số bài báo khác. Hiếm có nhà nghiên cứu nào say sưa, trăn trở với một đối tượng nghiên cứu của mình trong suốt cả một đời văn như vậy.

Cũng về văn học trung đại, Trần Thanh Mại có một đóng góp quan trọng. Từ trước, người ta chỉ mới biết đến một nhà thơ Hồ Xuân Hương với những bài thơ Nôm nổi tiếng.

Trần Thanh Mại đã phát hiện và đặt vấn đề: Hồ Xuân Hương còn sáng tác những bài thơ bằng chữ Hán. Trong một loạt bài nghiên cứu công phu viết mấy năm cuối đời, Trần Thanh Mại đã mở ra một hướng tiếp cận hoàn toàn mới đối với nhà thơ nữ độc đáo này.

Lại nữa, bằng một giác quan tinh nhạy, ngay trong điều kiện rất khó khăn, Trần Thanh Mại vẫn dành công sức nghiên cứu về Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) - một nhà thơ tài năng gần như đã bị quên lãng. Tuy thuộc dòng dõi hoàng tộc, Miên Thẩm lại không ham công danh phú quý, gần gũi thiên nhiên, quan tâm đến đời sống nhân dân lao động, thông cảm với nỗi khổ đau của họ.

Thơ Miên Thẩm được người đương thời đánh giá cao và giới nho sĩ Trung Quốc khâm phục. Trần Thanh Mại còn dịch nhiều bài thơ (chữ Hán) của Miên Thẩm trong một công trình nghiên cứu, mà nếu chưa qua đời, ông còn hoàn thiện bằng tất cả sự say mê.

Văn Trần Thanh Mại là thứ văn hấp dẫn người đọc bởi lối diễn đạt tài hoa, luôn có những khám phá, phát hiện và đặc biệt sở trường về lối tranh luận, bút chiến với một ý thức khiêm tốn nhưng rất tự tin; đây là một hướng rất cần để tiếp cận chân lý trong khoa học - kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - cho dù có những lúc ông cũng có đôi chút cực đoan.

Thật tiếc, Trần Thanh Mại đã qua đời vì trọng bệnh khi chưa đến tuổi sáu mươi. Dù thế, trong những tháng năm ngắn ngủi của một nhà văn, ông đã để lại một khối lượng sáng tác - và nhất là nghiên cứu - khá đồ sộ. Nhưng có một thời gian dài, vì những lý do khác nhau, hầu như ông đã bị quên lãng, nói một cách khác, ông đã không được đánh giá công bằng, thỏa đáng. Tuy vậy, cũng có những con mắt xanh khi nhìn nhận Trần Thanh Mại.

Giáo sư, tiến sĩ N. Niculin, khi còn là Trưởng ban Á - Phi của Viện Văn học thế giới mang tên Gorki (Liên Xô) đã xếp Trần Thanh Mại vào những cây bút hàng đầu trong giới thiệu nghiên cứu văn học nước ta. Ông viết: "… trong văn học Việt Nam, có những nhà nghiên cứu am hiểu, sâu sắc, tài năng như Đặng Thai Mai, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh".

Các cơ quan có thẩm quyền của thành phố Huế (quê hương Trần Thanh Mại) và thành phố Hồ Chí Minh, mấy năm trước đây cũng đã lấy tên Trần Thanh Mại đặt cho hai con đường của hai thành phố này

Nhà phê bình văn học Hồng Diệu:  "Tôi từng đề nghị Trần Thanh Mại vào giải thưởng Hồ Chí Minh"

- Ông là người đánh giá rất cao sự nghiệp văn học của Trần Thanh Mại. Song đằng thẳng mà nói, số người đọc và biết đến tên tuổi của Trần Thanh Mại hiện nay ở ngoài Bắc cũng không nhiều. Phải chăng Trần Thanh Mại chỉ có duyên với khu vực "phía Nam"- nơi người ta có hẳn một đường phố mang tên ông?

+ Hoàn toàn không phải vậy. Thực tế thì giới lý luận, phê bình văn học vẫn biết ông, cả ở trong Nam ngoài Bắc. Thậm chí là một số chuyên gia nước ngoài nữa. Chứng tỏ người ta có con mắt "tinh đời", người ta biết rõ giá trị của ông.

Còn độc giả thì quả là không mấy người biết đến Trần Thanh Mại thật, vì sách ông in ít, ông lại mất quá sớm. Cũng phải kể đến một số trường hợp vì đố kị đã đánh giá không công bằng đối với các tác phẩm của ông.

- Rất hiếm trường hợp một tác giả được in toàn tập tác phẩm mà lại chưa từng đoạt giải thưởng lớn về văn học (Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước) như Trần Thanh Mại. Quan điểm của NXB Văn học thế nào khi đưa Trần Thanh Mại vào hệ thống các tác giả được xuất bản toàn tập theo chế độ "Sách Nhà nước đặt hàng"?

 + Nguyên do có "Trần Thanh Mại - toàn tập" xuất phát từ việc tôi có viết bài đánh giá cao về Trần Thanh Mại trên báo Văn nghệ. Ông Nguyễn Văn Lưu lúc ấy là Giám đốc NXB Văn học thấy vậy đã đề nghị tôi tham gia làm bộ sách này.

Nhân đây cũng nói thêm là, khi Hội Nhà văn gửi công văn đề nghị các nhà văn tự đề xuất giải thưởng cho mình - một việc làm tôi không mấy tán thành - tôi không đề xuất tôi mà đề nghị Trần Thanh Mại vào giải thưởng Hồ Chí Minh. Tại sao lại thế?

Theo quan điểm của tôi, nếu Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan đã được giải thưởng này thì Trần Thanh Mại cũng xứng đáng được. Có thể có người không tán thành ý kiến của tôi và thực tế đến nay Trần Thanh Mại cũng chưa được nhận một giải thưởng văn học nào, song thiết nghĩ để đòi hỏi sự công bằng, ta cũng nên đưa ra các so sánh như vậy.

- Quá trình sưu tầm, biên soạn bộ sách có kéo dài và vất vả lắm không? Theo ông, đến nay còn những tác phẩm nào của Trần Thanh Mại chưa được đưa vào bộ toàn tập?

+ Thời gian làm bộ sách này tương đối gấp. Từ lúc có ý định đến lúc nộp bản thảo chỉ có 6 tháng. Nguồn tư liệu tôi đã tích lũy được nhiều từ trước đó. Thứ nữa, ông con rể của ông ấy - ông Nguyễn Sĩ Cẩm cũng sưu tầm được nhiều tài liệu, bản thảo của bố vợ và cung cấp cho tôi được một số.

Nguồn thứ ba là tôi đi sưu tầm trong thư viện. Ở Thư viện Quốc gia, không biết bây giờ thế nào, chứ ở thời điểm ấy, có những tác phẩm xuất bản trước năm 1945, người ta chỉ cho ngồi đọc chứ không được phép phô tô. Tôi phải ngồi chép tay. Tất nhiên có thể thuê người chép, nhưng tôi không an tâm, phải trực tiếp làm nên tốn khá nhiều thời gian.

Còn nhiều bài báo trước Cách mạng của Trần Thanh Mại chưa sưu tầm được. Ông cũng còn một quyển nghiên cứu về Tùng Thiện Vương tôi có trong tay đây. Nhưng vì bản thảo lâu ngày có rất nhiều chỗ mờ, cần phải có thời gian hiệu đính mới xuất bản được.

- Trước đây, tôi từng phải mượn đọc nhanh rồi trả lại một ông chủ hiệu sách cũ cuốn "Hàn Mạc Tử" của Trần Thanh Mại. Cảm giác khi ấy là đọc rất say mê. Một phần có thể vì cuộc đời ly kỳ của Hàn Mạc Tử, nhưng phần chính là thơ của ông. Cũng không kịp để ý đến văn phong của Trần Thanh Mại ra sao.

Là người có điều kiện đọc chuyên sâu, ông đánh giá thế nào về cuốn sách này? Nó hấp dẫn vì cách đặt vấn đề mới lạ hay vì bản thân giá trị văn chương?

+ Đúng là cuốn sách này hấp dẫn ở mấy điểm như anh nói: Cuộc đời ly kỳ, đau thương, các mối tình của Hàn Mặc Tử, rồi cái hay của thơ Hàn Mạc Tử. Nhưng phải nói, cách viết của Trần Thanh Mại cũng rất thu hút người đọc. Đây là quyển sách nghiên cứu nhưng được viết với giọng văn dung dị, tự nhiên, hấp dẫn nên người đọc bình thường cũng thích đọc và hiểu được.

- Ông Nguyễn Bá Tín, em trai nhà thơ Hàn Mạc Tử từng viết đại ý rằng: Cuốn "Hàn Mạc Tử" không ra đời e không ai biết đến thơ Hàn Mạc Tử rộng rãi như vậy. Liệu có thể nói như vậy về Hồng Diệu với việc sưu tầm, biên soạn bộ "Trần Thanh Mại - toàn tập"?

+ (Cười) cũng có thể nói như vậy. Vì thực tế, xưa nay Trần Thanh Mại bị thiệt thòi nhiều. Sau khi xuất bản bộ toàn tập này, lập tức có nhiều bài viết về ông.

PGS Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Viện phó Viện Văn học trong bài viết của mình đã nói đại ý, thấy bộ "Trần Thanh Mại - toàn tập" được in thì rất ngạc nhiên và sung sướng. Một số bài viết nghiên cứu sau đó cũng đã trích dẫn tài liệu từ bộ sách. 

- Xin cảm ơn nhà phê bình văn học Hồng Diệu.

Phạm Tuấn Đạt (thực hiện)

Hồng Diệu
.
.