Kịch hình thể Việt Nam:

Bao năm vẫn chỉ là… thử nghiệm

Thứ Tư, 03/06/2015, 08:00
"Một cõi đi về" (Đạo diễn: NSND Lan Hương) là tác phẩm kịch hình thể mới nhất mà Nhà hát Tuổi trẻ "trình làng" vào những ngày đầu tháng 4 vừa qua. So với những tác phẩm kịch hình thể trước đây thì "Một cõi đi về" đã có bước "tiếp cận" gần hơn với công chúng vì khi xem, khán giả có thể hiểu được câu chuyện mà người nghệ sỹ gửi gắm. Hơn chục năm xuất hiện ở Việt Nam, kịch hình thể vẫn đang trên đường "đi tìm" khán giả và khẳng định chỗ đứng của mình.

Đề tài "quen" vẫn chật vật tiếp cận khán giả

Kịch hình thể "kén" khán giả là nhận định chung của nhiều người làm nghề hiện nay. Được coi là làn gió mới trên sân khấu kịch phía Bắc nhưng hơn chục năm xuất hiện, kịch hình thể vẫn là khái niệm khá "trừu tượng" với công chúng yêu nghệ thuật. Một hướng đi rất đúng đắn của kịch hình thể Việt Nam là tìm những đề tài quen thuộc để tiếp cận khán giả.

Rõ ràng, với một loại hình nghệ thuật mới như kịch hình thể thì đề tài quen, đậm "chất Việt" sẽ là lợi thế lớn. Vở kịch "Một cõi đi về" ra đời đầu tháng tư vừa qua cũng nằm trong "trào lưu" này. NSND Lan Hương nói rằng, chị mê đắm âm nhạc của Trịnh Công Sơn và mong muốn xây dựng một tác phẩm về người nhạc sĩ tài hoa này. Tuy nhiên, chị muốn đưa tinh thần, triết lý nhân sinh trong âm nhạc Trịnh Công Sơn lên sân khấu chứ không phải vẽ chân dung ông qua kịch hình thể.

"Một cõi đi về" kể về bốn câu chuyện có chủ đề chung là tình cảm gia đình và sợi dây kết nối những câu chuyện này chính là những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như "Lời mẹ ru", "Ở trọ", "Tiến thoái lưỡng nan", "Cuối cùng cho một tình yêu", "Cát bụi" và "Để gió cuốn đi".

Một cảnh trong vở kịch hình thể "Một cõi đi về" mới ra mắt công chúng đầu tháng 4 vừa qua.

Một nét đặc biệt trong phần âm nhạc của "Một cõi đi về" là các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được thể hiện qua các nhạc cụ dân tộc như sáo, nhị… Một đoạn ca khúc "Cát bụi" còn được "ngẫu hứng" cho hát theo thể loại ca trù. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài danh và câu chuyện về ông dễ nhận được sự đồng điệu của công chúng cho dù được thể hiện qua bất cứ loại hình nghệ thuật nào.

Trước đó, một số vở kịch hình thể cũng cố gắng khai thác mảng đề tài quen thuộc để thu hút khán giả như "100 phút cuối cùng của Hàn Mạc Tử", "Nguyễn Du với Kiều", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"… Vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" phiên bản kịch hình thể xuất hiện trong Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ năm 2013 được giới chuyên môn đánh giá là "ý tưởng táo bạo, mới lạ, độc đáo".

Bằng ngôn ngữ hình thể, các diễn viên đã làm mới một câu chuyện cũ. Mặc dù lựa chọn đề tài quen thuộc, gần gũi để xây dựng tác phẩm kịch hình thể nhưng với những nhà tổ chức, việc kéo khán giả đến rạp vẫn là bài toán khó. Dàn dựng được một tác phẩm đã khó, việc quảng bá, bán vé lại khó hơn gấp nhiều lần. Nhiều khán giả từng đến sân khấu kịch hình thể không ngần ngại bày tỏ quan điểm rằng, họ không muốn đến rạp lần thứ hai vì xem "không hiểu gì cả".

NSND Lan Hương từng phải thốt lên rằng: "Xem kịch hình thể, nhiều người khen hay lắm, đẹp lắm nhưng ít ai bỏ tiền ra mua vé". Lời nhận xét này phần nào cho thấy, sự khó khăn trong việc tiếp cận khán giả của loại hình nghệ thuật mới này.

Hơn 10 năm phát triển vẫn đang thử nghiệm?

Thế mạnh chính của hình thức nghệ thuật này là sử dụng hình thể để diễn tả ngôn ngữ kịch. Với kịch hình thể, lời thoại bị đẩy xuống hàng thứ yếu và cái hay của kịch hình thể là sự mở rộng, khơi gợi khả năng cảm nhận của khán giả. Một tác phẩm kịch hình thể chỉ có thể thành công khi nó có sự tương tác, đánh thức được cảm xúc của khán giả. "Nguyễn Du với Kiều" hay "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" cũng rơi vào lỗi nhiều thoại tương tự. Chính điều này cho thấy sự lúng túng, thiếu mạch lạc, nhất quán trong ngôn ngữ thể hiện của đạo diễn.

Tuy nhiên, NSND Lan Hương nói rằng, kịch hình thể vẫn cần có thoại ở những đoạn cần thiết vì kịch mà không có thoại thì sẽ là kịch câm chứ không phải là kịch hình thể nữa. Rõ ràng, kịch hình thể Việt Nam vẫn đang lúng túng trong cách "định nghĩa" chính mình. Kịch hình thể vẫn phải là kịch với những nét đặc trưng riêng có của nó nhưng việc sử dụng lời thoại nhiều khiến kịch hình thể Việt dường như đang đi lệch với "quỹ đạo" chung của kịch hình thể trên thế giới.

Sau hơn 10 năm tồn tại, phát triển ở Việt Nam, chúng ta có khoảng 10 vở diễn kịch hình thể. Điều đáng chú ý là, tất cả những tác phẩm đó đều là sự mày mò, tìm tòi của nghệ sỹ Việt Nam. Chưa có chuyên gia nào đến Việt Nam giảng dạy và cũng chưa có diễn viên nào được ra nước ngoài học một cách bài bản về loại hình nghệ thuật này.

Ở Việt Nam hiện nay, chưa có trường lớp đào tạo bài bản về kịch hình thể, diễn viên của kịch hình thể phần lớn xuất thân là nghệ sỹ múa, nghệ sỹ kịch câm. Việc đào tạo chủ yếu là "tự đào tạo". Trong khi đó, để trở thành một diễn viên kịch hình thể chuyên nghiệp theo "chuẩn" thế giới, người diễn viên phải có sự hiểu biết nhiều lĩnh vực nghệ thuật như kịch, xiếc, múa… Những vở kịch hình thể đã được dàn dựng mới ở mức minh họa nhiều động tác cơ thể, chưa vươn tới được nghệ thuật, ngôn ngữ hình thể thực sự. Kịch hình thể Việt Nam chưa có được tác phẩm nào thực sự để lại ấn tượng sâu sắc.

Kiên trì quảng bá và "đào tạo khán giả"

Kịch hình thể xuất hiện trên thế giới vào những năm 60 của thế kỷ XX, có nghĩa là đã "đi trước" chúng ta một chặng đường dài. Có lẽ vì vậy mà chúng ta không nên quá kỳ vọng vào sự phát triển của loại hình nghệ thuật này trong thời gian trước mắt. Tôi cho rằng, để tạo dựng được chỗ đứng cho kịch hình thể ở Việt Nam cần phải kiên trì quảng bá với công chúng. Đã đến lúc phải mang những tác phẩm kịch hình thể đến gần hơn với khán giả, nhất là khán giả trẻ bằng việc công diễn tại các trường học, địa điểm công cộng…

Việc khai thác, vận dụng vẻ đẹp ngôn ngữ hình thể từ các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng trong việc xây dựng ngôn ngữ kịch hình thể Việt Nam là việc làm cần thiết. Trong ảnh: Một cảnh trong vở kịch hình thể "Nguyễn Du với Kiều".

Kịch hình thể có lẽ chưa thực sự phù hợp với thị hiếu của người Việt. Có thể khán giả Việt chưa cảm nhận, hiểu được sự trừu tượng trong ngôn ngữ hình thể. Chính vì vậy, bên cạnh việc quảng bá các tác phẩm nghệ thuật, kịch hình thể đang cần sự trợ giúp của các cơ quan quản lý trong việc "đào tạo khán giả". Chỉ khi nào trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng được nâng cao thì kịch nói chung, kịch hình thể nói riêng cùng nhiều loại hình nghệ thuật hàn lâm, truyền thống khác mới có cơ hội để phát triển.

Cần thay đổi quan niệm của khán giả khi xem kịch hình thể. Đó là không nhất thiết phải nắm được câu chuyện mà có khi chỉ cần xem tình huống và nắm bắt tâm lý, đời sống nội tâm nhân vật để từ đó, cùng sáng tạo với tác phẩm. Xem kịch hình thể, khán giả phải có sự tương tác để đồng sáng tạo với tác phẩm.

Kịch hình thể được nhà nghiên cứu sân khấu nổi tiếng B. Maranca đánh giá là "trình thức sân khấu mới, một văn phạm thị giác được viết ra theo những mã số nhận thức tinh nhạy, đòi hỏi người xem phải bước vào một thế giới đầy cảm giác và tinh tế để cảm nhận".

Phải khẳng định rằng, sự ra đời, phát triển của kịch hình thể là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển xã hội. Chặng đường phát triển của kịch hình thể ở Việt Nam vẫn đang ở phía trước và còn rất nhiều điều cần phải làm. Tuy nhiên, với nghệ thuật, cái cốt yếu là tác phẩm hay và chỉ có tác phẩm hay mới có thể kéo khán giả đến rạp. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tài năng, sự tâm huyết của đội ngũ đạo diễn, diễn viên.

Với kịch hình thể Việt Nam, việc tìm ra ngôn ngữ kịch hình thể riêng, gần gũi với đời sống, tâm hồn người Việt là việc làm rất cần được quan tâm, định hướng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nếu không tìm ra ngôn ngữ kịch hình thể mang bản sắc riêng thì chúng ta mãi mãi là người đi sau sự phát triển của nước ngoài. Bên cạnh đó, cần khai thác, vận dụng vẻ đẹp truyền cảm của ngôn ngữ hình thể từ các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng cổ… trong việc xây dựng ngôn ngữ kịch hình thể Việt Nam.

Phạm Thiên Giang
.
.