Bảo tàng: Giải trí để khai trí

Thứ Tư, 01/06/2016, 07:17
Các bảo tàng đều có nét đặc trưng ở tính cổ kính trang nghiêm - nhưng đó mới chỉ là một trong những yếu tố hấp dẫn người xem. Trong đời sống hiện nay, nhiều bảo tàng trên thế giới đã cải tiến phương cách tiếp cận, cố gắng tạo cảm giác thân gần với hiện vật và các tri thức muốn truyền đạt đến khách tham quan, đặc biệt là các em nhỏ…


Bách khoa trong một lâu đài

Các nước châu Âu khá chú trọng những bảo tàng dành cho tuổi học trò. Bảo tàng Khoa học kỹ thuật ở Milan được hình thành từ năm 1953 trong một tu viện cổ kính và mang tên Leonardo da Vinci (1452-1519, một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, triết gia và nhà sáng tạo khoa học tự nhiên).

Vào đây, khách tham quan được ngắm những bản vẽ kỹ thuật, những bức phác họa, những bản luận văn khoa học của con người uyên bác nhất Italy, được lưu giữ từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Máy đo đếm thời gian thì nhiều vô kể: đồng hồ cát, đồng hồ nước, đồng hồ cơ, đồng hồ điện tử… Có cả những hiện vật tối tân như tàu ngầm, phi hành thuyền xuyên hành tinh…

Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ La tinh, Miami.

Bảo tàng có một khu riêng dành cho trẻ nhỏ, và để dẫn dụ những bộ óc non nớt vào quá trình nhận thức, tất cả ở đây đều phải hấp dẫn. Các cháu được nghịch nước, được vẽ, được "dán mắt" vào kính thiên văn ngắm những vì sao, và được khám phá cho mình những tính chất mới mẻ của nhiều vật liệu thân quen. Có những cuộc thí nghiệm tương tác về di truyền học, hóa học, sinh vật học, kỹ thuật robot... Nhưng thú nhất là những bàn tay nhỏ bé còn được tham gia quá trình luyện gang luyện thép, nấu bia, pha chế mực viết và làm cho bong bóng xà phòng không bị vỡ.

Quy mô và phong phú

Một trong những điểm sáng nhất phục vụ sự nghiệp giáo dục khoa học là Bảo tàng Kỹ thuật ở thành phố Vienna, Thủ đô nước Áo. Vào đây, hẳn phải dành trọn một ngày mới xem được khắp lượt hơn 80.000 hiện vật trưng bày: mô hình chi tiết một nhà máy sản xuất điện, những chiếc động cơ điện "cổ lỗ sĩ" nhất, những chiếc tàu hỏa, tàu thủy đầu tiên trên thế giới, cả một bộ sưu tập xe đạp, xe máy, tất cả những thiết bị bay: chiếc tàu lượn đầu tiên xuất hiện trên bầu trời, máy bay, trực thăng và các kỹ thuật vũ trụ.

Người xem thấy vừa quen vừa lạ trước những phương tiện kỹ thuật phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày của con người được trưng bày tại đây: bếp gas, máy hút bụi, máy giặt và vô vàn "trợ thủ" khác trong nhà. Nhưng khoái nhất có lẽ là được tự tay xạc pin mặt trời hoặc tham gia một ca phẫu thuật tượng trưng: vào tận trong phòng mổ mà mình chính là chủ nhân: được tự tay cầm dao rạch, bóc, tách bệnh phẩm cho bệnh nhân, hệt như thật!

Tự tay thực nghiệm

Ở Nga, Bảo tàng Thực nghiệm ở Moskva thật xứng danh là bảo tàng của những khoa học lý thú. Đến đây, ai cũng được tự tay tham gia tiến hành những cuộc thí nghiệm và hiểu ra rằng khoa học thật là cuốn hút và kỳ diệu! Ví dụ: các cháu được lạc vào mê cung của những tấm gương để nhìn thấy mình cao ngang bố mẹ; được mắt thấy tai nghe những âm thanh mà không phải dùng đến thiết bị điện tử; vỡ lẽ ra dòng điện vận hành ra sao, những điện tử xuất phát từ đâu và đến đâu, từ trường hút những thứ gì.

Bảo tàng quốc gia Qatar.

Mới lạ làm sao: không cần tới bất cứ một nhạc cụ nào, chỉ dùng cách phóng điện mà hòa tấu được hành khúc quen thuộc của bộ phim nổi tiếng "Chiến tranh giữa các vì sao"; và còn vô số cảnh lạ mắt: từ ảo ảnh quang học đến nguyên lý làm việc của con quay hồi chuyển - một bánh xe hay đĩa quay với các trục quay tự do theo mọi hướng dùng để đo đạc không gian… Bảo tàng này coi trẻ nhỏ là thượng khách, để các em được ngồi thử vào chiếc ghế đóng 1.369 mũi đinh mà vẫn không thấy đau, được nếm món kem làm riêng cho các phi hành gia vũ trụ và chu du trong… thời gian, để thưởng ngoạn cảnh trái đất ngày xưa và mai sau, để chứng kiến cả những động đất, sóng thần, núi lửa…

Cũng cùng phương cách, phải kể đến Công viên Sáng tạo ở Sokolniki - một trung tâm khám phá khoa học cho thiếu nhi mới được khai trương độ hai năm nay, tại khu phố Sokolniki nổi tiếng. Đến đây, tùy theo sở thích, trẻ em chia theo từng lớp để có thể tự tay làm ra những thứ rất độc đáo: một hộp dụng cụ cơ khí có thể mang về nhà, những tấm thiếp nhấp nhánh…

Ở đây dạy các cháu biết tự chế kem đánh răng, biết đưa vào đó hóa chất gì có lợi và loại bỏ chất gì gây phương hại cho răng miệng. Lại có lớp giúp các cháu tìm hiểu và vỡ lẽ về cấu tạo của robot để thấy nó cũng bình thường như chiếc máy giặt, tủ lạnh hoặc hệ thống đèn tự động điều hành giao thông. Kết thúc mỗi lớp học, các cháu đều được cấp chứng chỉ.

Vũ trụ gần gặn

Đại cung Thiên văn ở Moskva đưa trẻ em vào từng ngõ ngách không gian của vũ trụ bao la. Vào đây có thể thấy những mẫu thiên thạch, mô hình thái dương hệ, các dải sao trên trời… Tại phòng chính - phòng Tinh cầu lớn, hiện là to nhất châu Âu - người xem hoàn toàn có cảm giác mình đang ở giữa vũ trụ.

Bộ thiết bị nghiên cứu và theo dõi thiên văn với những dụng cụ, những cỗ máy làm việc trong không gian khiến người xem ngỡ mình cũng là nhà thiên văn học. Các hiện vật sống động ở dạng đồ chơi trình diễn trực quan những quy luật vật lý và hiện tượng thiên nhiên. Các cháu được làm quen với mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ để hiểu lịch sử "vụ nổ lớn" và hoàn toàn có đủ cảm giác là mình được chu du từ hành tinh này đến hành tinh khác, lên thăm Mặt trăng hoặc sao Hỏa bằng một chiếc… xe đạp.

Thế đấy - những bảo tàng khoa học hiện nay chú trọng tối đa đến lứa tuổi học trò và cung cấp vô vàn cách trình bày giúp các em mở mang trí óc, đồng thời còn gợi ý cho các giảng viên đại học nhiều phương cách để truyền bá kiến thức khoa học được hấp dẫn hơn, phong phú hơn. Thêm một lần khẳng định chân lý giản đơn: cần nâng cao tính giải trí để thực hiện tốt hơn nữa chức năng khai trí.

Đăng Bẩy
.
.