Biên soạn sách Ngữ văn dành cho giáo viên: Tiền hậu bất nhất

Thứ Hai, 01/07/2013, 08:00
Môn Ngữ văn hiện có hai chương chình Chuẩn và Nâng cao. Có một thực tế không thể phủ nhận là rất nhiều giáo viên dạy chương trình Nâng cao nhưng lại lấy những hướng dẫn của SGV Chuẩn làm nội dung bài dạy, bởi theo họ, SGV Chuẩn được biên soạn kỹ hơn; dễ hiểu, dễ dạy. Không chỉ vậy, nếu đem so sánh một số đơn vị kiến thức trong các bài học của hai chương trình, người học thấy nhiều tri thức vênh nhau, "lệch pha" đến khó hiểu!...

Sách giáo viên (SGV) là công cụ thiết yếu của giáo viên trong quá trình giảng dạy, là tài liệu chính thống được biên soạn bởi các nhà giáo, các nhà khoa học, nghiên cứu có tài năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực sư phạm. Việc SGV đưa ra những gợi ý trong việc xác định mục tiêu bài học, cách thức tổ chức thực hiện những bước lên lớp, cách khai thác, tiếp cận nội dung tri thức bài học… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy. Mỗi bài soạn trong SGV truyền tải những tri thức cơ bản, cần thiết liên quan đến bài học được biên soạn, thẩm định công phu, kỹ lưỡng, nhằm tạo ra cách hiểu, cách nghĩ thống nhất xung quanh những vấn đề đặt ra trong bài dạy, cung cấp cho người học những tri thức mới, căn bản về mọi lĩnh vực khoa học, đời sống. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực của học trò trong thi cử, kiểm tra.

Tuy nhiên, trong nhà trường phổ thông, việc song song tồn tại hai bộ sách giáo khoa, SGV của chương trình sách giáo khoa mới đang được thực hiện rộng rãi trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều bất cập trong hình thức biên soạn, nội dung tri thức…, đặc biệt là sự đối lập, mâu thuẫn trong cách hiểu của các nhà biên soạn sách trước một đơn vị tri thức của cùng một bài học.

Môn Ngữ văn hiện có hai chương chình Chuẩn và Nâng cao. Mỗi chương trình lại đưa ra cách diễn đạt, khai thác bài học theo những hướng khác nhau nhằm  giúp giáo viên - học sinh chiếm lĩnh được vẻ đẹp của những áng văn chương. Với chương trình Ngữ văn Nâng cao, do số lượng học sinh theo ban C quá ít, thậm chí ở nhiều cơ sở giáo dục, ban C không hề có "chỗ đứng", vì thế sức lan tỏa, phổ biến của chương trình bị bó hẹp, ít được giáo viên và học sinh quan tâm để ý. Có một thực tế không thể phủ nhận là rất nhiều giáo viên dạy chương trình Nâng cao nhưng lại lấy những hướng dẫn của SGV Chuẩn làm nội dung bài dạy, bởi theo họ, SGV Chuẩn được biên soạn kỹ hơn; dễ hiểu, dễ dạy. Không chỉ vậy, nếu đem so sánh một số đơn vị kiến thức trong các bài học của hai chương trình, người học thấy nhiều tri thức vênh nhau, "lệch pha" đến khó hiểu!

Văn bản "Lễ ghét thương" (trích từ câu 473 đến câu 504 của truyện thơ "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu) gồm 32 câu thơ lục bát với kết cấu cân xứng hài hòa, cùng tần số lặp lại cặp từ "thương - ghét" nhiều lần một cách có chủ ý để nói lên tình cảm, thái độ của tác giả. Vậy mà khi thống kê số lần xuất hiện của cặp từ "thương - ghét", tác giả SGV Ngữ văn 11 Nâng cao tập 1 (NXB Giáo dục, 2007) viết: "Đoạn trích 32 dòng mà có tám chữ ghét và chín chữ thương, mật độ điệp ngữ dày đặc có tác dụng biểu hiện tư tưởng trong đoạn trích" (tr.15). Ở chỗ khác, SGV Ngữ văn 11 Nâng cao nhấn mạnh: "Lối dùng điệp ngữ dồn dập, cụm từ "ghét đời" được lặp đến 8 lần ở 10 câu liền nhau, cụm từ "thương ông", "thương thầy" cũng lặp lại 9 lần như thế ở 14 câu rất có hiệu quả trong việc diễn đạt thái độ ghét thương dứt khoát mãnh liệt của tác giả" (tr. 19). Trong khi đó, SGV Ngữ văn 11 Chuẩn tập 1 (NXB Giáo dục, 2007) lại khẳng định: "Từ ghét được lặp lại 12 lần, từ thương cũng 12 lần" (tr.55). Như vậy, chưa vội tính đến nội dung khai thác, cách cảm thụ, phân tích tác phẩm của hai bộ sách mà chỉ nhìn lướt qua ở hình thức thể hiện với cách thống kê đơn giản, thủ công, người đọc đã thấy sự khác biệt trong cách tổng hợp số liệu của hai nhóm biên soạn. Nếu dạy theo hướng dẫn của SGV Ngữ văn 11 Nâng cao, giáo viên nào không đọc kĩ trích đoạn mà bê nguyên xi những điều SGV cung cấp thì những thông tin trong bài dạy sẽ gặp phải những phản ứng quyết liệt từ chính những học trò thông thái. Trên thực tế, văn bản có 12 từ ghét, 12 từ thương được lặp lại, phù hợp với kết cấu và dụng ý nghệ thuật của tác giả: "Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương". Còn cụm từ "Ghét đời" chỉ lặp lại 4 lần ở đầu các câu lục ("Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm…"; "Ghét đời U, Lệ đa đoan…"; "Ghét đời Ngũ bá phân vân…"; "Ghét đời Thúc quý phân băng…"), cụm từ "Thương thầy" lặp lại 3 lần, "Thương ông" lặp lại 2 lần (Không kể 2 câu: "Thương là thương đức thánh nhân", "Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi") chứ không phải như số liệu mà SGV Ngữ văn 11 Nâng cao đưa ra. Có lẽ các tác giả của SGV Ngữ văn 11 Nâng cao bị nhầm lẫn giữa khái niệm từ và cụm từ nên đã đưa ra những con số không trùng khớp với văn bản mà một học sinh tiểu học cũng có thể nhận biết được.

Về bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" (cũng của cụ Nguyễn Đình Chiểu), khi phân chia kết cấu, bố cục của văn bản, hai bộ sách cũng có những cách chia riêng biệt, không tìm được tiếng nói chung, thống nhất. "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" gồm 30 câu, tiêu biểu cho thể loại văn tế thời Trung đại, một áng văn bất hủ được viết lên bằng tấm lòng tiếc thương vô bờ của tác giả đối với những người nông dân, nghĩa sĩ đã hy sinh.

SGV Ngữ văn 11 Nâng cao chia kết cấu bài văn làm 4 phần:

+ Lung khởi: từ đầu đến "tiếng vang như mõ" (Từ câu 1 đến 2)

+ Thích thực: từ "Nhớ linh xưa" đến "tàu đồng súng nổ" (từ câu 3 đến 15)

+ Ai vãn: từ "Ôi, những năm lòng nghĩa lâu dùng" đến "dật dờ trước ngõ" (từ câu 16 đến 25)

+ Kết: các câu còn lại (từ câu 26 đến 30)

Trong khi đó SGV Ngữ văn 11 Chuẩn lại phân chia hoàn toàn khác ở hai phần: Ai vãn và phần Kết như sau:

- Lung khởi: câu 1 đến 2

- Thích thực: câu 3 đến 15

- Ai vãn: câu 16 đến 28

- Kết: hai câu cuối (29, 30)

Việc phân chia kết cấu đúng, sai sẽ ảnh hưởng lớn tới việc tìm hiểu, khám phá nội dung tác phẩm, đồng thời thấy được nghệ thuật lập luận chặt chẽ của nhà văn và tính mực thước của thể loại. Nhưng với hai cách phân chia trên, cả người dạy và người học đều khó có thể biết đâu là cách phân chia hợp lí, chính xác nhất!

Không chỉ ở hai nhóm biên soạn, hướng dẫn giảng dạy có sự vênh nhau trong việc thống nhất các tri thức đọc hiểu thông dụng, mà ngay trong cùng một nhóm tác giả, do một người chủ biên, tình trạng "tiền hậu bất nhất" vẫn không ngừng xảy ra.

Khi phân chia bố cục bài "Tuyên ngôn Độc lập " (Hồ Chí Minh), SGV Ngữ văn 12 Chuẩn, tập 1 (NXB Giáo dục, 2008), tr. 37 (GS. Phan Trọng Luận chủ biên) viết:

+ Đoạn 1: Từ đầu đến "không ai chối cãi được"

+ Đoạn 2: Từ "Thế mà" đến "phải được độc lập"

+ Đoạn 3: còn lại.

Trong khi đó cuốn "Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn 12" (NXB Đạo học Sư phạm Hà Nội, 2009) cũng do GS. Phan Trọng Luận chủ biên lại đưa ra cách phân chia bố cục văn bản "Tuyên ngôn Độc lập" hoàn toàn không trùng khớp với SGV Ngữ văn 12 Chuẩn (ở phần Kết luận của văn bản):

- Phần mở đầu: "Hỡi đồng bào…. " đến "không ai chối cãi được".

- Phần nội dung: "Thế mà… " đến "chứ không phải từ tay Pháp".

- Phần kết luận: "Pháp chạy…. " đến "để giữ vững quyền độc lập, tự do ấy" (tr. 41).

Được đánh giá là một văn kiện lịch sử vô giá, một áng văn chính luận bất hủ, mẫu mực, nhưng không hiểu vì sao những người biên soạn SGV lại có những bất hợp lí trong việc phân chia bố cục và nội dung của từng phần như vậy? Để rồi tính mẫu mực, khuôn thước của văn bản bị phá vỡ trong cách tư duy phân chia đầy ngẫu hứng của các nhà biên soạn.

Đã có một thời gian dài, giáo giới và dư luận xã hội băn khoăn về khái niệm sách Chuẩn và sách Nâng cao. Nâng cao phải dựa trên cơ sở của Chuẩn, nhưng nhiều khi cái Chuẩn bị phát triển và hiểu theo những hướng khác nhau tùy thuộc vào quan điểm và cách thẩm văn của người biên soạn. Hiện nay trên thị trường sách và trong đời sống học đường, giáo viên và học sinh đều được tập huấn, dạy và học theo chuẩn kiến thức kĩ năng, dựa vào cuốn "Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Ngữ văn 12" (GS. Phan Trọng Luận chủ biên). Cuốn sách này biên soạn cho chương trình Chuẩn, còn chương trình Chuẩn kiến thức của sách Nâng cao vẫn "im hơi lặng tiếng". Việc giáo viên dạy chương trình Nâng cao lấy hướng dẫn giảng dạy của chương trình Chuẩn khiến cho mục tiêu của chương trình và những kì vọng của người biên soạn có nguy cơ bị… phá sản!

Môn văn là môn học đặc thù, vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật, mỗi người có một khả năng, một niềm đam mê khám phá, phát hiện riêng vẻ đẹp của những áng văn chương. Nhưng tất cả phải xuất phát từ một nền tảng chung, thống nhất.

Với những cách hướng dẫn giảng dạy khác nhau của hai bộ chương trình về cùng một văn bản, một tác giả, chắc chắn sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong suy nghĩ của thầy và trò. Đó là điều nên tránh trong giáo dục phổ thông. Trước những hướng dẫn trái chiều của các nhóm biên soạn, thầy cô hãy thật cẩn trọng trong việc tiếp nhận, xử lí thông tin, không nên quá lệ thuộc vào SGV mà hãy xuất phát từ chính văn bản tác phẩm cùng tài năng tâm huyết với nghề, chắc chắn sẽ thiết kế được những bài giảng chính xác, khoa học, lay động được tâm trí học trò

Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM)
.
.