Bảo tàng văn học Việt Nam: Muộn còn hơn không:

Bảo tàng văn học Việt Nam đang ở… các khu lưu niệm

Thứ Hai, 31/07/2006, 08:23

Chúng ta có Viện Văn học, nhưng đây là cơ quan nghiên cứu chứ không phải bảo tàng, không có nhiệm vụ sưu tầm tất cả những hiện vật liên quan đến đời sống một nhà văn. Công việc này xưa nay dường như chỉ do “hậu bối” của các nhà văn làm một cách khá đơn độc...

1. Gần đây, có một hoạt động văn hóa gây được ấn tượng khá mạnh và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của công chúng, đó là cuộc vận động sáng tác mỹ thuật về nhà văn Nam Cao và các nhân vật của ông. Cuộc vận động sáng tác này do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với báo TT&VH và triển lãm đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia.

Xem triển lãm, hầu hết đều thích thú khi được “diện kiến” những nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao. Từ Chí Phèo, Thị Nở đến Lão Hạc, giáo Thứ, v.v… đều được thể hiện khá sinh động, độc đáo. Xem triển lãm nhiều người thầm tiếc, giá như có một Bảo tàng Văn học Việt Nam thì “những đứa con” của Nam Cao sẽ được đặt “đúng chỗ” hơn. Qua đó, tài năng của Nam Cao cũng được tôn vinh hơn.

Tiếc một phần, nhưng sốt ruột thì nhiều hơn. Bởi trong thực tế, Bảo tàng Văn học Việt Nam đang được triển khai xây dựng ở Quảng Bá (Hà Nội), dự kiến sẽ khánh thành vào giữa năm 2007. Một Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ ra đời, muộn còn hơn không. Dù vậy, những người trong cuộc, mà cụ thể là các nhà văn Việt Nam cũng không khỏi băn khoăn trước câu hỏi: “Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ… có cái gì trong đó?!”. Đây không phải là một câu hỏi “cắc cớ”, mà nó phản ánh một thực tế: lâu nay chúng ta đã bỏ trống mảng Bảo tàng văn học. Chúng ta có Viện Văn học, nhưng đây là cơ quan nghiên cứu chứ không phải bảo tàng. Ở đây có hệ thống tư liệu, tác phẩm các nhà văn Việt Nam; nhưng ở đây không có nhiệm vụ sưu tầm tất cả những hiện vật liên quan đến đời sống một nhà văn. Đấy là công việc của bảo tàng. Và, công việc ấy xưa nay dường như chỉ do “hậu bối” của các nhà văn làm một cách khá đơn độc mà không nhận được sự trợ giúp nào về phía Hội Nhà văn Việt Nam(!).

2. Dưới hình thức “nhà lưu niệm”, ở TP HCM có một số “hậu bối” các nhà văn Việt Nam đã và đang âm thầm làm công việc bảo tàng cho chính người thân của họ. Nhà lưu niệm Lưu Trọng Lư thì do con trai là nhà báo Lưu Trọng Văn đảm trách; nhà lưu niệm Nguyễn Bính thì do con gái nhà thơ là chị Nguyễn Bính Hồng Cầu lo liệu; nữ sĩ Lan Hinh một mình coi sóc Á Nam Lưu Niệm Đường (nhà lưu niệm nhà thơ - chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải), v.v… Những nhà lưu niệm khác như của Chu Mạnh Trinh, Lê Văn Trương, v.v… cũng đều do người thân của các nhà văn ấy lo liệu.

Những nhà lưu niệm này thực chất đã và đang làm công việc bảo tàng một cách tương đối hiệu quả. Bởi, họ gần như dốc hết công sức và tâm huyết để sưu tầm, gìn giữ “di sản’ của chính cha ông họ. Nếu phát triển theo hướng bảo tàng, thì nhiều nhà lưu niệm xứng đáng được xem là bảo tàng tư nhân. Tiếc rằng, qui chế về bảo tàng của ta lại đề ra những tiêu chuẩn… quá cao. Ví dụ, trong quy chế, điều 6 khoản 2 có ghi: “Nhà bảo tàng phải có một diện tích chuyên dụng đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo quản, trưng bày và tham quan của công chúng, không ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường…” và “trang thiết bị kỹ thuật phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ, bảo quản và trưng bày hiện vật…”. Nếu dựa theo những điều khoản ấy, thì có lẽ … còn lâu chúng ta mới có bảo tàng tư nhân.

Trong khi chưa có những nhà bảo tàng tư nhân thì việc nhà nước cho xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam chính quy, chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Bởi trong thực tế, ngay cả việc thành lập nhà lưu niệm thì không phải ai cũng có điều kiện để làm. Ngoài khả năng về kinh tế, thời gian thì công việc bảo tàng đòi hỏi phải có một trình độ chuyên môn nhất định. Quả thật, có rất ít người hội đủ những điều kiện ấy. Khi chúng tôi đến tham quan các khu lưu niệm thì thấy hầu hết đều làm theo “mô hình gia đình”. Nhà lưu niệm đồng thời cũng là nơi thờ cúng các nhà văn, là chỗ gặp gỡ giao lưu bạn bè thân hữu. Chưa có một nhà lưu niệm nào trở thành một điểm tham quan thực sự. Thậm chí, ngay cả cánh nhà báo chúng tôi, phải khó khăn lắm mới “mò” ra địa chỉ của từng nhà lưu niệm ở TP HCM.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu có một Bảo tàng Văn học Việt Nam được mở ra thì các ông (bà) có sẵn lòng tham gia không, thì đa số đều bảo: “Có thể!”. Có thể có mà cũng có thể không. Bởi điều ấy còn tuỳ thuộc vào tiêu chí, hoạt động của nhà bảo tàng.

3. Không có nhà văn nào lại không muốn được “có mặt” ở Bảo tàng Văn học Việt Nam. Điều ấy không chỉ vinh dự cho riêng nhà văn, gia đình họ; mà còn mang một ý nghĩa văn hóa, xã hội rất lớn. Có Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc san sẻ bớt “gánh nặng” đang đặt lên vai những cá nhân đơn lẻ. Bởi, ngay cả những người hiện nay đang làm tốt công việc bảo tàng tại gia đình thì chưa chắc công việc đó tiếp tục được duy trì đến mai sau. Về phía khách tham quan, thưởng lãm thì họ cũng không thể đi đến từng khu lưu niệm được. Họ cần một bảo tàng để vào đó là họ có thể “diện kiến” hầu hết các nhà văn Việt Nam, cùng tác phẩm và các nhân vật mà họ yêu thích. Tuy nhiên, không khó lắm cũng thấy được rằng, Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc “thương lượng” với các nhà lưu niệm.

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam ở Hà Nội mà Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về kinh phí cũng như tạo các điều kiện khác để cho các bảo tàng tư nhân hoạt động. Có  Bảo tàng Văn học Việt Nam đặt ở Hà Nội thì tại sao không có thêm một bảo tàng đặt ở TP HCM, một bảo tàng đặt ở ĐBSCL?… Nhiều nhà bảo tàng sẽ làm phong phú, đa dạng đời sống của văn học Việt Nam. Đặc biệt, nếu cơ chế thoáng và nếu nhận được sự hỗ trợ thì các bảo tàng nhà văn tư nhân chắc chắn sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng, nói gì thì nói, đấy chỉ là những ý kiến có tính chất tham khảo. Còn trong thực tế, công việc Bảo tàng Văn học Việt Nam vẫn đang còn khá mông lung, vụn vặt, ngẫu hứng. Một Bảo tàng Văn học Việt Nam chính quy, hiện đại là cần thiết, là bộ mặt văn hóa, tầm vóc trí tuệ của cả một dân tộc. Ai cũng mong, cũng ủng hộ, nhưng bây giờ thì còn phải… chờ xem (!)

Trần Nhã Thuỵ
.
.