Biết đủ để biết dừng

Thứ Hai, 28/11/2011, 08:00
Thời buổi bây giờ, dạy con thế nào là câu hỏi khó trả lời. Dạy con xử thế đúng đạo lý thì lại thường bị thất thiệt trong cuộc đời. Dạy "thực dụng" để có cơ thành đạt thì lại sợ nó bị khiếm khuyết thiên lương...

Nhiều bậc bố mẹ thời nay chỉ có thể đề ra được những nguyên tắc sống và trên nguyên tắc ấy để con linh hoạt xử lý việc đời. Ví dụ nguyên tắc "cái gì trông cậy vào chính mình mà đạt" thì hãy đặt ra. Như học giỏi là việc bản thân các cháu quyết định được thì có thể đặt thành mốc phấn đấu. Nhưng để lên được chức vụ cao, quyết định lại do người khác thì không nên đặt thành mục tiêu. Vậy đòi hỏi của bố mẹ với con cũng nên hợp với nguyên lý đó. Các cụ thời xưa khuyên tri túc, tri chỉ . Biết đủ để biết dừng. Đấy là khoa học và cũng là đức kiên trì. Tâm lực của cháu bé đến thế. Hoàn cảnh của gia đình và môi trường xã hội là vậy. Chưa kể chuyện trường sở và những ưu khuyết của ngành Giáo dục. Vậy hài lòng với những thành tựu vừa tầm phấn đấu của trẻ là việc mỗi bố mẹ cần theo. Tầm ấy ở mức nào thì mỗi bậc phụ huynh phải biết. Không biết, đặt mức quá tầm làm các cháu thất bại, là lỗi tại bố mẹ. Thi trượt mà có cháu tự tử là lỗi lớn của bố mẹ, bố mẹ có sai lầm nào đó trong quan niệm. Đỗ, trượt có quan trọng thì cũng chỉ quan trọng cho một chặng ấy thôi chứ đâu quyết định thành bại cả một đời. Thiếu gì những ngả đường lập nghiệp. Tái ông mất ngựa, chưa chắc đỗ đã là đạt ở trong đời. Đấy là nói nguyên lý chứ vào từng trường hợp cụ thể, không dễ đâu.

Các bậc phụ huynh nên hướng con em mình tới các hình thức sinh hoạt văn hoá tao nhã, lành mạnh như thế này. Trong ảnh: Cảnh tại quán Việt Trà. Ảnh: Hoàng Quốc Anh.

Dạy trẻ phải làm sao không chỉ cho trẻ kiến thức mà còn giúp chúng cách tạo ra kiến thức. Những năm trước, cái cách luyện thi theo "bộ đề" là rất phản giáo dục. Nó là một cách học tủ, không có kiến thức hệ thống nên không nhớ lâu và không vận dụng được. Dạy cách suy luận, cách nghĩ mới là cách tạo ra kiến thức. Hiện nay dạy văn dạy sử đang là cách dạy ít thúc đẩy học sinh lập luận, đề xuất ý tưởng mới mẻ.

Một phụ huynh băn khoăn: Trong cuộc sống hội nhập hôm nay, mỗi con người và cả đất nước đều có cơ hội tiếp cận với cả nhân loại. Cái đẹp và cái xấu của thiên hạ tràn vào, tuổi trẻ ít kinh nghiệm phân biệt tốt xấu, mà thường chuộng lạ nên hay học đòi, mà học cái xấu thường dễ hơn học cái tốt. Các cháu dễ thành lố lăng mất gốc hoặc nhẹ hơn thì cũng mất đi tinh hoa của truyền thống  dân tộc. Các cháu bé theo học các trường quốc tế mở tại Việt Nam có nhiều điều hay nhưng điều nó không ra người Việt Nam vẫn là điều bố mẹ phải lo lắng. Quả là một mối lo chính đáng và cấp thiết. Bố mẹ các cháu phải làm một việc mà trước đây không phải làm: Ấy là phải cân bằng văn hóa của dân tộc với các nền văn hóa khác. Trước hết duy trì nói tiếng Việt trong gia đình. Tiếp đó là để tâm hồn trẻ được tắm mình trong văn hóa Việt: âm nhạc, văn học, nghệ thuật... Có những cuộc đi thăm di tích lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp bố mẹ phải chuẩn bị kiến thức về những địa điểm này để nói với con. Việc đưa con đi dự một đám giỗ trong dòng họ cũng có những ý nghĩa tích cực giúp đứa trẻ hòa nhập văn hóa truyền thống Việt.

Xã hội ta đang báo động nguy cơ sa sút của nhu cầu đọc sách mà thủ phạm là do các phương tiện nghe nhìn, các trò chơi ảo. Đây là nguy cơ cả nhân loại phải đối mặt mà khắc phục nó lại phải trông cậy (trước hết và sau cùng) ở từng gia đình. Phải sáng tạo ra những biện pháp loại bớt sự có mặt của các phương tiện giải trí áp đặt, làm nghèo trí tưởng tượng, như phim nhiều tập, trò chơi ảo trong không gian sống của trẻ và phải bao vây chúng bằng những cuốn sách hay. Mà việc này bố mẹ phải gương mẫu. Bố mẹ hào hứng theo dõi bóng đá quốc tế mà bắt con đọc sách thì không được. Con đang học thi thì đến chung kết World cup bố mẹ cũng không nên bật tivi, dù nhà có buồng riêng, trừ khi đứa trẻ đủ lớn để khuyên bố mẹ không cần phải "kham khổ" vì nó như thế. Hãy tạo cho các cháu một thế giới riêng. Ở trong thế giới ấy các cháu được an toàn (không bị rày la, sai bảo vặt...) và tạo nên cái thế giới ấy là bức tường bằng sách.

Bất cứ loại sách nào đánh thức trí tưởng tượng của trẻ nên khuyến khích cho chúng đọc, tránh những loại sách "giáo huấn" suông! Những cuốn sách nói nhiều về thiên nhiên, về khám phá luôn đem đến thích thú cho trẻ con. Cổ tích có hạt nhân chân lý bên trong cũng là một loại sách trẻ rất thích. Có những sách kinh điển cho trẻ, bố mẹ nào cũng nên mua. Nên cho trẻ học những bài hay nhất dù nó khó. Khó thì không nhất thiết phải nói hết, giải thích hết ngay từ nhỏ. Theo thời gian chúng sẽ tự hiểu được những chân lý sâu xa. Giống như khi trẻ con học nói, chúng thường nói ngọng, người lớn lại thường cứ giả ngọng để cổ vũ, "ăn cơm" thì nói thành "ăn mơm"…

Chúng ta không cần và không nên nói thế mà cứ nói theo đúng giọng của mình. Trẻ chưa nói được thì chúng sẽ phải học cho tới khi nói chuẩn. Hay khi trả lời những câu hỏi của trẻ, có những câu khó, nhưng dẫu khó đến mấy cũng cần tìm cách trả lời đúng, tuyệt đối không làm lạc chân lý đi vì một khi trẻ phát hiện ra bị lừa dối, thì đó sẽ là tai họa

Vũ Quần Phương
.
.